Ngày 9/7 tại Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng (Hà Nội), Bộ Y tế đã khai mạc khoá đào tạo “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh các bệnh mạn tính tại tuyến cơ sở theo nguyên lý y học gia đình”.
Tham dự có ông Jun Nakagawa, Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam; Lãnh đạo và chuyên viên Vụ,Văn phòng Bộ, Cục, Bệnh viện, Viện, Trường, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế và 60 cán bộ các Trạm y tế huyện Đan Phượng tham dự khoá học.
Khóa học nhằm hướng dẫn cán bộ y tế xã, phường lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân; hướng dẫn bố trí không gian và các phòng chức năng của Trạm y tế xã; giáo dục truyền thông: Tư vấn cho người bệnh về dinh dưỡng (giảm ăn muối, dinh dưỡng hợp lý), rèn luyện, hoạt động thể lực, kiểm tra sức khỏe thường xuyên, không hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, tạo cuộc sống thư giãn; một số bệnh ung thư: dự phòng, phát hiện sớm, chăm sóc giảm nhẹ (ung thư vú, ung thư đường tiêu hóa ...).
Tại khóa học, các chuyên gia cũng hướng dẫn cho cán bộ y tế tuyến cơ sở phương pháp chẩn đoán bệnh đái tháo đường và các biến chứng hay gặp, xử trí hạ đường huyết cho người bệnh đại tháo đường tại tuyến ban đầu; cập nhật đào tạo liên tục bệnh thông thường chuyên ngành Lão khoa: khám thực thể và khai thác tiền sử người bệnh cao tuổi; chẩn đoán, điều trị và quản lý người bệnh sa sút trí tuệ tại tuyến ban đầu.
Đồng thời hướng dẫn kỹ năng chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp; chẩn đoán và xử trí một số ca cấp cứu tim mạch thường gặp tại tuyến ban đầu; sàng lọc và phát hiện sớm tim bẩm sinh tại cộng đồng; thảo luận một số tình huống chuyển tuyến và một số ca lâm sàng thường gặp bệnh tim mạch…
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại khóa học. ảnh: moh.gov.vn |
Phát biểu tại buổi khai mạc, Bộ trưởng Bộ Y tế - bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tăng cường y tế cơ sở là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là một trong những việc được ưu tiên và quan tâm hàng đầu đối với ngành Y tế hiện nay.
Với mục tiêu thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, thực hiện Quyết định số 2348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở.
Để triển khai thực hiện tốt vấn đề này, Bộ Y tế đã ban hành chương trình hành động 1379, kế hoạch 1383, phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng chính sách và triển khai nhiều nhóm giải pháp.
Trong đó có nhóm giải pháp về nhân lực, tập trung nâng cao năng lực chuyên môn trong khám, chữa bệnh cho các thầy thuốc, y, bác sỹ làm việc tại trạm y tế tuyến xã nhằm thực hiện tốt sơ cứu, cấp cứu, khám sàng lọc, phát hiện sớm, chẩn đoán và quản lý điều trị các bệnh thường gặp, nhất là các bệnh mạn tính, các bệnh không lây nhiễm phổ biến, thực hiện quản lý người bệnh theo nguyên lý y học gia đình.
Bộ trưởng Bộ Y tế - bà Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Bộ Y tế khuyến khích các địa phương áp dụng mô hình khám chữa bệnh ban đầu nhằm giảm điều trị nội trú tại bệnh viện huyện, tăng cường khám chữa bệnh, chăm sóc tại nhà.
Trong đó, triển khai mạnh mẽ việc thực hiện lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, coi đây là phương thức quan trọng giúp phát hiện sớm và đưa vào quàn lý điều trị các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm phổ biến như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, COPD, sàng lọc phát hiện sớm ung thư, quản lý bệnh tâm thần tại cộng đồng giúp giảm tải bệnh viện và thuận lợi cho người dân, giảm chi phí khám chữa bệnh và chi từ quỹ bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã đề nghị các địa phương nghiên cứu chính sách, đề xuất các giải pháp nhằm tăng thu nhập cho các cán bộ công tác tại trạm y tế, thu hút cán bộ có trình độ cao yên tâm công tác.
Cũng tại buổi lễ, ông Jun Nakagawa - Đại diện WHO nêu rõ, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây ra 380,000 ca tử vong mỗi năm ở Việt Nam, tương đương với 73% của tổng số tử vong.
Điều đáng buồn là hơn 40% trong số tử vong này xảy ra ờ những người dưới 70 tuổi
Ông Jun Nakagawa cho biết: “Một lý do quan trọng là hầu hết người bệnh không lây nhiễm không được điều trị chủ yếu là do thiếu các dịch vụ cho bệnh không lây nhiễm tại tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu. Chúng ta phải thừa nhận rằng chăm sóc sức khỏe ban đầu của Việt Nam cần được cải cách”.
Tiến sĩ Jun Nakagawa cũng nhấn mạnh, từ kinh nghiệm thực tiễn thu được khi hỗ trợ điều trị, quản lý bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã cần trở thành bắt buộc phải thực hiện.
Hơn thế nữa, các chỉ số về quản lý bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã cần được đưa vào bộ chỉ số quốc gia. Đồng thời, cần có qui định rõ ràng về cơ chế tài cho nhân viên y tế tại trạm y tế xã để khuyến khích họ làm việc.