Mùng ba tết thầy, mấy ai còn nhớ?

27/01/2020 06:46
HOÀNG SA VIỆT
(GDVN) - Người thầy ngày nay không mong ước gì to lớn đâu mà chỉ cần một cuộc điện thoại, một tin nhắn chúc mừng thầy cô nhân dịp tết thôi cũng đủ mãn nguyện lắm rồi.

Truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam đã có tự ngàn xưa. Trước khi có ngày Hiến chương các nhà giáo 20/11 (sau này gọi là Ngày Nhà giáo Việt Nam) thì cha ông ta đã có câu nhắc nhở: “Mùng một Tết cha, mùng ba Tết thầy”.

Có thể sau này người ta thêm vào, thành “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy” cho hợp tình hợp lý chăng?

Theo quan niệm của người xưa, sinh ra ta là cha mẹ, người khai tâm cho ta là người thầy.

Muốn nên người, muốn thi thố với đời thì phải học, dù đó là người thầy ở nơi thôn quê hay người thầy nơi phồn hoa đô hội.

Dù người thầy chỉ dạy một giờ, dạy một buổi cũng phải ghi ơn sự dạy dỗ của thầy. Chẳng vì thế mà có câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy).

Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy… (Ảnh minh họa: congly.vn).
Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy… (Ảnh minh họa: congly.vn).

“Mùng ba Tết thầy” có nghĩa là sau khi làm tròn bổn phận đối với bên nội (Tết cha) và bên ngoại (Tết mẹ) thì phận làm trò phải nhớ đến công ơn dạy dỗ của người thầy nhân dịp xuân về Tết đến.

Ngày xưa, đi Tết thầy không phải là bày ra mâm cao cỗ đầy vì người thầy không đòi hỏi điều đó, cốt yếu ở đây là về mặt tinh thần, tình cảm…

Một chục cam ngon, một ký gạo nếp quê, một hộp trà… cũng đủ tấm lòng thành kính đối với thầy.

Thầy trò ngày Tết gặp nhau, hân hoan câu chuyện quê hương, chuyện học hành, thành đạt… Thầy cùng trò chia vui, cùng chúc mừng sức khỏe bên ấm trà xuân ngày đầu năm mới.

Thế cũng đủ trọn vẹn tình nghĩa thầy trò, trọn vẹn tấm lòng của học trò đối với người thầy đáng kính.

Tôi cũng không hiểu sao bây giờ, biết bao học trò, biết bao người học, có tiếng là chăm ngoan, hiền lành ngày còn đi học mà nay thành đạt, lại quên hẳn những người thầy từng dạy dỗ, từng “khai tâm” cho mình thuở ấu thơ.

Hôm nay là đến Tết thầy

Người thầy ngày nay không mong ước gì to lớn đâu mà chỉ cần một cuộc điện thoại, một tin nhắn chúc mừng thầy cô nhân dịp tết thôi cũng đủ mãn nguyện lắm rồi.

Nhưng “Trông người, người càng vắng bóng…” rất ít học trò bây giờ nhớ đến thầy cô khi đã rời xa mái trường, khi đã đủ lông đủ cánh bay xa.

Thỉnh thoảng, vào ngày mùng ba Tết trên tivi có chiếu cảnh học trò đến chúc Tết thầy  cũ của mình… Nhưng đó chỉ là dàn dựng, được báo trước và cho biết phải nói thế này, nói thế kia.

Xin nhắc lại, đi “Tết thầy” không phải người thầy trông chờ vào vật chất, tiền bạc. Những thứ đó quý thật nhưng không quý bằng đạo nghĩa thầy trò, không quý bằng cách sống đầy nhân ái, phù hợp đạo lý làm người của cha ông ta xưa.

Chợt nhớ câu thơ thật hay:

Ta như dòng suối tuôn ra biển

 Có lúc nào quên trở lại nguồn?”.

HOÀNG SA VIỆT