Những năm vừa qua, giáo dục đại học có những chuyển biến tích cực khi nhiều cơ sở đào tạo đã được tự chủ, tự chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy và tài chính.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có 236 trường đại học, học viện. Thủ tục hành chính trong giáo dục đại học ngày càng được giảm bớt, các cơ sở đào tạo ngày càng chủ động, linh hoạt hơn về tổ chức bộ máy, tuyển dụng nhân sự và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đổi mới công tác quản trị, quản lý nhà trường hoạt động hiệu quả.
Trên cơ sở được giao quyền tự chủ, các trường đại học đã chủ động hơn trong quyết định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ khoa học - công nghệ. Số lượng đề tài nghiên cứu khoa học tăng mạnh, nhất là các công trình khoa học được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành nước ngoài.
Hai đối tượng mất đặc quyền, không muốn trường đại học tự chủ |
Mặt khác, thời gian mở ngành đào tạo được rút ngắn giúp các trường chủ động và tận dụng cơ hội, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của xã hội; nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy tiếp cận với chương trình đào tạo quốc tế.
Đáng chú ý, việc tự chủ đã tạo cơ hội để các trường sử dụng nguồn thu hiệu quả hơn, cung cấp dịch vụ đào tạo tốt hơn đến người học. Với cơ chế tự chủ, các trường có cơ hội kêu gọi tài trợ học bổng từ các tập đoàn kinh tế lớn để hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.
Mặc dù, cơ chế tự chủ trong giáo dục đại học đã từng bước được “cởi trói” nhưng vẫn chưa thật sự giúp các trường triển khai đạt hiệu quả như mong muốn.
Hiện nay Trường Đại học Hải Phòng có đề án tự chủ, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Dương Đức Hùng – Chủ tịch Hội đồng trường, có một vài chia sẻ về thuận lợi cũng như khó khăn khi nhà trường triển khai thực hiện.
Thầy Dương Đức Hùng cho rằng, nhà trường sẽ có nhiều thuận lợi khi thực hiện tự chủ ví như cơ sở vật chất khang trang, thậm chí Trường Đại học Hải Phòng là một trong số ít trường đại học địa phương có giảng đường, ký túc xá, khu thực hành đảm bảo 100% nhu cầu học tập, ăn, ở cho sinh viên.
Ngoài ra, nhà trường có đội ngũ giảng viên đông về số lượng, cao về chất lượng với hơn 700 cán bộ, giảng viên, chuyên viên, trong đó có hơn 100 người có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư.
Tiến sĩ Dương Đức Hùng – Chủ tịch Hội đồng trường, trường Đại học Hải Phòng (Ảnh: Thùy Linh) |
Đặc biệt, trường được đặt tại Hải Phòng – địa phương được định hướng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước… và đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở Châu Á (theo Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị).
Chính điều này giúp nhà trường không chỉ có sức hút đối với thí sinh trong tỉnh mà còn các tỉnh khác đặc biệt là vùng duyên hải Bắc Bộ.
Năm 2019 là tròn 60 năm xây dựng và phát triển trường Đại học Hải Phòng, theo đó hiện nay nhà trường đã trở thành trường đại học đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực trong đó có 4 khối ngành chính là kinh tế, công nghệ kỹ thuật, sư phạm, cử nhân xã hội nhân văn (gồm du lịch, công tác xã hội, ngôn ngữ).
Tuy nhiên, khi tự chủ chắc chắn nhà trường sẽ gặp không ít khó khăn. Cụ thể, thầy Hùng chỉ ra rằng, hiện nay các khối trường có cùng khối ngành đang cạnh tranh gay gắt, cùng với đó là sự nở rộ của hệ thống giáo dục đại học dẫn đến quy mô giáo dục đại học quá lớn khiến thí sinh có nhiều lựa chọn. Chính điều này đã khiến các trường đại học địa phương khó thu hút sinh viên giỏi hơn so với các trường đại học trung ương, trường trọng điểm.
Cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục đại học là ai, để làm gì? |
“Dù tuyển sinh tốt nhưng chất lượng của các trường đại học địa phương ít nhiều cũng bị ảnh hưởng”, thầy Hùng nhấn mạnh.
Ngoài ra, nguy cơ chảy máu chất xám ngày càng hiện hữu vì mức độ đãi ngộ của trường đại học địa phương chưa đủ hấp dẫn để giữ chân giảng viên so với các trường khác hay tập đoàn, công ty nào đó.
“Trong năm qua, có một số giảng viên mà nhà trường không giữ nổi”, thầy Hùng chia sẻ.
Đồng thời cũng theo thầy Hùng, hiện mức đầu tư của địa phương cho trang thiết bị dạy học đối với nhà trường ở mức nhỏ giọt, cụ thể theo kế hoạch Dự án Đại học Hải Phòng đến năm 2020 sẽ hoàn thành để nhà trường tập trung, chú trọng vào công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tuy nhiên đến nay (tháng 10/2019) mới chỉ đạt được 50% và có 850 tỷ đồng đã được phê duyệt nhưng chưa được đầu tư.
Điều này khiến nhà trường chưa hoàn thiện, hiện đại như kỳ vọng.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng hi vọng rằng, Trường Đại học Hải Phòng sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đề ra, từng bước khẳng định vị thế và uy tín, là địa chỉ tin cậy cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố Hải Phòng và các tỉnh thành phố trong cả nước.