NĐ 116: Quảng Nam đặt hàng nhưng SV ra trường làm ở Đà Nẵng, có phải bồi hoàn?

29/11/2022 06:47
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Thiếu giáo viên, song các tỉnh thành dường như không mấy mặn mà với đặt hàng đào tạo ở các trường sư phạm, một phần do các quy định đang “làm khó” các địa phương.

Giáo viên nghệ thuật đang thiếu, không địa phương nào đặt hàng

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, năm học 2022-2023, bậc trung học phổ thông có môn nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), địa phương nào cũng thiếu giáo viên nghệ thuật, nhưng lại không mấy mặn mà với việc đặt hàng đào tạo.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho biết: “Việc triển khai chi trả hỗ trợ cho sinh viên sư phạm hiện nay đang gặp phải những vướng mắc.

Chính vì thế, đáng lẽ, địa phương phải đặt hàng đào tạo đội ngũ giáo viên nghệ thuật để đáp ứng chương trình mới, tuy nhiên, đến nay, địa phương vẫn chưa có động thái mặn mà nào với việc đặt hàng đào tạo. Tôi cho rằng, một phần lý do là bởi địa phương phải bỏ kinh phí ra, nên chưa chủ động đến đặt vấn đề với nhà trường về việc đặt hàng đào tạo”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương chia sẻ: “Hầu như vẫn chưa có địa phương nào chủ động tìm đến đặt hàng, chủ yếu là trường tự tìm đến địa phương, nhưng địa phương cũng không mấy mặn mà”. Ảnh: Mộc Trà

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương chia sẻ: “Hầu như vẫn chưa có địa phương nào chủ động tìm đến đặt hàng, chủ yếu là trường tự tìm đến địa phương, nhưng địa phương cũng không mấy mặn mà”. Ảnh: Mộc Trà

Vị Hiệu trưởng cũng chỉ ra: “Số giáo viên nghệ thuật hiện nay của các địa phương chắc chắn là đang thiếu, nhất là với bậc trung học phổ thông. Nhưng đến nay, hầu như vẫn chưa có địa phương nào chủ động tìm đến Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đặt hàng, chủ yếu là nhà trường tự tìm đến địa phương, nhưng địa phương cũng không mấy mặn mà.

Chỉ có một số địa phương làm theo việc nâng chuẩn, đào tạo lại đội ngũ đang có, từ trình độ trung cấp, cao đẳng lên trình độ đại học; còn đặt hàng đào tạo chính quy ngay từ đầu thì gần như chưa có.

Đó là khó khăn... Mặc dù, sau khi tuyển sinh xong, nhà trường đã có thông báo, gửi danh sách thí sinh về mỗi tỉnh thành, để tỉnh đó có thí sinh sẽ có nhu cầu đặt hàng, sẽ lấy luôn các thí sinh đó, vì năng khiếu phải thi, chứ không phải tỉnh cứ lập danh sách rồi đưa đến là được.

Như năm học này, duy nhất có một tỉnh phía Bắc muốn gửi cử tuyển 3 sinh viên nhưng lại muốn “theo diện ưu tiên”, năng khiếu không đủ đáp ứng để thi vào trường, còn những thí sinh đã thi đỗ vào trường thì tỉnh lại không lấy”.

“Thứ hai, đối với việc thực nghiệm kinh phí theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP, ngay cả với các thí sinh đào tạo theo nhu cầu xã hội, quản lý cũng rất khó. Nhà trường phải tiến hành quản lý thường xuyên, kiểm soát sinh viên có đi học hay không, tỉ lệ chuyên cần, chứ lỡ cấp xong mà sinh viên không đi học thì sao, hoặc đầu năm cấp hỗ trợ, cuối năm cuối kỳ lại thấy bỏ học hay theo ngành khác; hoặc sau khi tốt nghiệp, sinh viên lại đi làm trái ngành trái nghề...

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương lo lắng, ngay cả với các thí sinh đào tạo theo nhu cầu xã hội, đối với việc thực nghiệm kinh phí, quản lý cũng rất khó. Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương lo lắng, ngay cả với các thí sinh đào tạo theo nhu cầu xã hội, đối với việc thực nghiệm kinh phí, quản lý cũng rất khó. Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Để khắc phục, nhà trường nghĩ ra cách “nắm đằng chuôi” đối với các sinh viên, như giữ hồ sơ gốc, cho sinh viên làm cam kết nếu được nhận hỗ trợ, thì phải học tập chăm chỉ và cống hiến trong ngành.

