Mùng ba Tết Thầy có còn ý nghĩa?

03/02/2022 08:41
Phó giáo sư Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Cơm Cha, Áo Mẹ, Chữ Thầy” là ý nhắc đến công sinh thành, dưỡng dục và dạy bảo, để mọi người luôn nhớ đến.

Nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc ngay năm đầu giành độc lập (năm 1946) Bác Hồ đã gửi thư cho thanh niên và nhi đồng toàn quốc, Bác viết: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội”. Ngày nay, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, chủ đề về mùa xuân và tuổi trẻ cũng luôn được nhiều người quan tâm. Mùa xuân này, xin chia sẻ đôi điều về Tết Thầy.

Mùa xuân được xem là mùa đẹp nhất trong năm. Ngày xuân có nhiều lễ hội mang ý nghĩa giáo dục truyền thống tốt đẹp, trong đó có Tết nguyên đán. Ngày Tết từng được trẻ con trông chờ. Ăn Tết. Chơi Tết. Vui như Tết.

Tiếc thay trong những năm gần đây, một số người có xu hướng muốn “bỏ Tết”. Có người cho rằng nên học tây, “ăn Tết” tây để hội nhập và nên bỏ Tết ta với nhiều lễ nghi phong kiến, lạc hậu. Thực ra, xã hội thì không ngừng phát triển, tất nhiên nhiều có thứ chúng ta cần phải thay đổi để thích ứng, nhưng có những thứ cần phải gìn giữ.

Học, tiếp thu những tinh hoa về khoa học, công nghệ; những mô hình phát triển kinh tế hay tổ chức quản trị, … thì rất cần. Nhưng cái hay, cái đẹp, cái hồn cốt của dân tộc thì cần phải gìn giữ. Tết cổ truyền của dân tộc, với nét giá trị mang bản sắc của dân tộc, cần phải hiểu thấu, để giáo dục, để sống tốt hơn và tự hào về truyền thống. Tết được vậy mới đáng là Tết, vui như Tết.

Ảnh minh họa: Báo Lao động

Ảnh minh họa: Báo Lao động

Tết xưa và nay đã có nhiều thay đổi. Ngày Tết có nhiều phong tục “xưa bày nay bắt chước”. Trong đó có câu “Mùng một Tết Cha, mùng hai Tết Mẹ, mùng ba Tết Thầy”. Thế nhưng cũng có người cho rằng “Một năm có ba ngày Tết, ba ngày dành cho ba việc thì hết cả Tết rồi còn gì? Ăn Tết, chơi Tết còn gì vui Tết?”

Thật ra, chúng ta cũng có thể hiểu trong 3 ngày Tết, có 3 Người không thể quên, đó là Cha, Mẹ và Thầy. “Cơm Cha, Áo Mẹ, Chữ Thầy” là ý nhắc đến công sinh thành, dưỡng dục và dạy bảo, để mọi người luôn nhớ đến. Một năm vào dịp Tết là đi thăm, chúc mừng tuổi ông bà, cha mẹ, họ hàng... Đó được xem là nét đẹp, có ý nghĩa giáo dục truyền thống.

Hiểu rộng ra, Tết Cha là thăm chúc tết bên nội, kể cả hương khói ông bà. Tương tự, Tết Mẹ là thăm chúc Tết bên ngoại. Dù bộn bề công việc mưu sinh, học hành hay phụng sự xã hội quanh năm, nhưng Tết thì cần phải sum vầy bên gia đình, hướng về nguồn cội. Đối với xã hội, mỗi người có rất nhiều mối quan hệ khác nhau, nhưng có một mối quan hệ không thể quên trong 3 ngày Tết, chính là thầy-trò. Tết Thầy là thể hiện văn hóa “tôn sư trọng đạo”. Một nét đẹp, ý nghĩa, nếu hiểu đúng và sống đúng nghĩa.

Tất cả chúng ta dù nghèo hay giàu đều có quyền con người, nhưng không có được cái quyền chọn bố mẹ. Hiếu nghĩa với cha mẹ là bổn phận của con người.

Để con trưởng thành hiếu nghĩa thì bản thân bố mẹ cũng phải sống hiếu nghĩa với ông bà. Giáo dục gia đình một cách tự nhiên là như vậy. Ngày Tết là dịp tốt nhất để nhắc nhở con cháu gìn giữ gia phong một cách tự nhiên. Cái gì được xem có ý nghĩa thiêng liêng, được diễn ra tự nhiên, khởi đầu từ nhỏ và lặp đi lặp lại hàng năm, thì không thể quên, thấm sâu và trở thành văn hóa… Tết Cha, Tết Mẹ trong ba ngày Tết ý nghĩa là ở chỗ giáo dục.

Ngày nay, chúng ta có ngày Nhà giáo – ngày tôn vinh nghề dạy học. Trước đây, Tết Thầy cũng có ý nghĩa rất tốt đẹp, thể hiện sự tôn trọng người dạy dỗ, truyền dạy cái hay cái đẹp để sống thành người hay dạy truyền cái nghề … Một người có hiếu với cha mẹ, có nghĩa với thầy thì chắc chắn sẽ sống tốt với xã hội, có trách nhiệm với thế hệ mai sau.

Một con người tồn tại trên cõi đời biết được nguồn cội; có gia đình để gắn bó và có Người thầy dạy dỗ, dõi theo định hướng, dẫn đường đó là phước phần. Tết là cách tốt nhất để nhắc nhở, giáo dục cho đời sau. Đó không chỉ nét đẹp của gia phong, mà đối với xã hội nếu phần đông hành động đúng như vậy thì cũng góp phần gìn giữ văn hóa của dân tộc.

Rất tiếc ngày nay cái giá trị tốt đẹp của 3 ngày Tết có xu hướng mất dần. Nhiều người có vẻ không còn hứng khởi với Tết. Đến Tết người ta than mệt, hết gọi vui như Tết. Nhiều gia đình có khuynh hướng du lịch tránh Tết. Tránh Tết là tránh rượu bia, tránh lo những tục lệ cúng kiếng mà chẳng hiểu ý nghĩa gì…

Tất nhiên, khi không còn hứng khởi với Tết; chẳng hiểu biết gì về ý nghĩa của Tết, thì có người đề nghị bỏ Tết ta dùng chung tết tây cho hội nhập, cũng là lẽ thường tình. Và dần dần những cái hay, cái đẹp, cái bản sắc của dân tộc cũng sẽ lãng quên. Rồi ta và tây cũng không còn phân biệt. Điều gì nữa sẽ xảy ra, nếu nhìn xa thêm.

Cũng có người nói: “Tết Cha, Tết Mẹ thì có thể, nhưng Tết Thầy thì khó. Vì thầy ngày nay đã khác xưa nhiều. Trước đây, một thầy vài trò thì Tết dễ. Còn ngày nay một người có hàng chục, hàng trăm thầy thì tết sao cho thấu. Mặt khác, đã có ngày Nhà giáo rồi thì cần gì đến Tết Thầy?”. Cách đặt vấn đề như vậy cũng có lí theo cách hiểu của một số người. Nhưng theo cách chúc hay cách “Tết” bây giờ cũng rất đáng quan tâm!

Thật ra, cái Tết, cái lễ đúng nghĩa ở cái tình, cái cốt cách ứng xử, chứ không phải ở cái nhiệm vụ phải hoàn thành. Người Thầy để trò chúc Tết có thể là người dạy, có thể là người dẫn dắt nghề nghiệp cũng có thể là người đáng kính,… có ảnh hưởng đến tư tưởng, đến sự trưởng thành, đến sự nghiệp… chứ không hẳn tất cả những người làm nghề đi dạy.

