Một số giáo viên phản ánh Sách Ngữ văn 6 bộ Kết nối còn "sạn"

06/06/2022 07:02
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sách Ngữ văn 6 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống được một số giáo viên phát hiện có "sạn".

Giá sách giáo khoa Chương trình mới tăng nhưng nội dung nhiều bài học bị phát hiện là có "sạn" một trong số đó là cuốn Ngữ văn 6 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Ngày 29/5/2022, một nhóm giáo viên dạy bậc trung học cơ sở ở tỉnh Quảng Trị phản ánh với người viết rằng, bài học "Trái Đất - cái nôi của sự sống" (trang 90, bản điện tử) trong sách Ngữ văn 6, tập 2, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, do PGS Bùi Mạnh Hùng làm Tổng Chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành mắc lỗi sai cơ bản.

Cụ thể, mục "Trái Đất trong hệ Mặt Trời" có nội dung như sau (trích): "Trái Đất là một trong 8 hành tinh của hệ Mặt Trời (gồm sao Thủy, sao Kim, sao Mộc, sao Thổ, sao Hỏa, Trái Đất, sao Thiên Vương, sao Hải Vương - tính theo thứ tự từ Mặt Trời ra ngoài). [1]

Bài "Trái Đất - cái nôi của sự sống" trong sách Ngữ văn 6 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: Cao Nguyên)

Bài "Trái Đất - cái nôi của sự sống" trong sách Ngữ văn 6 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: Cao Nguyên)

"Sách viết như thế này thì giáo viên và học sinh hiểu rằng: Trái Đất là hành tinh nằm thứ 6 trong hệ Mặt Trời. Tôi và nhiều đồng nghiệp khẳng định, tác giả sách đã nhầm lẫn nghiêm trọng cho dù kiến thức chỉ ở mức "phổ thông", thầy cô nói thêm.

Tôi chuyển câu hỏi "Trái Đất là hành tinh thứ mấy trong hệ Mặt Trời" đến một số giáo viên giảng dạy môn Địa lí bậc trung học phổ thông nơi đơn vị tôi đang công tác (Thành phố Hồ Chí Minh) thì thầy cô đều nói rằng, Trái Đất nằm vị trí thứ ba theo thứ tự xa dần Mặt Trời".

Tôi kiểm tra lại thông tin này trên mục Giáo dục (trắc nghiệm) Báo VnExpress ngày 27/4/2021 thì được biết:

"Trái Đất ở vị trí thứ ba theo thứ tự xa dần Mặt Trời. Hệ Mặt Trời có 8 hành tinh, gồm sao Thủy, sao Kim, Trái Đất, sao Hỏa, sao Mộc, sao Thổ, Thiên Vương, Hải Vương, chuyển động theo một quỹ đạo nhất định.

Trái Đất là hành tinh duy nhất có sự sống, là hành tinh đất đá lớn nhất trong bốn hành tinh đất đá của hệ Mặt Trời, cả về kích thước và khối lượng. Trong bốn hành tinh này, Trái Đất có độ đặc lớn nhất, hấp dẫn bề mặt lớn nhất, từ trường mạnh nhất, tốc độ quay nhanh nhất". [2]

Bên cạnh đó, nhiều giáo viên dạy môn Ngữ văn còn thông tin thêm, cuốn sách này biên soạn thiếu tính khoa học, thậm chí sai lệch kiến thức.

Thầy cô dẫn chứng, bài đọc "Tri thức ngữ văn", văn bản đa phương thức được sách giáo khoa định nghĩa: “Văn bản đa phương thức là loại văn bản có sử dụng phối hợp phương tiện ngôn ngữ và các phương tiện phi ngôn ngữ như kí hiệu, sơ đồ, biểu đồ, hình ảnh, âm thanh,…” (trang 89, tập 2, bản điện tử).

Nhiều giáo viên thắc mắc cách định nghĩa "văn bản đa phương thức". (Ảnh: Cao Nguyên)

Nhiều giáo viên thắc mắc cách định nghĩa "văn bản đa phương thức". (Ảnh: Cao Nguyên)

Các giáo viên thắc mắc, mặc dù gọi loại văn bản này là “văn bản đa phương thức” nhưng nội dung định nghĩa cho thấy đó là văn bản “đa phương tiện”, chứ không phải “đa phương thức”. Giả sử học sinh hỏi, các văn bản đa phương thức này được tạo ra bằng những phương thức nào thì thầy cô biết trả lời sao cho đúng?.

