Một số địa phương khó khăn trong việc sáp nhập trường lớp, dạy học môn tích hợp

26/08/2024 08:36
Minh Quân
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Năm học 2023-2024, tỷ lệ huy động học sinh đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,7%. Có 35/63 tỉnh thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.

Giáo dục học phổ thông huy động hơn 18 triệu trẻ đến trường

Theo Báo cáo Kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024 - 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2023 - 2024, cả nước có 25.900 cơ sở giáo dục phổ thông, với hơn 18 triệu học sinh (giảm gần 340 ngàn học sinh so với năm học 2022 - 2023). Trong đó, cấp tiểu học có nhiều học sinh nhất với 8,9 triệu em.

Tỷ lệ bình quân 4,25 cơ sở giáo dục trung học phổ thông/đơn vị hành chính cấp huyện; 1,03 cơ sở giáo dục trung học cơ sở và 1,38 cơ sở giáo dục tiểu học/đơn vị hành chính cấp xã.

Số lượng trường trung học tăng ở các thành phố lớn do việc tăng dân số nên địa phương đã xây dựng, thành lập các trường mới; số lượng giảm ở một số địa phương do việc sáp nhập địa giới hành chính dẫn đến việc sáp nhập các trường trung học trên địa bàn.

Các địa phương đã làm tốt công tác điều tra phổ cập, dự báo được tình hình tăng, giảm học sinh tại các địa bàn, vì thế cơ bản các địa phương đã đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên để thực hiện tổ chức dạy học đúng quy định của chương trình.

Công tác phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở tiếp tục được các địa phương quan tâm nhằm củng cố, duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục và từng bước phấn đấu đạt chuẩn mức độ cao hơn để nâng cao chất lượng giáo dục; tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi vào học tiểu học tại địa bàn, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật được đi học và hoàn thành chương trình tiểu học.

Năm học 2023 - 2024, tỷ lệ huy động học sinh đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,7%. Tỷ lệ huy động học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục tiểu học vào trung học cơ sở đạt 98,17%.

Cả nước có 35/63 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt tỷ lệ 54% (tăng 05 đơn vị cấp tỉnh so với cùng thời điểm năm trước).

Tỷ lệ cấp xã và cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục cấp trung học cơ sở là 100%. 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1; 15/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn mức độ 2, đạt chuẩn mức độ 3 có 8 tỉnh.

Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày được các địa phương triển khai thực hiện tích cực, số trường và số học sinh học 2 buổi/ngày ngày càng tăng sau mỗi năm học.

Bên cạnh các chính sách chung của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ chi phí ăn, ở, học tập, các địa phương đã ban hành nhiều chính sách đặc thù của địa phương, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể để giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn, giảm tình trạng bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục, phổ cập giáo dục.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11 trong năm học 2023 - 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành phê duyệt theo đúng lộ trình và đảm bảo chất lượng nhiều tài liệu dạy học; ban hành công văn hướng dẫn về việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Thực hiện quy định giáo dục và đào tạo về việc lựa chọn sách giáo khoa, các địa phương đã kịp thời ban hành quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn để tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các sở giáo dục và đào tạo, các nhà xuất bản và các đơn vị liên kết tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý trong việc sử dụng sách giáo khoa; đồng thời, yêu cầu các nhà xuất bản cung ứng đầy đủ, kịp thời số lượng sách giáo khoa đến các cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng nhu cầu của giáo viên, phụ huynh và học sinh, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu sách giáo khoa vào đầu năm học.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai đánh giá giữa kỳ việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm đánh giá thực trạng, kết quả đạt được sau 4 năm triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; chỉ ra những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 những năm tiếp theo.

GDVN_dao-tao-giao-vien-1.jpg
Ảnh minh họa (Ảnh: Lã Tiến)

Để triển khai tổ chức dạy học Ngoại ngữ 1, Tin học bắt buộc ở lớp 3 và lớp 4 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương đã chú trọng tăng cường công tác tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.

Đối với những nơi đặc biệt khó khăn trong công tác tuyển dụng, bổ sung giáo viên do thiếu nguồn tuyển dụng, các địa phương đã thực hiện triển khai giải pháp bố trí giáo viên linh hoạt, điều động giáo viên dạy liên trường trong cùng cấp học, biệt phái giáo viên trung học cơ sở theo thẩm quyền quản lý tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục tiểu học.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đã vận dụng linh hoạt các hình thức học tập khác nhau như vận dụng kho bài giảng, học liệu điện tử môn tiếng Anh để tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh với sự hỗ trợ của giáo viên nhà trường; thực hiện dạy học trực tuyến, học trực tiếp qua lớp học ảo; trang bị các điều kiện về công nghệ để một giáo viên một thời điểm có thể giảng dạy cho hơn một lớp học tại những vị trí địa lý khác nhau;…

Kết quả, năm học 2023 - 2024, 100% các cơ sở giáo dục tiểu học trong cả nước đã tổ chức dạy Ngoại ngữ 1, Tin học bắt buộc ở lớp 3 và lớp 4. Tỷ lệ lớp 3, lớp 4 được học đủ 04 tiết/tuần theo quy định đạt 99,85% (chỉ còn 0,15% lớp 3, lớp 4 tại các cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa chưa được học đủ 04 tiết/tuần).

