Nam sinh Hà Nội mê nghiên cứu rừng và cách vượt qua áp lực khi du học châu Âu

29/02/2024 06:42
Phạm Thi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Môi trường giáo dục ở châu Âu ưu tiên sự tự học, tự giải quyết vấn đề của người học.

Võ Đại Nguyên (sinh năm 1999, Hà Nội) từng trúng tuyển ba chương trình của học bổng Erasmus Mundus - học bổng toàn phần hệ thạc sĩ của Liên minh châu Âu, bao gồm: SUFONAMA (Quản lý Rừng và Thiên nhiên bền vững); EF (Lâm nghiệp châu Âu) và MEDfOR (Quản lý Rừng và Tài nguyên thiên nhiên Địa Trung Hải).

Bí quyết để giành học bổng du học toàn phần hệ thạc sĩ

Khi nhận tin trúng tuyển cả ba chương trình của học bổng Erasmus Mundus, Nguyên vỡ òa trong hạnh phúc. Dù vậy, để lựa chọn được chương trình phù hợp em đã cân nhắc, đắn đo rất nhiều. Nguyên đã "đưa lên bàn cân" so sánh lợi thế tấm bằng thạc sĩ của từng chương trình cũng như sự phù hợp với mục tiêu tương lai.

Học bổng Erasmus Mundus cho phép sinh viên học tại 2/5 quốc gia có trường nằm trong chương trình học bổng. Trong chương trình SUFONAMA, nam sinh cân nhắc giữa nước Đức và Vương quốc Anh; nước Áo và Phần Lan của chương trình EF hay Tây Ban Nha và Ý của chương trình MEDfOR. Sau cùng Đại Nguyên đã quyết định lựa chọn chương trình SUFONAMA.

5ab65073-e17b-40c3-ae15-5f89d786363e.jpg
Võ Đại Nguyên xuất sắc giành được học bổng du học toàn phần hệ thạc sĩ tại châu Âu. Ảnh: NVCC

"Đức và Phần Lan là hai nước có thế mạnh đào tạo về lâm nghiệp. Tuy nhiên, rừng ở Việt Nam là rừng nhiệt đới, còn ở châu Âu chủ yếu là rừng ôn đới. Nếu ở lại châu Âu làm việc thì bằng thạc sĩ EF và MEDfOR sẽ có lợi thế. Còn khi về nước hay làm việc tại châu Á, hai tấm bằng này chưa chắc đã phát huy được hết giá trị so với bằng thạc sĩ rừng nhiệt đới", Nguyên lý giải.

Với chương trình SUFONAMA, năm đầu tiên Nguyên học tại Đại học Bangor (Vương quốc Anh), năm thứ hai học tại Đại học Gottingen (Đức). Hiện tại, Đại Nguyên đang theo học năm thứ hai. Em được hỗ trợ toàn bộ học phí và chi phí sinh hoạt với mức học bổng 50.000 euro (khoảng 1,3 tỷ đồng) cho 2 năm học.

Trước đó, Đại Nguyên là thủ khoa ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên (chương trình tiên tiến) tốt nghiệp sớm 6 tháng với tấm bằng loại xuất sắc, Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam. Em cũng là sinh viên trao đổi tại Đại học Khoa học Nông nghiệp Thụy Điển trong 2 học kỳ.

Chia sẻ về bí quyết để giành được học bổng danh giá, nam sinh cho rằng: "Theo em, yếu tố quan trọng nhất để hồ sơ của em thực sự cạnh tranh với các hồ khác chính là cần có một định hướng thật cụ thể, trong từng thời điểm cần biết mình cần làm những gì. Xây dựng hồ sơ để nộp học bổng là một quá trình dài, em đã dành 4 năm đại học kiên trì và cố gắng. Điểm số ở bậc đại học cũng là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng hồ sơ cạnh tranh để nộp học bổng.

Hiện nay em thấy nhiều bạn rất chú trọng IELTS hay hoạt động ngoại khóa mà chưa có sự đầu tư cần thiết cho điểm số ở bậc đại học. Em hay nói vui với các bạn nhờ em hỗ trợ trong quá trình xây dựng hồ sơ nộp học bổng, IELTS và hoạt động ngoại khóa nó chỉ là điều kiện cần. “Học” bổng chứ không phải “IELTS” bổng hay “hoạt động ngoại khóa” bổng, nên cần có một số điểm đủ để tạo ấn tượng. Ngoài ra, thư động lực (Motivation letter/ Statement of Purposes) cũng là một thứ quan trọng để hội đồng xét học bổng nhìn thấy được mong muốn đi học nước ngoài của bản thân, cũng là thứ để có thể làm nổi bật bản thân giữa hàng nghìn hồ sơ khác. Để viết được một lá thư động lực, người nộp học bổng cần có những trải nghiệm của riêng bản thân. Hội đồng đánh giá rất cao tính “thật” (authentic) của thư động lực".

Về lý do theo đuổi lĩnh vực lâm nghiệp, Nguyên khẳng định rằng, lựa chọn này của em được truyền cảm hứng rất lớn từ gia đình. Nam sinh bộc bạch: "Cả ba thế hệ trong gia đình (ông nội, bố em và em) đều gắn bó với rừng. Ngày còn bé, em thường được nghe bố kể những câu chuyện về lâm nghiệp và khoảng thời gian bố học ở châu Âu. Theo thời gian, niềm đam mê với lâm nghiệp, nghiên cứu rừng, thiên nhiên lớn dần lên. Và chính niềm đam mê đó đã trở thành động lực giúp em theo học ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên tại Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam và nuôi dưỡng ước mơ học thạc sĩ ở các nước châu Âu".

