PGS Bùi Mạnh Hùng: Giáo dục phổ thông chuyển biến mạnh mẽ nhưng còn vướng mắc

16/11/2023 08:49
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” tạo ra thực tế mới mẻ, sống động, không thể bỏ qua khi đánh giá về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 29

Giáo dục phổ thông có nhiều thay đổi khi bước sang năm thứ 10 triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Nổi bật nhất trong tiến trình đổi mới giáo dục phổ thông là việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và biên soạn sách giáo khoa theo chương trình này.

Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục và đào tạo, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng – nguyên Điều phối viên chính, Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Tổng Chủ biên sách giáo khoa môn Tiếng Việt – Ngữ văn (Bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”) đã có những chia sẻ về đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông – nhiệm vụ thiết yếu thực hiện mục tiêu Nghị quyết 29.

Lần đầu Việt Nam xây dựng chương trình giáo dục phổ thông một cách bài bản

Bàn về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng cho biết, với chương trình tổng thể và 27 chương trình các môn học, hoạt động giáo dục, lần đầu tiên, Việt Nam xây dựng chương trình giáo dục phổ thông một cách bài bản.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng. Ảnh: NVCC.

“Nếu Chương trình giáo dục phổ thông 2006 được triển khai trong khuôn khổ 3 dự án, ở 3 giai đoạn cho 3 cấp học khác nhau thì Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai trong khuôn khổ một dự án do Ban Phát triển Chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm nhiệm, tiến hành đồng thời cho cả 3 cấp trong hơn 2 năm.

Ở Chương trình giáo dục phổ thông 2006, chương trình của các môn học, hoạt động giáo dục trong cùng một cấp học được biên soạn hoàn toàn tách biệt với nhau.

Còn Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có chương trình tổng thể, đặt cơ sở chung về quan điểm xây dựng chương trình, mục tiêu giáo dục phổ thông và mục tiêu của từng cấp học, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực, kế hoạch giáo dục, định hướng nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục,…; chương trình của các môn học, hoạt động giáo dục được xây dựng trên cơ sở chung đó.

Vì vậy, chương trình của các môn học, hoạt động giáo dục của từng cấp học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có sự kết nối rất chặt chẽ với nhau”

_Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng_

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là kết quả của sự kế thừa thành quả, kinh nghiệm xây dựng chương trình của Việt Nam trong các giai đoạn trước đây, nhất là Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và sự học hỏi tư tưởng, kỹ thuật xây dựng chương trình giáo dục phổ thông của các nước phát triển. Theo Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng, Việt Nam đổi mới chương trình vào đúng thời điểm các nước như: Hoa Kỳ, Australia, Phần Lan, Hàn Quốc, Đức,… cũng vừa đổi mới giáo dục phổ thông. Vì vậy, chúng ta có điều kiện cập nhật các mô hình chương trình hiện đại.

“Có thể nói, những gì chúng ta thực hiện đã tiệm cận được với xu hướng mới nhất về xây dựng chương trình của thế giới. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đặt cơ sở pháp lý và chuyên môn để từng bước tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học. Chắc chắn rằng, những chuyển biến này sẽ được thấy rõ hơn trong những năm tới”, Phó Giáo sư Hùng nhận định.

Về việc biên soạn sách giáo khoa, theo Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng, nhờ định hướng của chương trình mới, sách giáo khoa cũng có những thay đổi rất cơ bản: từ mô hình sách giáo khoa cung cấp kiến thức sang mô hình sách giáo khoa hướng dẫn cho giáo viên và học sinh tổ chức các hoạt động dạy học, thông qua đó phát triển năng lực và phẩm chất người học.

Sách giáo khoa Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Ảnh: Thủy Tiên.

Sách giáo khoa Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Ảnh: Thủy Tiên.

Trong những năm qua, các trường phổ thông đã có nhiều đổi mới về phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập; hoạt động dạy học trong trường đã gần gũi hơn với thực tiễn đời sống, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của đất nước trong bối cảnh mới. Đặc biệt, theo Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng, chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” đã tạo ra một thực tế mới mẻ, sống động, và đây là điều không thể bỏ qua khi đánh giá về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương.

Thành quả từ chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách”

Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội Về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Nghị quyết 88) được coi là văn bản quy phạm pháp luật thể chế hóa Nghị quyết 29 để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục Việt Nam; là một trong những cơ sở để thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng, năm 2023, chúng ta thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” là năm thứ tư, để đánh giá được toàn diện những thành quả to lớn và những hạn chế cần khắc phục của việc thực hiện chủ trương này thì phải có thêm thời gian. Tuy vậy, bước đầu có thể thấy rõ một số nét chính.

Cụ thể, việc thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” đã mang lại những thành quả bước đầu rất “ngoạn mục” như: huy động được đông đảo các nhà sư phạm, nhà giáo, nhà khoa học tham gia biên soạn để có hệ thống sách giáo khoa phong phú, đa dạng, tạo điều kiện cho các địa phương, nhà trường, giáo viên và học sinh lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội, đặc điểm vùng miền và đối tượng học sinh.

Sự phong phú, đa dạng của sách giáo khoa mở ra khả năng phát triển một nền giáo dục mở và sáng tạo, góp phần thay đổi tư duy của cán bộ quản lý các cấp, đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá của giáo viên, tác động tích cực đến việc học tập của học sinh, qua đó phát huy được năng lực của tất cả các thành phần liên quan trong hệ thống giáo dục.

Ảnh minh họa: Thủy Tiên.

Ảnh minh họa: Thủy Tiên.

Việc thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” cũng bộc lộ một số hạn chế. Theo Phó Giáo sư, nguồn lực của Việt Nam chưa đáp ứng được việc triển khai một lúc nhiều bộ sách có chất lượng. Văn hóa cạnh tranh chưa phát triển nên có một số biểu hiện ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường giáo dục. Xã hội hóa là để tạo tính cạnh tranh, góp phần giảm giá sách giáo khoa, nhưng thực tế giá sách giáo khoa lại tăng cao.

“Nói một cách công bằng, so với giá sách giáo khoa đầu những năm 2000 thì giá sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần phải ở một mức khác vì trong gần 20 năm qua, mọi thứ đều tăng, giá sách giáo khoa không thể giữ nguyên, đó là chưa kể sách giáo khoa biên soạn theo phương thức xã hội hóa lần này không được hỗ từ nguồn vốn của nhà nước. Nhưng vấn đề là tăng thế nào cho phù hợp với mức độ tăng lương và tăng giá nhiều mặt hàng khác.

Một số bất cập khác như địa phương, nhà trường còn lúng túng trong việc chọn sách, phụ huynh mất thời gian tìm mua sách, học sinh gặp khó khăn khi chuyển đến trường mới phải dùng bộ sách khác,… Đây là những trở ngại không lớn, hoàn toàn có thể khắc phục được, nhất là sau một thời gian xã hội quen với việc dùng nhiều bộ sách”, Phó Giáo sư chia sẻ.

Phụ huynh mua sách giáo khoa cho con học Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: Thủy Tiên.

Phụ huynh mua sách giáo khoa cho con học Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: Thủy Tiên.

Đánh giá tương quan giữa ưu điểm và hạn chế, Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng nhận định, ưu điểm của chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” vẫn nổi trội hơn. Với những bất cập, nhà nước cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ từ khâu biên soạn, in ấn, phát hành; có chính sách để quản lý giá và giảm giá sách giáo khoa phù hợp đối với thu nhập của người dân hiện nay. Đặc biệt, có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng học sinh dân tộc thiểu số, học sinh vùng sâu vùng xa, học sinh hoàn cảnh khó khăn,...

Trên thực tế, thay đổi sách giáo khoa dẫn đến phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá cũng thay đổi theo. Nghị quyết 29 cũng có quan điểm chỉ đạo: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”. Về quan điểm này, Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng khẳng định, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa được biên soạn đã bước đầu góp phần “chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”.

Theo đó, nếu so sánh với chương trình và sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông 2006, chương trình và sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có những đổi mới rất căn bản, trong đó nổi bật là chương trình theo định hướng phát triển năng lực và sách giáo khoa được biên soạn như một loại học liệu hướng dẫn giáo viên và học sinh tổ chức các hoạt động dạy học để đạt mục tiêu về năng lực và phẩm chất mà chương trình đặt ra.

“Có thể so sánh hai cách tiếp cận chương trình và sách giáo khoa như hai cách nuôi con của một người mẹ.

