Phát sinh thêm sách thì sẽ phát sinh thêm biên chế viên chức thư viện
Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất với Chính phủ phương án trích từ ngân sách 3.500 tỷ đồng mua sách giáo khoa cấp vào thư viện cho học sinh mượn đang nhận được nhiều ý kiến quan tâm.
Thư viện trường học cần đảm bảo đủ điều kiện khi sách giáo khoa mua cho học sinh mượn được cấp về (Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) |
Đa phần các ý kiến đều đánh giá đây là một đề xuất hay khi có thể tạo điều kiện giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận dễ dàng hơn với sách giáo khoa; tạo cơ hội học tập bình đẳng cho mọi đối tượng học sinh.
Thế nhưng, chính sách này cũng làm phát sinh một số câu hỏi liên quan: càng những trường đang gặp khó khăn thì càng bị thiếu hụt về nguồn nhân lực và điều kiện cơ sở vật chất. Trong trường hợp đề xuất được thông qua, thực hiện thì khi nhận lượng sách lớn như vậy, có tăng áp lực lên vai cán bộ, nhân viên nhà trường hay không?
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Nguyễn Văn Sinh, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đồng Tân, huyện Ứng Hòa, Hà Nội bày tỏ sự ủng hộ về đề xuất này.
Tuy nhiên, thầy Sinh quan ngại rằng, điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực sẽ khiến nhiều lãnh đạo nhà trường phải quan tâm, lo lắng nếu thực hiện đề xuất trên khi lượng sách lớn được cấp về các trường.
“Đây là chính sách tốt, nhưng cần phải chú trọng xem cơ sở vật chất, cán bộ nhân viên thư viện của từng nhà trường có đủ điều kiện để đảm bảo vấn đề tiếp nhận và cho mượn sách hay không.
Như Trường Trung học cơ sở Đồng Tân là trường chuẩn quốc gia, có đầy đủ nhân viên biên chế thư viện, có phòng thư viện đủ tiêu chuẩn thì sẽ không có nhiều khó khăn nếu chính sách này được diễn ra.
Tuy nhiên, nhiều trường ở những vùng kinh tế còn khó khăn, chưa có phòng thư viện, chưa có cán bộ nhân viên đúng chuyên ngành thì sẽ gặp nhiều vướng mắc.
Ngoài ra, chính sách này cần căn cứ vào quy mô phát triển giáo dục của các nhà trường hàng năm để đáp ứng. Sĩ số hàng năm khác nhau vậy nên cung cấp số lượng sách thế nào cho đủ cũng là vấn đề cần lưu tâm”, thầy Sinh chia sẻ.
Thầy Sinh cũng cho rằng, việc mua sách giáo khoa cho học sinh mượn sẽ giải quyết được vấn đề thiếu sách của nhiều em học sinh hoàn cảnh khó khăn nhưng lại phát sinh thêm khó khăn khác đè nặng lên vai thầy, cô các nhà trường.
Bởi, khi phát sinh thêm lượng sách lớn thì có thể phải phát sinh thêm biên chế về chuyên ngành thư viện, có thể gây ra tình trạng lãng phí nhân lực, tăng thêm chi phí chi trả cho nhân lực mà bản thân các trường học đang khó khăn sẽ khó có thể thực hiện được.
Nên chọn một bộ sách giáo khoa làm "sách gốc"
Chia sẻ về đề xuất trích ngân sách mua sách giáo khoa cho học sinh mượn, thầy giáo Nguyễn Khắc Thành, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội nêu ý kiến: “Trong lịch sử giáo dục Việt Nam, việc nhà trường có thư viện và thư viện cho học sinh mượn sách giáo khoa dùng lâu dài đã từng có rồi. Thế nhưng, theo những biến động của thời gian và chu trình đổi mới giáo dục, hiện nay, đa phần là học sinh tự mua sách; Nhà nước, các tổ chức xã hội hỗ trợ sách giáo khoa cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, được quy định ở nhóm các đối tượng cần được hỗ trợ".
Thầy Nguyễn Khắc Thành - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Dân Hòa, Thanh Oai, Hà Nội kiểm tra việc bảo quản, sử dụng các tủ sách chuyên đề tại nhà trường. (Nguồn: Website Trường Trung học cơ sở Dân Hòa) |
Vậy nên, nếu đề xuất này được thực hiện, sẽ rất có lợi cho cả học sinh và nhà trường. Học sinh được tiếp cận với sách dễ dàng hơn, còn các nhà trường có kho sách để dùng dự phòng trong các trường hợp đặc biệt. Điển hình là trong thời kỳ chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc cung ứng sách do tác động của dịch bệnh khiến có lúc chậm trễ, nên cả thầy cô và học sinh đều khó khăn để tiếp cận với sách mới.
Bên cạnh đó, thầy Thành cũng bày tỏ quan điểm rằng, thời điểm hiện tại đang có đến 3 bộ sách giáo khoa được sử dụng trong các nhà trường trên khắp cả nước.
Vậy nên, việc cho mượn sách nếu diễn ra sẽ gặp khó khăn nhất định vì phải cùng lúc có đủ các bộ sách để đáp ứng được nhu cầu của trường học.
Theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội, nếu có một bộ sách giáo khoa được quy định làm bộ "sách gốc" thì sẽ dễ dàng cho Bộ Giáo dục và Đào tạo phân chia, sắp xếp đến sách đến các trường hơn. Các thầy cô, nhà trường và học sinh cũng qua đó dễ dàng nghiên cứu sử dụng lâu dài, truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, trong trường cũng không gặp khó khăn trong việc cho mượn các đầu sách.
Trên cơ sở bộ sách gốc đó, trường nào muốn sử dụng hay tham khảo thêm bộ sách nào khác, bổ sung sách mỗi môn học khác nhau (trong danh mục sách mà Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt) thì do các trường đó tự lựa chọn sắp xếp và giảng dạy để phù hợp riêng với điều kiện từng trường.