Hành trình vượt qua nỗi cô đơn nơi xứ người

Đại Nguyên nhìn nhận, du học hệ thạc sĩ ở châu Âu mang đến cho em nhiều trải nghiệm và bài học quý giá để trưởng thành hơn mỗi ngày. Bởi Erasmus Mundus là học bổng tạo điều kiện cho sinh viên được sống và học tập trong môi trường đa quốc gia, đa văn hóa. Đây cũng đúng với định hướng và mong muốn của Nguyên khi lựa chọn chương trình thạc sĩ. Em có cơ hội được tiếp cận với môi trường học tập quốc tế, với nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, được mở rộng mối quan hệ và khám phá những mảng màu văn hóa từ các vùng đất khác nhau.

321094099_1255126165069545_6074736818260111004_n.jpg
Đại Nguyên hào hứng khám phá những vùng đất mới trong quá trình du học châu Âu. Ảnh: NVCC.

Bước vào chặng đường mới, Võ Đại Nguyên luôn tự đặt ra cho mình những kế hoạch, mục tiêu để phấn đấu. Nam sinh vừa học tập, nghiên cứu vừa quan sát, tích lũy vốn sống và không ngừng khám phá những điều mới mẻ mà trước đây em chưa từng biết đến. Nguyên có những chuyến đi cùng bạn bè đến những miền đất mới. Thông qua đó, em hiểu rằng, ở mỗi nơi đều có nét đẹp riêng, điểm thú vị riêng và đôi khi bản thân buộc phải học cách để thích nghi.

Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng giai đoạn đầu trong hành trình du học, khối lượng bài tập, lịch học, lịch thi, thời tiết khắc nghiệt,... đôi khi khiến Nguyên cảm thấy ngộp thở, căng thẳng.

"Có những thời điểm em thật sự rất khó khăn cả về thể chất lẫn tinh thần. Vào cuối năm ngoái, trong giai đoạn ôn thi cuối kỳ, em rơi vào trạng thái căng thẳng, không có khái niệm ngày và đêm, trong đầu chỉ có bài tập. Với em mà nói, đó là quãng thời gian rất mệt mỏi. Cũng may là với sự phát triển của khoa học công nghệ, em vẫn có thể nói chuyện với bố mẹ, bạn bè và người thân qua thiết bị di động. Khi ấy, gia đình là động lực để em tiếp tục tiến bước, những người bạn cũng hỗ trợ hết mình giúp em vượt qua chông gai.

Với những bạn có ý định đi du học, chúng ta cần chuẩn bị thật tốt về mặt tâm lý, xác định rằng sang một môi trường học tập mới sẽ gặp phải rất nhiều áp lực. Áp lực đến từ cảm giác cô đơn khi sống ở một đất nước xa lạ, cho đến cách học, cách thi và cách tiếp cận kiến thức cũng đòi hỏi yêu cầu cao hơn. Do đó, chúng ta cần có chiến lược cụ thể để vượt qua áp lực, căng thẳng, hoàn thành những mục tiêu đề ra", chàng trai Hà thành tâm sự thêm.

Còn về phương pháp học tập, Đại Nguyên cho rằng, mỗi người sẽ có riêng cho mình phương pháp hiệu quả, do đó, sự phù hợp là yếu tố quan trọng nhất. Bên cạnh đó, nam sinh cũng mở rộng vốn kiến thức, vốn sống thông qua việc học hỏi bạn bè xung quanh.

Theo Đại Nguyên chia sẻ, các giảng viên đại học ở các trường châu Âu thường dạy cách tư duy, tiếp cận đa chiều, từ đó giúp sinh viên nhìn thấy toàn cảnh của vấn đề. Môi trường giáo dục ở đây ưu tiên sự tự học, tự giải quyết vấn đề của người học.

Suốt thời gian sinh sống ở châu Âu, Đại Nguyên nhận ra nhiều phong tục thú vị vào dịp đầu năm mới. Chẳng hạn như, tại Tây Ban Nha, mọi người thường ngồi dưới gầm bàn và ăn 12 quả nho cùng với điều ước năm mới. Năm mới ở Thụy Điển thường bắt đầu với rượu vang sủi và đồ ăn nhẹ, họ nói chuyện với nhau cả đêm đến sáng. Ở Đức và Pháp, mọi người thường ăn Raclette (một loại đồ nướng gồm các nhiều loại thịt khô, phô mai, ăn mới khoai tây luộc) hoặc Fondue (một loại lẩu pho mát đến từ Thụy Sĩ),...

Nhắc đến dự định của bản thân trong thời gian tới, Đại Nguyên cho hay, em sẽ tiếp tục trau dồi, bồi dưỡng và nâng cao kiến thức chuyên môn cũng như rèn luyện, hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Nguyên đang tìm hiểu, nghiên cứu và tham khảo ý kiến của thầy cô, gia đình về việc có làm nghiên cứu sinh sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ hay không.

Phạm Thi