Hiện nay việc kiểm soát số lượng phôi bằng, chứng chỉ còn nhiều thiếu sót, dẫn đến việc tràn lan chứng chỉ, bằng cấp giả, cho thấy sự lỏng lẻo trong công tác quản lý.
Trước thực trạng này, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án đổi mới cách thức cấp phôi bằng, phôi chứng chỉ, ứng dụng công nghệ số hóa dữ liệu, quản lý cấp bằng, chứng chỉ phải gắn với mã QR để có cơ sở kiểm soát, đồng thời xác định thời gian để việc số hóa dữ liệu về bằng cấp, chứng chỉ được hoàn thành, làm tiền đề cho việc kiểm soát công tác cấp bằng, chứng chỉ.
Liên quan đến nội dung này Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Hầu hết văn bằng, chứng chỉ là phản ánh đúng trình độ đào tạo của người được cấp bằng. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn tồn tại việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả và làm giả văn bằng, chứng chỉ, phôi văn bằng, chứng chỉ đang là vấn nạn, việc kiểm soát tình trạng này cần phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng.
Ảnh minh họa: nguồn VTV |
Nhằm góp phần khắc phục tình trạng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang thực hiện các giải pháp sau:
Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, tạo hành lang chính sách tốt hơn nữa đối với công tác quản lý văn bằng chứng chỉ nhằm gia tăng khả năng kiểm soát công tác này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh điều này trong Chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm của năm học, tích cực phối hợp với cơ quan công an để điều tra, xác minh, xử lý đúng quy định pháp luật các vụ việc liên quan đến làm giả văn bằng, chứng chỉ;
Tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung và tham mưu với Chính phủ sửa đổi Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục theo hướng tăng mức xử phạt hành chính đối với vi phạm về làm giả, mua bán văn bằng, chứng chỉ;
Bổ sung chế tài về việc đình chỉ, thu hồi quyết định cho phép thực hiện việc thi và cấp chứng chỉ đối với các cơ sở giáo dục có vi phạm; ban hành 10 văn bản quy định mẫu chuẩn về văn bằng, chứng chỉ;
Rà soát, sửa đổi và ban hành mới Quy chế quản lý văn bằng, chứng chỉ; đã dừng việc cấp chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C và thay bằng việc thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam để quản lý chứng chỉ ngoại ngữ chặt chẽ hơn;
Tăng cường cơ chế giám sát, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với những vi phạm về quản lý văn bằng chứng chỉ; rà soát ở phạm vi rộng các loại văn bằng đào tạo liên kết để xác định các văn bằng không đáp ứng yêu cầu theo quy định.
Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng đến quy trình đồng bộ, khoa học, thực hiện các giải pháp kỹ thuật trong quản lý văn bằng, chứng chỉ, cụ thể:
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý văn bằng, chứng chỉ; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bằng, chứng chỉ để phục vụ việc tra cứu, xác minh, đồng thời quy định các cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng chứng chỉ phải công khai thông tin lên trang thông tin điện tử; các phôi văn bằng chứng chỉ do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hành được dán tem bảo hiểm chống giả; hồ sơ cấp phát phôi văn bằng, chứng chỉ được lưu trữ tại kho lưu trữ của Bộ,...
Mặt khác, nhằm triển khai hiệu quả Luật Giáo dục đại học (sửa đổi bổ sung), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc in, quản lý, cấp phát, sử dụng phôi và cấp phát văn bằng, chứng chỉ cho các cơ sở giáo dục đại học.
Tuy nhiên, để giảm thiểu tối đa vấn nạn nêu trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp phôi văn bằng, chứng chỉ theo số lượng do các cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ đăng ký trên cơ sở số liệu báo cáo phải đầy đủ, đảm bảo pháp lý.