Số lớp 1 và lớp 2 được làm quen Tiếng Anh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 tiếp tục được duy trì và đạt tỷ lệ hơn 70%.

Triển khai Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giai đoạn 2018 - 2025”, hầu hết các cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông theo hướng mở; thực hiện đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Năm học 2023-2024, có khoảng 74,5% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung học phổ thông, còn lại khoảng 25,5% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở theo học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Giáo dục mũi nhọn đạt nhiều thành tích cao tại các kỳ thi quốc tế

Công tác thi chọn học sinh giỏi quốc gia, tổ chức các đoàn học sinh giỏi tham dự Olympic quốc tế và khu vực tiếp tục được đổi mới ở tất cả các khâu theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo đảm nghiêm túc, khách quan, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn.

Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia phản ánh chính xác, khách quan chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi của địa phương, góp phần nâng cao thành tích của các đội tuyển học sinh giỏi Việt Nam dự thi Olympic khu vực và quốc tế.

GDVN_khen-thuong-hsg-2.jpg
Ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành uỷ Hải Phòng trao bằng khen và phần thưởng cho 4 học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế (Ảnh: LT)

Kết quả, tính đến nay đoàn tham dự Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2024 tại Hoa Kỳ đã giành được 1 giải Nhì (đây là giải cao nhất học sinh Việt Nam giành được kể từ năm 2013 đến nay).

Các đoàn dự thi Olympic khu vực và quốc tế đã giành được 10 huy chương Vàng, 14 huy chương Bạc, 09 huy chương Đồng và 01 Bằng khen. Trong đó, đội tuyển Olympic Sinh học quốc tế đứng thứ 3/81 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự; đội tuyển Olympic Hoá học quốc tế đứng thứ 2/89 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự.

Thành tích xuất sắc của các đội tuyển tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông và sự cố gắng, nỗ lực trong học tập, rèn luyện của học sinh, giáo viên và các nhà trường; đồng thời, khẳng định hướng đi đúng đắn trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng tập huấn học sinh giỏi; tạo ảnh hưởng, tác động to lớn, lan tỏa rộng rãi, thúc đẩy giáo viên, học sinh và toàn thể xã hội nỗ lực thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Bên cạnh đó, kết quả các cuộc đánh giá quốc gia kết quả học tập của học sinh và các chương trình đánh giá quốc tế cho thấy chất lượng giáo dục phổ thông nước ta đang từng bước được cải thiện và nâng cao, ở mức khá tốt so với khu vực và thế giới; giúp cung cấp cơ sở dữ liệu đánh giá kết quả giáo dục, đề ra giải pháp cải thiện chất lượng dạy và học.

Sáp nhập trường lớp tại nhiều nơi chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả

Kết thúc năm học 2023 - 2024, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các cấp học của giáo dục phổ thông vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua trong những năm học tới.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau khi sắp xếp, sáp nhập, quy hoạch lại các trường, điểm trường, tại một số địa bàn dân cư phân tán, giao thông bị chia cắt, ảnh hưởng đến việc đi học của học sinh, một số trường gặp khó khăn do việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ quản lý, đội ngũ nhân viên văn phòng, kế toán... dôi dư sau sáp nhập chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả

Một số địa phương nhận thức chưa thật đầy đủ về tầm quan trọng và vai trò của công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đối với việc nâng cao dân trí, tạo cơ sở vững chắc phát triển nguồn nhân lực, mới chỉ quan tâm đến phấn đấu đạt chuẩn mà ít quan tâm đến củng cố, duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Do đó, chất lượng phổ cập còn thấp và chưa vững chắc ở một số địa phương. Ở một số tỉnh khó khăn, số học sinh lưu ban và bỏ học vẫn còn là một thách thức đối với ngành và ban chỉ đạo phổ cập.

1.jpg
Ảnh minh họa (Ảnh: Lã Tiến)

Việc triển khai thực hiện dạy học các môn học tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 như môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lí, nội dung giáo dục địa phương; tổ chức hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp… ở một số địa phương còn gặp khó khăn. Việc tổ chức các hoạt động trong giờ học đôi khi vẫn còn có biểu hiện hình thức, thiếu hiệu quả, chưa đúng bản chất.

Nguyên nhân là do nhận thức và năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế, giáo viên hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu đảm nhận toàn bộ môn học; dẫn tới việc triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn chưa đúng với tinh thần đổi mới, gây khó khăn, kém hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện.

Việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường ở nhiều địa phương còn gặp khó khăn, lúng túng. Một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp vượt tỉ lệ quy định.

Nhiều trường còn thiếu các phòng chức năng tối thiểu; thiếu sân chơi, bãi tập; thiếu khu vệ sinh, hoặc có nhưng chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định. Một số xã thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây nguyên còn tồn tại nhiều điểm trường.

Minh Quân