Cơ sở GDNN muốn đăng ký mở ngành Y sỹ đa khoa trình độ CĐ cần đáp ứng những gì?

20/06/2023 06:32
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cơ sở GDNN được phép đào tạo liên thông Y sỹ đa khoa trình độ CĐ khi có ít nhất một khóa sinh viên ngành Y sỹ đa khoa trình độ CĐ chính quy đã tốt nghiệp.

Mới đây, ngày 16/6, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế đã có văn bản số 1078/K2ĐT-ĐT gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) về việc sử dụng nhân lực Y sỹ và tổ chức đào tạo ngành Y sỹ đa khoa trình độ cao đẳng.

Văn bản nêu rõ, những năm qua, Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội luôn phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong công tác đào tạo và đổi mới đào tạo nhân lực y tế lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Ảnh minh hoạ trên giaoduc.net.vn

Ảnh minh hoạ trên giaoduc.net.vn

Theo đó, ngày 09 tháng 01 năm 2023, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2024. Vậy nên, để bảo đảm chất lượng đào tạo nhân lực y tế gắn với hành nghề, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cung cấp thông tin và đưa ra đề xuất một số nội dung như sau:

Thứ nhất, về quy định kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trước khi cấp giấy phép hành nghề đối với các chức danh có đào tạo ở trình độ thuộc giáo dục nghề nghiệp:

Tại khoản 3 Điều 120 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 quy định “Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định: b) Từ ngày 01/01/2028 đối với các chức danh y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh; c) Từ ngày 01/01/2029 đối với các chức danh kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng”.

Thứ hai, đối với chức danh Y sỹ:

Khoản 1 Điều 16 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 quy định y sỹ là một trong các chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề.

Khoản 10 Điều 121 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 quy định “Người được cấp văn bằng đào tạo y sỹ trình độ trung cấp sau ngày 31 tháng 12 năm 2026 thì không được cấp giấy phép hành nghề đối với chức danh y sỹ”.

Như vậy, theo quy định trên của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, đối với những người được cấp văn bằng tốt nghiệp y sỹ trình độ trung cấp từ ngày 01 tháng 01 năm 2027 thì không được cấp giấy phép hành nghề với chức danh y sỹ.

Do đó, để bảo đảm quyền lợi cho người học trong đào tạo gắn với hành nghề, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế đề nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có định hướng, kế hoạch thực hiện lộ trình nâng cao trình độ đào tạo y sỹ trung cấp lên trình độ cao đẳng phù hợp với nhu cầu sử dụng và phổ biến thông tin đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, người học trong việc triển khai thực hiện quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15.

Thứ ba, đối với việc tổ chức đào tạo ngành Y sỹ đa khoa trình độ cao đẳng:

Thời gian vừa qua, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế nhận được văn bản của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp hỏi về việc tổ chức đào tạo ngành Y sỹ đa khoa trình độ cao đẳng. Để bảo đảm chất lượng đạo tạo nhân lực phục vụ công tác khám, chữa bệnh, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo có ý kiến như sau:

Về cơ sở pháp lý: phù hợp với quy định và thực tiễn

Về danh mục ngành đào tạo: ngành Y sỹ đa khoa trình độ cao đẳng đã có trong danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, cao đẳng được quy định tại Thông tư số 26/2020/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Về sử dụng nhân lực:

Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 (Luật 15/2023/QH15) đã quy định y sỹ là một trong các chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề (Điều 26).

Đào tạo Y sỹ đa khoa trình độ cao đẳng phù hợp với Thông tư liên tịch số 10/2015/TTLT-BYT-BNV của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Nội vụ ngày 27/5/2025 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp y sỹ; Thông tư số 03/2023/TT-BYT ngày 17/02/2023 của Bộ Y tế hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Qua những thông tin trên, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế đề xuất với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp yêu cầu đảm bảo chất lượng đào tạo ngành Y sỹ đa khoa trình độ cao đẳng.

Do ngành Y sỹ đa khoa trình độ cao đẳng là ngành mới, chưa có cơ sở giáo dục nghề nghiệp được giao nhiệm vụ đào tạo, để đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, ngoài các quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã được quy định tại các văn bản của Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Do đó, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo đề nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xem xét, chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi đăng ký mở ngành Y sỹ đa khoa trình độ cao đẳng cần chuẩn bị để đáp ứng một số yêu cầu về chuyên môn, chuyên ngành như sau:

Đối tượng tuyển sinh: Tốt nghiệp trung học phổ thông.

Chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo:

Đào tạo Y sỹ đa khoa trình độ cao đẳng đáp ứng được nhiệm vụ, tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh Y sỹ được quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 27/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Chương trình đào tạo thực hành ngành Y sỹ đa khoa trình độ cao đẳng xây dựng theo đúng quy định tại Điều 4, Nghị định số 111/2017/NĐ-CP ngày 05/10/2017 của Chính phủ.

Đội ngũ nhà giáo: Có đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, có trình độ chuyên môn phù hợp với môn học/học phần trong chương trình đào tạo theo quy định để tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.

Trong đó, đội ngũ giảng viên cơ hữu trình độ thạc sĩ hoặc chuyên khoa cấp I trở lên có tối thiểu: 02 giảng viên chuyên ngành Nội khoa, 02 giảng viên chuyên ngành Ngoại khoa, 02 giảng viên chuyên ngành Sản khoa, 02 giảng viên chuyên ngành Nhi khoa, 01 giảng viên chuyên ngành Y học cổ truyền hoặc Phục hồi chức năng, 01 giảng viên chuyên ngành Y học dự phòng hoặc Y tế công cộng; 01 giảng viên chuyên ngành Điều dưỡng và 02 giảng viên chuyên ngành Khoa học y sinh.

Phòng thí nghiệm, thực hành: Đối với các môn học, học phần trong chương trình đào tạo có nội dung thực hành, nhà trường phải bảo đảm đủ phòng thực hành có thiết bị, dụng cụ đào tạo theo quy định trong chương trình đào tạo và tương ứng với quy mô đào tạo của ngành Y sỹ đa khoa trình độ cao đẳng.

Các phòng thí nghiệm, thực hành tối thiểu phục vụ đào tạo gồm: Giải phẫu, Sinh Lý, Hóa sinh, Vi sinh – Ký sinh trùng, Sinh lý bệnh – Miễn dịch, Giải phẫu bệnh, Dược lý, Điều dưỡng cơ bản, Trung tâm tiền lâm sàng (các phòng thực hành về: hệ nội, hệ ngoại, phụ - sản, nhi, hồi sức cấp cứu, điều dưỡng).

Tổ chức đào tạo thực hành: Đáp ứng các quy định tại Nghị định số 111/2017/NĐ-CP ngày 05/10/2017 của Chính phủ quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành.

Ngoài ra, đối với đào tạo liên thông ngành Y sỹ đa khoa trình độ cao đẳng từ trình độ trung cấp, yêu cầu như sau:

Đối tượng tuyển sinh: tốt nghiệp trình độ trung cấp ngành Y sỹ đa khoa (hoặc Y sỹ) và có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉ được phép đào tạo liên thông ngành Y sỹ đa khoa trình độ cao đẳng khi có ít nhất một khóa sinh viên ngành Y sỹ đa khoa trình độ cao đẳng chính quy đã tốt nghiệp.

Tường San