Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều giáo viên và học sinh trên cả nước.
Một trong những điểm mới của thông tư này chính là việc bổ sung và đổi mới quy chế đánh giá học sinh: tăng cường đánh giá bằng nhận xét và giảm đầu số bài kiểm tra đánh giá.
Tuy nhiên, nhiều giáo viên vẫn còn băn khoăn khi thay đổi từ hình thức kiểm tra viết sang đánh giá bằng nhận xét.
Là một giáo viên thực hiện các chương trình dạy học dự án, đa dạng các hình thức kiểm tra đánh giá học sinh, Thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, tổ trưởng tổ Lịch sử, Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định: “Muốn tăng cường đánh giá học sinh bằng nhận xét thì giáo viên phải thay đổi phương pháp dạy học và phải thực sự quan tâm, thấu hiểu học trò”.
Thầy Nguyễn Viết Đăng Du đã áp dụng phương pháp dạy học dự án hơn 3 năm đối với môn Lịch Sử. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Dạy học dự án và chuyên đề - cơ sở đánh giá nhận xét học sinh
Hơn 3 năm ứng dụng dạy học dự án, cho điểm dự án thay vì kiểm tra viết và cho điểm qua bài kiểm tra, Thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du nhận thấy phương pháp này có nhiều ưu điểm nổi bật.
“Lịch sử vốn được xem là môn học khô khan, nhàm chán với nhiều học sinh vì nhiều cột mốc thời gian, sự kiện. Thế nhưng, khi dạy học dự án, tất cả học sinh đều hứng thú, tích cực, chủ động với môn học này.
Dạy học dự án là cách giáo viên tổ chức dạy và học theo dự án, kế hoạch, mục tiêu cụ thể cùng những hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh.
Phương pháp này vừa giúp học sinh ghi nhớ kiến thức, vừa là cơ hội để các em thể hiện sở trường, những kỹ năng đặc biệt của bản thân.
Bằng việc xây dựng một chương trình học thú vị, bổ ích, giáo viên sẽ đánh giá được nhiều năng lực và năng lực nổi trội của học sinh thông qua việc biến các kiến thức đã học thành sản phẩm”.
Trong nhiều năm qua, thầy Du và các giáo viên tổ Lịch sử của Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn đã tổ chức thành công nhiều dự án dạy học quy mô như: Dự án Nỗi đau màu da cam (năm học 2017 – 2018); dự án Hành trình di sản (năm học 2019 – 2020); dự án Cosplay History Hào quang của quá khứ (năm học 2019 -2020);…
Mỗi dự án đều có tiêu chí đánh giá học sinh rõ ràng như biển hiện, thái độ, thời gian thực hiện, chất lượng sản phẩm.
Với mỗi sản phẩm của học sinh, thầy cô cũng đánh giá dựa vào hai tiêu chí là nội dung và hình thức (chất lượng sản phẩm chiếm 60% và quá trình tham gia dự án là 40%).
Đặc biệt, các thầy cô còn giúp học sinh kết nối kiến thức các môn học bằng chương trình dạy học dự án liên môn.
“Ví dụ như dự án Phía Đông tổ quốc là dự án liên môn giữa các môn học Lịch sử - Địa lý – Giáo dục quốc phòng – Sinh học”, thầy Du chia sẻ.
Theo đó, học sinh có một chuyến học tập trải nghiệm tại Đà Nẵng, tham quan nhà trưng bày Hoàng Sa – nơi ghi nhận chứng cứ lịch sử về chủ quyền của nước ta đối với hòn đảo này.
Bài tập dành cho học sinh là phải tổ chức buổi triển lãm để quảng bá hệ thống biển đảo Việt Nam, thực hiện các chiến dịch trồng cây xanh phòng hộ ven biển, thu gom rác thải bảo vệ môi trường và trải nghiệm một ngày làm chiến sĩ,…
Qua quá trình trải nghiệm thực tế và thực hiện các sản phẩm, báo cáo, giáo viên sẽ có cơ sở để đánh giá học sinh một cách toàn diện từ thái độ, hành vi, phẩm chất, năng lực của học sinh cũng như chất lượng sản phẩm học tập.
“Phương pháp dạy học dự án tuy mất nhiều thời gian và tốn nhiều công sức nhưng nó có thể đánh giá học sinh trên nhiều phương diện, nhiều kỹ năng khác nhau”, thầy Du khẳng định.
Học sinh trải nghiệm thực tế với dự án “Con đường di sản” tại Hội An – Huế, học sinh làm bài và giáo viên chấm thi tại hiện trường. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Lời nhận xét phản ánh mức độ quan tâm đến học trò
Chia sẻ về Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thầy Nguyễn Viết Đăng Du cho rằng:
“Thông tư 26 đã “cởi trói” cho những giáo viên đang dạy học theo phương pháp dự án và chuyên đề. Vậy là kết quả của phương pháp dạy học này đã được thừa nhận.”