Cách thứ nhất, người mẹ chỉ quan tâm đến việc chọn thật nhiều thực phẩm có dinh dưỡng cao để chế biến thức ăn cho con với suy nghĩ con ăn nhiều sẽ lớn nhanh, khỏe mạnh, thông minh, nhưng kết quả là con có thể nguy cơ béo phì, hoặc quá tải vì ăn nhiều.

Cách thứ hai, người mẹ có hiểu biết về nhu cầu dinh dưỡng của đứa con, tùy thuộc vào thể trạng và giai đoạn trưởng thành mà chọn thực phẩm để chế biến thức ăn cho phù hợp. Không chỉ thế, người mẹ còn rèn cho con biết cách để tự ăn.

Giáo dục của chúng ta đang có bước chuyển căn bản, tương tự như người mẹ chuyển từ cách nuôi con thứ nhất sang cách nuôi con thứ hai. Chúng ta phải căn cứ vào nhu cầu nguồn nhân lực để đặt ra mục tiêu mới trong chương trình”

_Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng_

Giáo dục phổ thông chuyển biến mạnh mẽ nhưng còn vướng mắc

Theo chia sẻ của Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng, thời gian qua, các trường phổ thông ở địa phương trên khắp cả nước đã có những chuyển biến mạnh mẽ về phương pháp dạy học.

Thứ nhất, giáo viên chuyển vai trò từ người truyền thụ kiến thức sang người tổ chức các hoạt động dạy học, giúp học sinh hình thành và phát triển các năng lực và phẩm chất mà chương trình đặt ra.

Thứ hai, hoạt động đánh giá đang từng bước thay đổi. Chẳng hạn, giáo viên môn Ngữ văn và học sinh đang thích ứng dần với việc dùng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để đánh giá kỹ năng đọc hiểu của học trò.

Sách giáo khoa môn Toán và môn Tiếng Việt lớp 4 Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Ảnh: Thủy Tiên.

Sách giáo khoa môn Toán và môn Tiếng Việt lớp 4 Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Ảnh: Thủy Tiên.

“Việc đổi mới phương pháp dạy học không dễ dàng bởi trên thực tế, không ít giáo viên vẫn quen với phương pháp truyền thụ kiến thức, chưa thể đổi mới ngay. Do đó, cần phải biết ơn đội ngũ giáo viên đã nỗ lực vượt khó, sẵn sàng tiếp nhận tư tưởng giáo dục mới và triển khai vào nhà trường, mang lại cho học sinh những giờ học thú vị và bổ ích.

Với một số môn học như Khoa học tự nhiên, do chưa có đủ trang thiết bị, việc đổi mới phương pháp dạy học theo yêu cầu của chương trình cũng là điều bất khả thi đối với giáo viên và học sinh. Sĩ số lớp học ở nhiều nơi vẫn còn cao, nhất là ở các đô thị lớn. Việc đánh giá kết quả học của học sinh dựa trên năng lực là yêu cầu chưa có tiền lệ và cũng cần đồng bộ với đổi mới phương pháp dạy học. Nếu phương pháp dạy học chậm đổi mới thì hoạt động đánh giá khó có sự chuyển biến căn bản”, Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng chia sẻ.

Quá trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Phó Giáo sư cũng chỉ ra một số vướng mắc. Trong đó, việc lựa chọn nhóm môn học ở trung học phổ thông khiến nhiều học sinh bỡ ngỡ và đôi khi chọn không đúng môn học phù hợp với sở trường, định hướng nghề nghiệp. Do vậy, các trường trung học cơ sở cần chú trọng công tác giáo dục hướng nghiệp, phụ huynh và học sinh cần làm quen với việc được trao quyền lựa chọn và có sự lựa chọn sáng suốt.

Cũng theo Phó Giáo sư, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng đến quyền lợi của người học. Lâu nay, ở cấp trung học phổ thông, học sinh phải học tất cả các môn, tạo nên gánh nặng học tập cho các em và không phù hợp với giai đoạn giáo dục theo định hướng nghề nghiệp. Ở Hàn Quốc, sau nhiều thập niên áp dụng mô hình giáo dục không phân hóa, từ năm 2000, Chương trình giáo dục phổ thông lần thứ 7 của nước này cho phép học sinh được chọn môn học ở các năm học cuối. Ở Việt Nam, nếu vì học sinh gặp khó khăn trong việc chọn môn mà tính đến chuyện dạy học tất cả các môn ở trung học phổ thông thì lại là một bước lùi.

Chưa kể, việc tổ chức dạy học các môn học mới như Mĩ thuật, Âm nhạc,... chưa đáp ứng đầy đủ mục tiêu, yêu cầu đặt ra, điều này đã được tính đến ngay từ khi xây dựng chương trình.

“Vẫn biết là trong ngắn hạn chưa thể có đủ giáo viên dạy những môn Mĩ thuật, Âm nhạc ở cấp trung học phổ thông nhưng chương trình vẫn cần đưa vào với tư cách là môn lựa chọn. Địa phương nào, nhà trường nào có đủ điều kiện thì triển khai. Nếu chờ có đủ đội ngũ giáo viên mới đưa vào chương trình thì không biết khi nào học sinh trung học phổ thông mới được học những môn học này theo sở thích và định hướng nghề nghiệp”, Phó Giáo sư chia sẻ.

Thêm nữa, Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng cho rằng, vướng mắc lớn nhất có lẽ là việc triển khai các môn tích hợp như Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý ở cấp trung học cơ sở. Bởi lẽ, thực tế cho thấy, phương án tích hợp gây nhiều khó khăn cho giáo viên vì chưa được chuẩn bị kỹ và chưa có chính sách phù hợp để hỗ trợ thầy cô “chuyển đổi”.

Ảnh minh họa: Thủy Tiên.

Ảnh minh họa: Thủy Tiên.

Thầy Hùng cũng cho hay, so với phương án tích hợp ở cả cấp trung học phổ thông trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được công bố để xin ý kiến của công luận năm 2015 thì phương án chỉ tích hợp ở cấp trung học cơ sở trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có tính khả thi cao hơn, vừa đáp ứng được định hướng của Nghị quyết 29 và Nghị quyết 88, vừa phù hợp với kinh nghiệm quốc tế. Tuy nhiên, một chủ trương đúng cũng có thể không thành công nếu không có quyết tâm thực hiện một cách nhất quán và đầu tư nguồn lực.

“Về những điều được coi là “sạn” trong sách giáo khoa, phải thấy rằng, với yêu cầu mỗi năm biên soạn sách cho một lớp, 3 cấp là 3 lớp, và không có thời gian thực nghiệm như sách giáo khoa trước đây nên việc xuất hiện những sai sót nhỏ là điều có thể hiểu tuy rất đáng tiếc. Tránh được những sai sót lớn cũng là điều mà các tác giả sách giáo khoa luôn phải cố gắng.

Nếu thực nghiệm như sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006, tiến trình đổi mới sách giáo khoa sẽ rất chậm, không phải 5 năm như hiện nay mà kéo dài hơn nhiều. Ngay cả khi được thực nghiệm trên diện rộng trong 1 – 2 năm như sách giáo khoa trước đây, sau khi áp dụng hàng chục năm, sách vẫn có thể có sai sót. Dù thế nào đi nữa, sai sót trong sách giáo khoa là điều không nên có. Đội ngũ tác giả luôn lắng nghe và trân trọng mọi góp ý”

_Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng_

Tiếp tục chặng đường đổi mới giáo dục phổ thông đáp ứng mục tiêu Nghị quyết 29

Với những kết quả cũng như bất cập trong thực tế đổi mới giáo dục phổ thông khi năm thứ 10 triển khai Nghị quyết 29, theo Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng, chặng đường đổi mới giáo dục phổ thông tới đây cần rút ra một số kinh nghiệm.

Một là, có sự đồng bộ trong đổi mới giáo dục – nghĩa là có tư duy hệ thống.

Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng cho rằng, việc thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo bắt đầu từ đổi mới mục tiêu giáo dục, nhằm phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất cho người học. Để đạt được mục tiêu đó, việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa chỉ là bước khởi đầu. Nếu các yếu tố còn lại của hệ thống như cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; cách thức quản lý, vận hành hệ thống; điều kiện làm việc, chất lượng của đội ngũ giáo viên; quan niệm của phụ huynh và rộng hơn là của xã hội về giáo dục;… không kịp thay đổi thì những đổi mới về chương trình và sách giáo khoa sẽ có nguy cơ “trật đường ray”.

Ảnh minh họa: Thủy Tiên.

Ảnh minh họa: Thủy Tiên.

“Có thể quan sát được một số hiện tượng bất cập trong đổi mới giáo dục lần này. Chẳng hạn, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa được đầu tư kịp thời để đáp ứng nhu cầu đổi mới dạy học; chưa huy động được nguồn lực thỏa đáng và chính sách đủ mạnh để cải thiện môi trường làm việc, tạo động lực và nâng cao chất lượng dạy học của giáo viên; việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy học các môn học tích hợp diễn ra chậm so với tiến độ triển khai chương trình và sách giáo khoa mới;…

Về nguồn lực tài chính, để xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông, chỉ cần bỏ ra một khoản tiền nhỏ, nhưng để triển khai chương trình, biến mục tiêu giáo dục được đề ra trong chương trình thành thực tế giáo dục sống động, cung cấp nguồn nhân lực mới mà toàn xã hội đang kỳ vọng thì cần số tiền gấp hàng nghìn lần thế.

Vì vậy, Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, nhất là để mở rộng không gian học tập, rèn luyện, giải trí cho học sinh và cải thiện điều kiện sống, làm việc của giáo viên. Đó là động lực quan trọng nhất của đổi mới giáo dục. Tuy nguyên tắc phát triển chương trình giáo dục phổ thông và biên soạn sách giáo khoa là phải tính đến điều kiện thực tế của đất nước, nhưng một khi đặt ra mục tiêu cao hơn thì không thể không có nguồn lực tương thích để đạt được mục tiêu đó”, Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng cho biết.

Hai là, đổi mới tư duy trong giáo dục.

Giáo dục thường gắn với trải nghiệm quá khứ của số đông, nên đổi mới cách nghĩ, cách làm trong giáo dục được Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng nhận định là rất khó khăn. Nhiều người quen với hệ thống giáo dục “một chương trình, một sách giáo khoa” nên thường yêu cầu có một bộ sách giáo khoa “chuẩn”, thậm chí là duy nhất.

“Xin nói rằng, quan điểm này không còn phù hợp với giáo dục ngày nay. Nó dẫn đến nguy cơ quay trở về một nền giáo dục “đồng phục”, xơ cứng, có tác hại đối với việc giáo dục, đào tạo nên những con người sáng tạo trong thời đại mới. Quan điểm đó đi ngược lại với xu thế chung của thế giới vì hiện nay không có quốc gia phát triển nào vận hành hệ thống giáo dục theo mô hình “một chương trình, một sách giáo khoa”.

Hay một số người thường “hoài niệm” về sách giáo khoa các thời kỳ trước. Chúng tôi chia sẻ cảm xúc đó. Tương tự như vậy, con em của chúng ta bây giờ sau vài chục năm nữa chắc hẳn cũng có những kỉ niệm, ấn tượng đẹp về sách giáo khoa mới hiện nay”, Phó Giáo sư Hùng chia sẻ.

Ảnh minh họa: Thủy Tiên.

Ảnh minh họa: Thủy Tiên.

Theo Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng, sách giáo khoa của mỗi thời kỳ đều có sứ mạng riêng. Giới trẻ ngày nay cần được học với một nguồn học liệu mới, phù hợp với mục tiêu giáo dục mới và vốn sống, trải nghiệm cũng như đặc điểm tâm sinh lý. Một hiện tượng đáng quan tâm khác là nhiều giáo viên vẫn thích lối dạy cũ, nhưng lối dạy đó không hướng đến người học, điều này đặt ra câu hỏi: Học sinh học được gì từ lối dạy đó? Nếu vì học sinh thì chúng ta phải thay đổi lối dạy lâu nay.

Năm 2023 là năm thứ 10 triển khai thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Theo Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng, nếu xã hội không cởi mở thì cái mới khó có cơ hội được nảy nở, phát triển và đi vào đời sống. Đổi mới giáo dục không chỉ đòi hỏi một tầm nhìn, chủ trương nhất quán mà còn cần được nuôi dưỡng bởi một môi trường xã hội dân chủ, có sự thấu hiểu, khoan dung, ứng xử văn hóa và tinh thần trách nhiệm.

Ngọc Mai