Mùng 3 Tết Thầy, Giáo sư Phạm Hồng Tung chia sẻ về người thầy xưa và nay

14/02/2021 06:20
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong phong tục tập quán của người Việt, trong ngày mùng 3 Tết, các học trò thường đến chúc tết thầy cô giáo của mình để tỏ sự kính trọng và lòng biết ơn thầy cô.

"Mùng 1 Tết Cha, Mùng 2 Tết Mẹ, Mùng 3 Tết Thầy" là quan niệm và những nét sinh hoạt văn hóa, truyền thống tốt đẹp được gìn giữ từ bao đời nay của người Việt ta. Trong văn hóa của người Việt, quan niệm "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" cũng là chỉ vị trí của người thầy trong quan hệ các giá trị chuẩn mực văn hóa Việt và sự tôn trọng người thầy của các học trò.

Trong phong tục tập quán của người Việt, Tết chủ đạo gồm 3 ngày, trong ngày mùng 3 Tết, các học trò thường đến chúc tết thầy cô giáo của mình để tỏ sự kính trọng, lòng biết ơn đối với thầy cô, cũng là để thăm hỏi, chúc mừng nhân dịp đầu năm mới.

Nhân dịp ngày mùng 3 Tết Tân Sửu, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có dịp trao đổi Giáo sư Phạm Hồng Tung - Chủ biên chương trình Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể về vai trò của người thầy trong thời đại mới.

Thầy Tung cho hay, trong giáo dục Nho học, những người thầy có vị trí rất cao, có vai trò rất quan trọng.

Những bậc thầy như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm hay những bậc thầy lớn khác được coi là “vạn thế sư biểu”, tức là người thầy trong giáo dục Nho học truyền thống phải là người toàn bích, mẫu mực cả về đạo đức, tư cách, rất giỏi về tri thức.

Những người thầy đó được cả xã hội ngưỡng vọng, họ có trách nhiệm làm tròn vai, tức là phải không ngừng tu thân, rèn luyện về tri thức và về đạo đức, mỗi nếp áo, dáng đi đều phải thể hiện mình là người mẫu mực, mực thước để học trò nhìn vào thầy để học theo không chỉ về chữ nghĩa, tri thức mà còn về lẽ sống và về cách đối nhân xử thế.

Thầy đồ và các học trò xưa (Tranh minh họa, nguồn: Báo Giao thông Vận tải).

Thầy đồ và các học trò xưa (Tranh minh họa, nguồn: Báo Giao thông Vận tải).

Cho nên người ta đặt vị trí người thầy trong giáo dục Nho học ngang với vua và với cha đẻ. Có câu chuyện huyền thoại là Mạc Đĩnh Chi – vị Trạng nguyên của nước Đại Việt khi đi xứ sang nhà Nguyên, lúc đó vua nhà Nguyên muốn dồn Mạc Đĩnh Chi vào chỗ chết nên trước triều thần đưa Mạc Đĩnh Chi vào một tình huống khó xử là, bây giờ chẳng may nhà ngươi (tức Mạc Đĩnh Chi – PV) đi cùng thuyền với vua- thầy- cha mà 3 người đó bị rơi xuống nước thì ngươi sẽ cứu ai trước?.

Nếu cứu vua trước thì Mạc Đĩnh Chi sẽ bị khép tội bất hiếu – bất nghĩa, nếu cứu thầy trước thì sẽ bị khép vào tội bất trung, bất hiếu, còn cứu cha trước thì sẽ khép tội bất trung, bất nghĩa. Trường hợp nào cũng dồn Mạc Đĩnh Chi vào chỗ chết.

Nhưng lúc đó Mạc Đĩnh Chi thoát hiểm bằng câu trả lời sắc sảo, khi cho rằng đó là tai nạn nên khi rơi xuống nước, thần tiện ai thì cứu người đó trước, không có thời gian mà lựa chọn. Câu trả lời đó đã giúp Mạc Đĩnh Chi thoát nạn.

Câu chuyện trên cho thấy, theo quan niệm truyền thống thì người thầy không chỉ được học trò mà cả xã hội coi như là nhân vật đáng ngưỡng vọng và chuẩn mực nhất, vị trí người thầy ngang với vua và cha.

Do đó, nếu học trò ra đời mà phạm tội, phạm lỗi thì liên đới tới cả trách nhiệm và uy tín của người thầy. Cho nên sách Tam Tự Kinh có câu “Dưỡng bất giáo, phụ chi quá. Giáo bất nghiêm, sư chi đọa” tức là nuôi dưỡng mà không dạy con là lỗi của người cha, dạy không nghiêm là lỗi của người thầy.

Vì lẽ đó, người thầy bắt buộc phải dạy nghiêm, làm chuẩn mực.

Theo thầy Tung, tất cả những quan điểm về người thầy trong giáo dục Nho học cũng như định kiến về người thầy trong giáo dục truyền thống tiếp tục ảnh hưởng đến người thầy trong xã hội hiện đại.

Và người Việt vẫn tiếp tục đòi hỏi người thầy phải giỏi về chuyên môn, mực thước về tư cách, ứng xử và giao phó cho giáo dục nói chung và người thầy nói riêng một trách nhiệm cao cả: đó là dạy bảo và rèn giũa thế hệ trẻ; nếu học trò không thành đạt, hư hỏng thì trách nhiệm lớn thuộc về giáo dục, thuộc về người thầy.

Rõ ràng, tôn vinh người thầy, ủy thác trách nhiệm quan trọng cho người thầy là điều cao quý, nhưng đó lại là đòi hỏi một chiều bởi người thầy không tồn tại độc lập, như một thực thể độc lập trong xã hội được.

“Xã hội phải như thế nào thì người thầy mới được như thế”, thầy Tung bày tỏ.

Vả lại người thầy trong tương tác hai bên nếu lúc nào đó người thầy không được quan tâm, bị bỏ rơi thì chính người thầy đó sẽ tha hóa, nên ngày trước mới có những câu chuyện “thầy đồ liếm đĩa” “bánh rán tao đâu”…

Điều đó cho thấy nếu chúng ta không quan tâm giáo dục đúng cách, để giáo dục tha hóa thì không chỉ giáo dục mà người thầy cũng xuống đến đáy xã hội.

Đó là nhìn từ góc độ văn hóa truyền thống còn nhìn vào tương lai thì xã hội hiện đại đang đòi hỏi người thầy phải có phẩm chất, năng lực cao gấp 100 lần, 1000 lần truyền thống, vì thầy hiện đại phải giỏi tri thức (so với nhân loại, thế giới chứ không phải chỉ so với mặt bằng trong nước) vì ngày nay đã hội nhập, toàn cầu hóa.

Muốn đào tạo học trò ngang với khu vực, ngang với đỉnh cao của thế giới để học trò không “tị nạn giáo dục” thì người thầy phải trở thành công dân toàn cầu, và tri thức nhà giáo Việt Nam phải bằng hoặc tốt hơn nhà giáo các nước phát triển, lúc đó đất nước mới có cơ hội thoát khỏi tụt hậu.

Đó là đòi hỏi của xã hội đối với đội ngũ nhà giáo. Ngoài ra, giỏi tri thức giờ đây khác xưa rất nhiều, xưa uyên thâm chữ nghĩa trong kinh điển là viết chữ đẹp, hiểu chữ sâu, giỏi tri thức toán, văn, sử… còn ngay này, trong thời đại 4.0 tốc độ đổi mới tri thức phát triển vô cùng mau lẹ đòi hỏi người thầy giỏi về phương pháp cập nhật tri thức để dạy cho học trò cách tự trang bị kiến thức, tự đổi mới, tự học, và tự sáng tạo ra tri thức mới.

“Người thầy ngày nay cần dạy học trò cách gánh gồng chứ không phải dạy học trò cách gánh bao nhiêu cân, nếu cứ loay hoay như vậy thì không bao giờ theo kịp thế giới và học trò vừa học xong thì kiến thức đã lạc hậu rồi”, thầy Tung ví von.

Giáo sư sử học Phạm Hồng Tung (ảnh: NVCC)

Giáo sư sử học Phạm Hồng Tung (ảnh: NVCC)

Nhưng để có phương pháp dạy trò cách cập nhật tri thức để sáng tạo ra tri thức mới thì phải thừa nhận rằng phần lớn nhà giáo Việt Nam đang bất cập, từ giáo viên tiểu học đến giáo sư ở trường đại học giỏi nhất Việt Nam, bởi các thầy cô vốn là sản phẩm của thời đại cũ.

Điều này đòi hỏi thái độ của người thầy với tri thức phải đổi mới, thái độ của người thầy với học trò cũng phải đổi mới, nếu trước đây thầy phải giỏi hơn trò thì giờ đây thầy phải đồng hành, cởi mở, học chung, làm bạn với học trò. Có những chỗ thầy giỏi hơn trò nhiều bậc nhưng cũng có chỗ chưa chắc thầy đã bằng trò.

“Ví dụ tôi là Giáo sư Sử học chuyên môn sâu là lịch sử Việt Nam cận hiện đại, nếu về nội dung này tôi am hiểu sâu nhưng tôi so với học trò về Tin học, Hóa học thì tôi thua kém xa”, thầy Tung nhìn nhận từ bản thân.

Do đó, theo Giáo sư Phạm Hồng Tung, giờ đây người thầy không phải toàn bích về tri thức nữa mà người có thể chỉ là bạn, thậm chí trò của trò trong những mảng tri thức hoặc tình huống nhất định. Điều này đòi hỏi người thầy luôn trong tâm thế đối thoại với học trò, cái “phổ” chấp nhận của người thầy phải rộng hơn xưa rất nhiều.

Nếu trước đây giáo dục không mang tính cá thể hóa, thầy soạn một bài giảng thì vác đi dạy cả khối, cả trường môn học đó nhưng bây giờ để đáp ứng yêu cầu của xã hội đó là tạo ra sự khác biệt và tôn trọng sự khác biệt đó thì người thầy rất vất vả bởi trong một lớp có nhiều nhóm học sinh thì chừng ấy cách phối hợp với học sinh để dạy.

“Và như vậy chúng ta cần một nền khoa học giáo dục mới, cần những nhà trường đại học sư phạm mới, chính sách nhà giáo mới và cách nhìn nhận xã hội cũng khác. Tất cả những điều đó mới nảy sinh nhà giáo phù hợp với sự phát triển của đất nước”, thầy Tung khẳng định.

Thùy Linh