Hay, văn bản “Cô Tô” (Nguyễn Tuân) có đoạn: “Tiếng gió càng ghê rợn mỗi khi nó thốc vào, vuốt qua những gờ kính nhọn còn dắt ở ô cửa vỡ. Nó rít lên rú lên như cái kiểu người ta vẫn thường gọi là quỷ khốc thần linh” (trang 121, tập 1, bản điện tử). [3]

Tác giả sách nhầm lẫn thành ngữ "quỷ khốc thần linh". (Ảnh: Cao Nguyên)

Tác giả sách nhầm lẫn thành ngữ "quỷ khốc thần linh". (Ảnh: Cao Nguyên)

Thầy cô dạy môn Ngữ văn cho biết, tác giả sách đã nhầm lẫn thành ngữ "quỷ khốc thần linh", viết đúng phải là "quỷ khốc thần kinh" - quỷ khóc, thần khiếp sợ.

Tôi đã tra một vài từ điển số thì được biết: "Quỷ khốc thần kinh" nghĩa là quỷ thần cũng phải khiếp sợ (trước cảnh tượng hãi hùng, khủng khiếp hoặc điều kì lạ, phi thường).

Cá nhân tôi cho rằng, cũng có thể nhà văn Nguyễn Tuân sử dụng chưa đúng thành ngữ này nhưng trách nhiệm của tác giả sách là phải hiệu đính vì sách giáo khoa cần sự chuẩn mực. Ngoài ra, tôi cũng băn khoăn, liệu đội ngũ thẩm định sách giáo khoa có làm việc qua loa khi bỏ sót "hạt sạn" cơ bản này?

Hoặc, nhiều bài học ghi tên tác giả nước ngoài không thống nhất, mỗi từ viết một kiểu. Ví dụ, có tác giả thì sách ghi tên phiên âm kèm tên gốc như: Bét-ti Xmít (Betty Smith), trang 4, tập 2, bản điện tử. Nhưng có tác giả chỉ ghi mỗi tên phiên âm, nghe rất buồn cười: Rơ-nê-gô-xi-nhi và Giăng-giắc Xăng-pê, trang 73, tập 2, bản điện tử.

Tên riêng nước ngoài có tình trạng mỗi từ viết một kiểu. (Ảnh: Cao Nguyên)Tên riêng nước ngoài có tình trạng mỗi từ viết một kiểu. (Ảnh: Cao Nguyên)

Liên quan đến "sạn" trong sách giáo khoa Chương trình mới, ngày 23/5/2022, thảo luận tại hội trường về chương trình giám sát năm 2023, bà Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) dẫn lại trong báo cáo trả lời đại biểu Quốc hội chất vấn ngày 12/01/2022, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn có nêu:

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thu hồi để sửa chữa 110.000 cuốn, đồng thời đã in lại 38 nghìn cuốn sách khoa học tự nhiên 6 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống".

“Tuy nhiên, thực tế không đúng như Bộ trưởng trả lời, thậm chí có câu hỏi đặt ra là liệu có những vụ Việt Á trong lựa chọn sách giáo khoa hay không? Những vấn đề này nên được thảo luận rộng rãi ở Quốc hội để thu nhận được ý kiến từ nhiều chiều và để cử tri cả nước được biết", bà Thúy nêu quan điểm. [4]

Sách Ngữ văn 6 đã qua một năm học (2021-2022) nhưng cho đến thời điểm này nhiều lỗi sai vẫn còn lưu trên bản điện tử như chúng tôi đã dẫn chứng, gây trở ngại cho thầy trò trong quá trình dạy và học.

Thiết nghĩ, "sạn" trong sách giáo khoa thì các tác giả phải "nhặt" ngay kẻo ảnh hưởng đến học sinh. Bởi, các kì thi tuyển sinh 9 lên 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm, Bộ Giáo dục luôn nhấn mạnh, việc ra đề phải căn cứ vào chương trình sách giáo khoa, không đánh đố...

Tài liệu tham khảo:

[1] https://v236.x8top.net/tmp082020/cf/tailieu/2022/4/pdf/ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-tap-2.pdf?fbclid=IwAR20idBLiwsKCq5lrqoc88tyGdyp6kkUFEH6mK-efYLSsLzZusTrqMeuCwc

[2] https://vnexpress.net/trai-dat-la-hanh-tinh-thu-may-trong-he-mat-troi-4269198.html?fbclid=IwAR35f_SE7YQBFihHiHlLkmZVd__lg4igO6S2f2vcwGqaJViVk8AmvawpZpg

[3] https://drive.google.com/file/d/1o9EaOFQhJnLFS262L-_KSYmTiHUtQyUS/view?fbclid=IwAR08M7eki-d_eRnx3rg3N_MoCpwK7d_HRE2_u69n0yrSGeXd1NsrXZOD9gY

[4] https://lsvn.vn/thu-hoi-sgk-tai-nxb-giao-duc-viet-nam-thuc-te-khong-dung-nhu-bo-truong-tra-loi1653307960.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên