Tại Kỳ họp chuyên đề (kỳ họp thứ 15) của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra ngày 29/3, thành phố đã thông qua nghị quyết quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội.
Cụ thể, danh mục các khoản thu và mức thu đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội như sau:
Theo Tờ trình của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc dự thảo nghị Quyết quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập (không bao gồm các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao) của thành phố Hà Nội, xác định mức thu đối với các khoản thu chưa được quy định tại Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quy định về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội (trừ các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao) cụ thể như sau:
Dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, học sinh ngoài giờ (bao gồm dịch vụ trông giữ trước và sau giờ học chính khóa) chi bồi dưỡng giáo viên trực tiếp tham gia chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, học sinh ngoài giờ; chi bồi dưỡng cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ; tiền điện, nước, vệ sinh và các nội dung chi có liên quan để phục vụ hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em, học sinh ngoài giờ với mức thu 12.000 đồng/học sinh/giờ. Mức thu này được xác định trên cơ sở chi phí nhân công trực tiếp và chi phí quản lý.
Dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng ngoài giờ (bao gồm dịch vụ trông giữ trong các ngày nghỉ) chi bồi dưỡng giáo viên trực tiếp tham gia chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, học sinh ngoài giờ; chi bồi dưỡng cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ; tiền điện, nước, vệ sinh và các nội dung chi có liên quan để phục vụ hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em, học sinh trong các ngày nghỉ với mức thu là 96.000 đồng/học sinh/ngày. Mức thu này tính theo mức chi phí/học sinh/giờ x 8 giờ/ngày (cụ thể, mức chi phí/học sinh/ngày = 12.000 đồng/học sinh/giờ x 8 giờ = 96.000 đồng/học sinh/ngày).
Dịch vụ hoạt động giáo dục kỹ năng sống (do có các cơ sở giáo dục mầm non non, giáo dục phổ thông công lập trực tiếp thực hiện) chi bồi dưỡng giáo viên trực tiếp tham gia hoạt động giáo dục kỹ năng sống; cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ; tiền điện, nước, vệ sinh và các nội dung chi có liên quan để phục vụ hoạt động giáo dục kỹ năng sống. Mức thu 15.000/học sinh/giờ dạy. Mức thu này được xác định trên cơ sở tiền thu dạy thêm học thêm theo quy định tại Quyết định 22/2023/QĐ-UBND ngày 25/6/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quy định về dạy thêm, học thêm. Cụ thể, mức thu đối với lớp có số học sinh từ 20 đến 30 học sinh là 10.000 đồng/học sinh/tiết học. Đề xuất tăng 56% bằng tỷ lệ tăng mức lương cơ sở từ năm 2013 đến nay (10.000 đồng/học sinh/tiết học x 56,5% = 15.600 đồng/học sinh/giờ dạy (làm tròn 15.000 đồng/học sinh/tiết học)).
Tương tự, mức thu dịch vụ hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, bồi dưỡng bổ sung kiến thức các môn văn hóa (do các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trực tiếp thực hiện) là 15.000 đồng/học sinh/giờ dạy. Mức thu này được xác định tương tự như mức thu dịch vụ hoạt động giáo dục kỹ năng sống.
Đối tượng áp dụng của nghị quyết là trẻ em mầm non và học sinh phổ thông đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập (không bao gồm các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao); học viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông của thành phố; các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập (không bao gồm các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao); cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên của thành phố.
Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập (không bao gồm các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao) của thành phố được tự chủ quyết định các khoản chi để cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục đảm bảo tính hợp lý, hợp lệ và phải quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, phải tổ chức công tác kế toán theo đúng quy định của pháp luật về kế toán; mở sổ sách kế toán sử dụng quản lý chứng từ tổ chức hạch toán, theo dõi riêng bảo đảm ghi nhận đầy đủ, chính xác doanh thu và phân bổ đầy đủ, chính xác chi phí đối với từng hoạt động. Phải đăng ký, kê khai, nộp đủ thuế theo quy định của pháp luật; thực hiện chế độ báo cáo tài chính đúng, kịp thời với các cơ quan quản lý cấp trên và các cơ quan có liên quan theo quy định.
Trường hợp dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục có chênh lệch thu nhỏ hơn chi, đơn vị phải tính toán bù đắp khoản thiếu hụt bằng các nguồn kinh phí hợp pháp của đơn vị, ngân sách nhà nước không cấp bù.
Các cơ sở giáo dục xây dựng dự toán chi phí để xác định mức thu cụ thể, phải được thỏa thuận bằng văn bản với cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện, có sự thống nhất của ban giám hiệu nhà trường và cơ quan quản lý cấp trên (ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo theo phân cấp quản lý) trước khi ban hành, bảo đảm không vượt mức trần quy định.
Các cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức thu các khoản dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục để quản lý, sử dụng theo quy định; trả chứng từ thu tiền cho người học theo chế độ quy định; có chế độ miễn, giảm phù hợp đối với học sinh thuộc diện chính sách hoặc có hoàn cảnh khó khăn.