Năm 2023-2024, các trường hợp GV nghỉ dạy được hưởng nguyên lương, phụ cấp

11/10/2023 08:42
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên khi nghỉ làm việc do học tập, công tác, bồi dưỡng,... được hưởng nguyên lương, được hưởng phụ cấp khi cấp có thẩm quyền phân công, điều động.

Xin được tổng hợp các trường hợp giáo viên khi nghỉ làm việc do học tập, công tác, nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội,... được hưởng nguyên lương, được hưởng phụ cấp theo các quy định hiện hành.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Các trường hợp giáo viên nghỉ dạy vẫn hưởng được 100% lương

Bộ luật Lao động năm 2019 quy định những ngày người lao động nghỉ việc làm được hưởng nguyên lương (còn gọi là ngày nghỉ có hưởng lương) như sau: Ngày lễ, Tết.

Khoản 1 Điều 112 quy định, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, Tết sau đây:

- Tết Dương lịch: 1 ngày (ngày 1/1 dương lịch);

- Tết Âm lịch: 5 ngày;

- Ngày Chiến thắng: 1 ngày (ngày 30/4 dương lịch);

- Ngày Quốc tế lao động: 1 ngày (ngày 1/5 dương lịch);

- Quốc khánh: 2 ngày (ngày 2/9 dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau);

- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 1 ngày (ngày 10/3 âm lịch).

Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ nêu trên còn được nghỉ thêm 1 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 1 ngày Quốc khánh của nước họ.

Khoản 1 Điều 115 Luật Lao động 2019 quy định, người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:

- Kết hôn: nghỉ 3 ngày;

- Con đẻ, con nuôi kết hôn: Nghỉ 1 ngày;

- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 3 ngày.

Giáo viên được nghỉ nguyên lương khi được điều động công tác của cấp có thẩm quyền

Cụ thể theo Khoản 2 Điều 11 Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BGDĐT Quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông Quy định trên, quy định:

Ngoài nhiệm vụ giảng dạy chính ở trên lớp, giáo viên còn phải thực hiện những hoạt động chuyên môn và các hoạt động khác theo sự phân công của hiệu trưởng. Việc quy đổi những hoạt động này ra tiết dạy để tính số giờ giảng dạy cho từng giáo viên được thực hiện như sau:

- Đối với giáo viên được huy động làm cộng tác viên thanh tra thì thời gian làm việc một buổi được tính bằng 5 tiết định mức.

- Đối với giáo viên được huy động tham gia công tác hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ do Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thì 1 tiết giảng dạy thực tế được tính bằng 1,5 tiết định mức.

- Báo cáo ngoại khóa cho học sinh do nhà trường tổ chức (có giáo án hoặc đề cương báo cáo) thì số tiết báo cáo thực tế được tính tương đương số tiết định mức.

- Hiệu trưởng căn cứ tình hình thực tế quy định việc quy đổi tiết dạy đối với các công việc chuyên môn khác sau khi có ý kiến đồng ý của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Giáo viên đi học tập, bồi dưỡng được hưởng nguyên lương, phụ cấp

Tại Điều 37 Văn bản hợp nhất 6/VBHN-BNV hợp nhất Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 09 năm 2017 và Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có quy định các nội dung bồi dưỡng gồm: quy định về quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng như sau:

“1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong nước:

a) Được cơ quan quản lý, sử dụng bố trí thời gian và kinh phí theo quy định;

b) Được tính thời gian đào tạo, bồi dưỡng vào thời gian công tác liên tục;

c) Được hưởng các chế độ, phụ cấp theo quy định của pháp luật;

d) Được biểu dương, khen thưởng về kết quả xuất sắc trong đào tạo, bồi dưỡng.”

Như vậy, giáo viên được cấp có thẩm quyền cử đi học tập, bồi dưỡng thì được tính là thời gian công tác liên tục, được hưởng chế độ lương, phụ cấp theo quy định pháp luật.

Các trường hợp nghỉ việc theo chế độ bảo hiểm xã hội hưởng nguyên lương, phụ cấp

Theo quy định tại Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ được 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Đối với nam giới được hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con như sau:

- 05 ngày làm việc với sinh thường 1 con;

- 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi;

- 10 ngày làm việc với trường hợp sinh đôi, từ sinh ba thì thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc, tối đa không quá 14 ngày làm việc

- Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

- Thời gian hưởng chế độ không tính ngày lễ, tết, nghỉ hàng tuần

Thời gian nghỉ việc thai sản của nam giới cũng được hưởng 100% lương, cách tính như sau: Mức hưởng = Mbq6t / 24 ngày công x 100% x số ngày được nghỉ.

Trong đó: Mbq6t : Bình quân mức lương đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng trước khi vợ sinh của người lao động nam; trường hợp chưa đủ 6 tháng thì Mbq6t = bình quân lương các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

Người lao động, cũng được hưởng nguyên lương trong trường hợp bị tai nạn lao động quy định tại Điều 43. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

“1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;

c) Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này.”

Bên cạnh đó, các trường hợp giáo viên được cấp có thẩm quyền cử đi công tác: thanh tra, chấm thi,…vẫn được hưởng nguyên lương, phụ cấp.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam