Nam Định nói không với tại chức: Tuyển dụng phải đúng luật

22/06/2013 07:24
Theo Tiền Phong
(GDVN) - Sau Đà Nẵng, thêm Nam Định nói “không” với tại chức. Ông Nguyễn Xuân Bình, Chánh Văn Phòng Bộ Nội vụ, trả lời phỏng vấn xung quanh việc này.

Thưa ông, danh sách các tỉnh thành phố nói “không” với hệ đào tạo dân lập, tại chức lại dài thêm, khi mới đây Nam Định công bố không tuyển cán bộ tốt nghiệp hệ tại chức. Ông nghĩ gì về hiện tượng này?

Cá nhân tôi chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan tuyển dụng trong việc muốn đưa ra những quy định cụ thể để tuyển được những người có năng lực. Tuy nhiên, Luật Cán bộ công chức không có quy định nào cấm tuyển dụng người có bằng tại chức. Luật Giáo dục không phân biệt giá trị các loại hình đào tạo. Do vậy, việc tuyển dụng cần phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Nếu các cơ quan có trách nhiệm không “thổi còi”, có thể sẽ có thêm các tỉnh công bố chủ trương này. Bộ Nội Vụ, Bộ GD&ĐT và các cơ quan liên quan sẽ có động thái nào không, thưa ông?

Các cơ quan Nhà nước, các cán bộ công chức Nhà nước có trách nhiệm thực thi các quy định của pháp luật, không chỉ Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT. Ý kiến cá nhân tôi là khi những quy định pháp luật đi vào cuộc sống, các cơ quan có trách nhiệm cần xem xét, đánh giá những quy định nào phù hợp với cuộc sống, đáp ứng các yêu cầu phát triển đất nước thì duy trì; những quy định nào chưa phù hợp, cần sớm được xem xét để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo quản lý theo đúng pháp luật.

Trước hiện tượng như đã nói ở trên, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cần xem xét một cách đầy đủ, sớm tổng kết, đánh giá và báo cáo với các cơ quan có trách nhiệm xem xét, xử lý. Ví dụ, có quy định nào phải sửa đổi trong luật thì đề xuất với Quốc hội để sửa.

Cảm ơn ông!

Trước đó, trao đổi với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam, lý giải nguyên nhân UBND tỉnh Nam Định tiếp tục nói không với bằng tại chức trong thông báo tuyển dụng công chức năm 2013, gây xôn xao dư luận tại tỉnh này, theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh cho hay: vì chất lượng đào tạo của tại chức thấp, thứ hai là vì Nam Định là tỉnh học quá giỏi…

Ông Tuấn dẫn giải: “Việc này tỉnh ủy đã bàn bạc rất nhiều. Trong thời kỳ chiến tranh, đất nước còn bị chia cắt, đời sống nhân dân còn khó khăn thì không có nhiều người được học hành đến nơi đến chốn, do đó mới phải dùng đến việc học tại chức, học chuyên tu...”

Cũng theo ông Tuấn, việc Nam Định không nhận bằng tại chức là nghị quyết 08 của Ban chấp hành Đảng Bộ tỉnh Nam Định từ khóa 17, đến nay đã áp dụng được gần 10 năm.

Chừng mực nào đó, có một khoảng cách giữa chất lượng đào tạo của các loại hình đào tạo này với nhu cầu sử dụng của xã hội do vậy nơi này, nơi khác đã có cách nhìn nhận khác biệt giữa đào tạo chính quy và đào tạo tại chức .

Ông Nguyễn Xuân Bình


Theo Tiền Phong