Trước đây, qua các dự án học tập, thầy cô vẫn cho điểm học sinh. Tuy nhiên, những điểm số này khác điểm số bài kiểm tra viết, vì nó phản ánh quá trình dạy và học sáng tạo của thầy trò.
Theo Thông tư 26, việc đánh giá bằng nhận xét thay thế điểm số càng trở nên thuyết phục hơn, phù hợp hơn với hình thức giảng dạy này.
Bàn về việc đánh giá học sinh khi kết hợp giữa điểm số và nhận xét, thầy Du khẳng định hình thức đánh giá này là rất hợp lý.
“Điểm số là thước đo năng lực của học sinh, nó đánh giá tổng quát quá trình sử dụng kiến thức, kỹ năng của các em. Còn nhận xét giúp học sinh thấy được mức độ và quá trình các em tham gia học tập, tiếp nhận kiến thức.
Kết hợp hài hòa hai hình thức này giúp giáo viên đánh giá học sinh một cách toàn diện, đặc biệt là giáo viên có cơ hội sẻ chia và thể hiện tinh thần khích lệ với học sinh của mình”, thầy Du chia sẻ.
Tuy nhiên, theo thầy Du, việc đánh giá học sinh bằng nhận xét sẽ còn khó khăn với những giáo viên vẫn đang áp dụng phương pháp dạy học truyền thống.
Chính vì vậy, giáo viên cần phải đa dạng phương pháp dạy học, mang đến nhiều hoạt động học tập trải nghiệm cho các em.
Một sản phẩm làm bài tiểu sử cho nhân vật lịch sử của học sinh (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Thầy Du cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh:
“Đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh là do chính bản thân giáo viên. Đối với môn lịch sử của tôi, những học sinh có khả năng ghi nhớ tốt có thể được đánh giá qua bài viết tự luận.
Tuy nhiên, với học sinh có khả năng sử dụng các mềm biến kiến thức thành các sản phẩm như video clip, tranh ảnh hay thậm chí là thời trang lịch sử thì tôi sẽ có những cách đánh giá khác nhau”.
Thầy Du thường tạo đề gợi mở và học sinh chủ động về bài làm. Ví dụ như đề yêu cầu làm tiểu sử (Biography) của một nhân vật lịch sử mà em yêu thích trong chương trình đã học, học sinh sẽ biến tấu theo khả năng của mình.
Sản phẩm phong phú, hình thức kiểm tra thú vị sẽ giúp các em không còn áp lực, gánh nặng với các bài kiểm tra đánh giá.
Bên cạnh đó, thầy Du cũng chia sẻ bài kiểm tra 15 phút qua điện thoại, máy tính đã và đang được triển khai tại trường cũng là một cách đa dạng hóa hình thức kiểm tra học sinh.
“Chúng tôi sử dụng Google Form để học sinh làm bài kiểm tra. Các câu hỏi trắc nghiệm được giáo viên soạn trên Google Drive và gửi đường link đến học sinh. Các em sẽ làm bài bằng điện thoại hoặc máy tính và kết quả được công bố ngay sau khi học sinh hoàn thành”.
Bàn về hoạt động đánh giá bằng nhận xét theo Thông tư 26, thầy Du nhận định:
“Tôi cho rằng việc đánh giá học sinh bằng nhận xét là rất hay. Mỗi nhận xét sẽ phản ánh mức độ quan tâm của giáo viên với học sinh của mình.
Nếu lời nhận xét của giáo viên chỉ mang tính chất chung chung thì chứng tỏ thầy cô chưa hiểu các em, chưa thực sự quan tâm học trò.
Tôi đề cao kỹ năng của từng học sinh, quá trình kiểm tra đánh giá chú trọng khơi gợi sở trường và cá tính riêng của từng em”.
Theo thầy Du, môn học Lịch sử sẽ áp lực hơn với những em khả năng ghi nhớ kém. Với các học sinh này, thầy sẽ cho các em mở vở xem tài liệu và biến kiến thức trong sách vở thành sản phẩm tâm đắc của mình như các bài video, sơ đồ tư duy, thậm chí chỉ là bài cảm nhận của các em về sự kiện lịch sử đã đọc.
Thầy Du tâm sự: “Với tôi, lời nhận xét của người thầy cần phải khách quan, phản ánh đúng thái độ, hành vi, quá trình học tập của các em nhưng cần đặt chữ “tâm” vào trong đó.
Tôi luôn quan niệm không có học sinh dở, chỉ là mình chưa tìm thấy thế mạnh của các em mà thôi.
Vì thế, sự quan tâm, thấu hiểu và khích lệ học trò chính là điều quan trọng nhất giúp giáo viên đánh giá, nhận xét học sinh một cách khách quan, công bằng”.