Tết Thầy là thăm chúc, mừng tuổi, nhưng cũng là cơ hội để trò chuyện, đàm đạo để thầy hiểu, tư vấn, định hướng, chỉ vẽ thêm... Một người có được một hoặc những người Thầy như vậy thì chắc chắn có phúc. Những người thầy có được nhiều học trò Tết Thầy theo cái nghĩa đó cũng là những người thầy có phước đức. Bởi vì những kiến thức, những tư tưởng được thầy tu-luyện, rèn đúc… sẽ tái sinh, nhân rộng, lan tỏa và tạo ra nhiều giá trị mới, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp.

Tôn vinh Người thầy là trân quý những con người như vậy. Xã hội tôn vinh người thầy đúng nghĩa thì ắt hẳn sẽ xuất hiện nhiều hơn. Còn nếu chỉ tôn quý những thành tích, bằng cấp… thì cũng chọn lọc ra những người như vậy. Khi đó, Tết Thầy cũng chẳng ý nghĩa. Và cái gì khi hết giá trị thì cũng dần lãng quên...

Mỗi khi xã hội trân quý tri thức, tôn trọng trí thức thì thực học sẽ tồn tại, thực tài sẽ xuất hiện và xã hội mới thực sự thái bình. Ngược lại, xã hội ưu chuộng vật chất, ưa thích hình thức, xem trọng quyền lực… thì tuổi trẻ cũng sẽ thần tượng những thứ đó.

“Nhân - Lễ - Nghĩa – Trí – Tín” - những thứ từng xem là chuẩn giá trị chỉ còn là đồ cũ kĩ, lạc hậu, lỗi thời… Và lúc đó, Tết sẽ không còn “câu đối đỏ”, lãng quên “xin chữ”, “khai bút” mà thay vào đó là “cướp lộc khai ấn”, “cổng làng hàng tỉ” hay “lì xì khủng” mà thôi…

Mùa xuân cây cối đâm chồi nảy lộc; muôn hoa đua nở, là biểu tượng cho hạnh phúc, phước lành. Trong tiết trời xuân thường ấm áp. Mọi người thường cầu chúc về những điều tốt đẹp.

Nếu xem Tết là cơ hội để giáo dục về văn hóa của dân tộc, nhắc nhở về triết lí “chân – thiện – mĩ”, thì mùa xuân và Tết thật nhiều ý nghĩa. Nếu xem Tết là dịp để kiếm tiền, cầu xin; với những câu chúc “kiếm được nhiều tiền”, “thăng quan tiến chức” hay lo nghĩ về những món quà giá trị… thì quả là áp lực và sớm hay muộn gì Tết cũng hết.

Đừng chê trách tuổi trẻ không mặn mà với Tết ta. Tuổi trẻ luôn có lí lẽ của tuổi trẻ. Cái gì người lớn yêu cầu tuổi trẻ phải tuân thủ mà không giúp cho họ hiểu biết đầy đủ, thì khó mà thuyết phục. Do đó, bổn phận của những nhà lãnh đạo đất nước hôm nay là sớm phục dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc Việt cùng với một nền giáo dục khai phóng đúng nghĩa. Để cùng kiên định mục tiêu, kiên trì thực hiện và kiên quyết đổi mới, thì tương lai của đất nước sẽ thái bình bền lâu.

Theo quy luật của đất trời, mùa xuân là mùa của sự tái sinh. “Sông có khúc, người có lúc”, xã hội có lúc suy, lúc thịnh. Người tốt và xấu thời nào cũng có. Ngày xuân, chẳng cần những lời chúc hoa mĩ hay vái khấn cầu may, nếu mỗi người đều nghĩ về những điều thiện lành và tâm nguyện thực hành ngay từ những việc nhỏ nhất thì năng lượng tích cực sẽ được truyền đi, lan tỏa.... hòa quyện và mọi điều tốt đẹp sẽ đến với tất cả.

Trong ba ngày Tết, ông bà ta nhắn nhủ “mùng một Tết Cha, mùng hai Tết Mẹ, mùng ba Tết Thầy” âu cũng là cách giáo dục, có ý nghĩa rất sâu xa; không chỉ có ý nghĩa trong phạm vi gia đình mà với cả dân tộc của chúng ta.

Phó giáo sư Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)