Từ chủ trương đến áp dụng vào thực tế còn rất xa vời
Ngày 20/7, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Grab ký Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác triển khai các sáng kiến hỗ trợ phát triển, nâng tầm kỹ năng cho đối tác tài xế Grab tại Việt Nam.
Hai bên đặt mục tiêu trang bị đầy đủ kỹ năng và năng lực cần thiết cho đối tác tài xế sử dụng nền tảng đặt xe như Grab thông qua các chương trình đánh giá và đào tạo, nâng cao kỹ năng.
Để thực hiện mục tiêu này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Công ty trách nhiệm hữu hạn Grab sẽ cùng phối hợp trong công tác chuẩn bị và tổ chức Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia định kỳ hai năm một lần theo kế hoạch chung của kỳ thi.
Cùng với đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Grab sẽ phối hợp xây dựng, chuẩn hóa tài liệu tập huấn, và tiến hành thực hiện các công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về phát triển kỹ năng cho cộng đồng đối tác tài xế.
Đáng nói, trong bài viết "Cấp chứng chỉ cho tài xế xe công nghệ: theo quy định đánh giá sẽ phải trả phí" mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải đã nếu ý kiến của đại diện của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể là, phía Tổng cục cũng khẳng định, chủ trương này chỉ đang dừng ở việc ký các chương trình khung với Công ty Grab và do tình hình dịch bệnh nên chưa biết lúc nào sẽ triển khai áp dụng. Tuy nhiên, sau sự việc này, trong dư luận cũng dấy lên không ít các ý kiến trái chiều.
Đại biểu Cao Đình Thưởng, Ủy viên Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa 14. Ảnh: Quochoi.vn |
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu trang bị thêm các chứng chỉ này liệu có thiết thực với các tài xế xe ôm công nghệ hay không, khi phần đông trong số họ cuộc sống vốn đã cơ cực, vất vả mới chấp nhận ra đường làm công việc vất vả này.
Vì thế, khi phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đề cập về vấn đề này, ông Cao Đình Thưởng, Ủy viên Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa 14 tỏ ra khá bất ngờ. Đồng thời, ông Thưởng cũng cho rằng: “Theo tôi nghĩ, cái này có khi các bên chỉ đưa ra để thăm dò dư luận trước thôi, chứ để đi vào thực tế việc này còn xa vời lắm.
Hiện nay, có rất nhiều chủ trương đang được nhiều Bộ, ngành họ áp dụng để từng bước rút gọn đi các thủ tục hành chính, rút bớt các giấy phép con gây nên việc rườm rà, sách nhiễu.
Chẳng hạn, như trong ngành giáo dục thì với những công chức, viên chức nào cần đến chứng chỉ Ngoại ngữ hay Tin học thì mới bắt buộc người đó phải đi học để bổ sung thêm thôi, đâu có bắt học tràn lan như trước. Những cái gì không cần thiết, thông qua báo chí các nhà quản lý cũng nắm được tâm tư, nguyện vọng và gỡ bỏ hết.
Việc này, một thời gian cũng là đề tài bàn tán trong dư luận và nóng cả trong Nghị trường Quốc hội rồi. Bây giờ nếu muốn thực hiện chủ trương này thì các bên hãy soi vào các chứng chỉ đã từng bị bãi bỏ trước đó và xem xét xem có cần thiết, cấp bách để triển khai tiếp hay không?.
Với các tài xế xe ôm thì đơn thuần chỉ cần có các giấy tờ liên quan đến chuyên môn của người lái xe để làm sao đảm bảo khi ra đường họ có thể hành nghề an toàn vậy là đủ.
Hơn nữa, nếu muốn đưa chứng chỉ kỹ năng nghề để cấp cho các tài xế thì cần xác định, ai sẽ là người có năng lực phù hợp để đào tạo các tài xế này, trường lớp nào sẽ đứng ra để tổ chức cho các việc làm trên.
Tôi cũng chưa có điều kiện để tìm hiểu sâu về loại hình xe ôm công nghệ. Nhưng chung quy lại, nó cũng chỉ là phương tiện vận chuyển hành khách và dùng công nghệ riêng của nó. Còn bản chất vẫn là để phục vụ nhu cầu an sinh, xã hội, đi lại của nhân dân. Nên tiêu chí số 1 cần có phải là an toàn, đúng pháp luật.
Còn những giấy tờ gì không cần thiết mà chỉ mang tính ràng buộc, gây phiền hà cho người lao động thì tôi nghĩ là các cơ quan quản lý nên xem xét.
Trong việc này, rất cần tiếng nói của các Hội nghề nghiệp có liên quan để lên tiếng về cái gì không phù hợp, không cần thiết thì cần bãi bỏ. Còn các nội dung như bản ghi nhớ này nêu ra, nếu thấy mục nào không cần thiết với các thành viên trong Hội thì đại diện Hội cũng cần bày tỏ quan điểm.
Việc gì hợp lý và có sự đồng thuận của người dân thì không nói, nhưng nếu sự việc gì mà trong bản thân nó còn tồn tại nhiều điểm chưa hợp lý thì việc để nó trở thành hiện thực cũng không dễ dàng lắm đâu”.
Khi làm việc này nên nhìn vào các bài học trước đó
Cùng quan điểm với ông Thưởng về vấn đề này, Giáo sư Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng bày tỏ nhận định: “Trước khi các đơn vị đề ra chủ trương này thì không biết là họ đã bố trí được trường lớp để có thể dạy và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề được cho đội ngũ lái xe công nghệ hay chưa?.
Nhìn vào thực tế của xã hội có thể thấy, những người tham gia vào đội ngũ lái xe ôm công nghệ đa phần họ không có bằng cấp, nghèo khổ và không có sự lựa chọn nào khác để công việc có thể tốt hơn “nghề xe ôm”.
Giáo sư Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh Thuỳ Linh |
Hơn nữa, trong thời điểm đại dịch hoành hành, kiếm đồng tiền nuôi gia đình qua ngày đã khó, giờ nếu đưa việc này áp dụng vào thực tiễn thì có khác gì đang làm khó cho chính họ. Rồi thời gian học như thế nào, học phí ra sao, kiến thức gồm những gì ai sẽ là người đứng ra tính toán những khoản đó.
Nếu ý định của các nhà quản lý trong chuyện này là muốn kiểm tra tay nghề thực sự của các tài xế thì cần mở ra một khoá sát hạch, có sự tham gia của cảnh sát giao thông để kiểm tra xem những lái xe đó đã đạt tiêu chuẩn chưa, nếu đạt rồi thì cho họ ra đường để làm việc. Việc sát hạch này nếu có cũng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, đâu đến mức phải đi học vừa tốn thời gian, tiền của mà nó lại không thực sự cần thiết với chính họ.
Với xe ôm mà cái gì cũng đưa bằng cấp vào làm tiêu chí thì có khác gì đang làm khó họ. Thử hỏi trong số đội ngũ lái xe công nghệ đã bao người có bằng cấp 2, cấp 3 hay chưa mà giờ lại yêu cầu họ phải đi học kỹ năng nghề”.