Với những sinh viên đã ký cam kết, nhà trường chi trả hỗ trợ kịp thời, kiểm soát những sinh viên có kết quả học tập kém thì xem xét, sinh viên tiếp tục phải ký cam kết sẽ cải thiện trong thời gian tiếp theo, bởi nếu các em học quá kém thì sau này ra trường sẽ không đủ năng lực theo nghề, lại khổ cho các em trong việc bồi hoàn chi phí” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng cho biết thêm.

Nhiều bài toán đang “làm khó” các địa phương

Thạc sĩ Nguyễn Vinh San - Trưởng phòng Công tác sinh viên (Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng) cho biết: “Trường không nhận được đơn đặt hàng từ các địa phương, sinh viên trong trường hoàn toàn đào tạo theo nhu cầu xã hội, được Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp cấp kinh phí nên công tác triển khai của nhà trường khá thuận lợi, về cơ bản được giải quyết ngay”.

Tuy nhiên, cũng giống như một số cơ sở đào tạo khác, tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), hiện không có địa phương nào chủ động tìm đến đặt hàng.

Về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Vinh San cho rằng: “Về mặt thực tế, đây là cái khó của các địa phương.

Năm đầu tiên triển khai, các trường đào tạo sư phạm đều có tiếp xúc với các địa phương để có thể tiếp nhận đơn đặt hàng. Tuy nhiên, ở miền Bắc và miền Nam thì tôi không nắm rõ thông tin, nhưng riêng khu vực miền Trung - Tây Nguyên, không có địa phương nào đặt hàng đào tạo giáo viên, do địa phương gặp vướng mắc về quy định tuyển dụng sau này. Tức là có một số câu hỏi đặt ra trong thực tiễn, chưa tìm được câu trả lời, nên các địa phương không dám đặt hàng.

Thạc sĩ Nguyễn Vinh San - Trưởng phòng Công tác sinh viên (Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng) cho rằng, một số quy định đang đặt bài toán cho địa phương, cũng là “làm khó” các địa phương”. Ảnh: NVCC.

Thạc sĩ Nguyễn Vinh San - Trưởng phòng Công tác sinh viên (Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng) cho rằng, một số quy định đang đặt bài toán cho địa phương, cũng là “làm khó” các địa phương”. Ảnh: NVCC.

Năm học trước, khu vực miền Trung duy nhất có 1 tỉnh ban đầu đặt hàng với khoảng 6-9 chỉ tiêu, nhưng sau khi “nghe ngóng” tình hình từ các tỉnh lân cận, chưa thấy tỉnh nào triển khai, nên địa phương này cũng thông báo lại với nhà trường là hủy các chỉ tiêu đặt hàng đó”.

Trưởng phòng Công tác sinh viên (Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng) phân tích thêm: “Bản thân địa phương cũng đang đặt dấu hỏi: Họ bỏ chi phí ra để đặt hàng đào tạo sinh viên, nhưng ở chiều ngược lại, họ không được tiếp nhận “thẳng” các sinh viên đó vào hệ thống giáo dục của địa phương. Chẳng hạn, tỉnh Quảng Nam bỏ tiền đào tạo ra 100 sinh viên sư phạm, nhưng sau khi 100 sinh viên đó tốt nghiệp, lại ở lại Đà Nẵng làm việc... Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương thì sức hút lớn, không cần đầu tư nhiều đã có người đăng ký thi tuyển...

Đặt giả thiết, sinh viên sau khi tốt nghiệp có trở về quê hương để thi tuyển viên chức, nhưng lại trượt, mà khi đến địa phương khác thi thì lại trúng tuyển... Về nguyên tắc, các sinh viên ấy sau khi tốt nghiệp vẫn đảm bảo công tác trong ngành nên không phải bồi hoàn học phí.

Vậy, ở đây, câu chuyện đặt ra là, địa phương bỏ tiền ra nhưng lại không được tuyển dụng “thẳng”, do vướng quy định theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Chính vì nhiều địa phương không giải tỏa được những vấn đề đó, nên không dám đặt hàng. Bởi nếu đặt hàng thì sẽ dẫn đến những bài toán phía sau, và ai sẽ là người giải?

Tôi cho rằng, về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phải làm việc lại với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính... để đưa ra kế hoạch cụ thể”.

Bên cạnh đó, Thạc sĩ Nguyễn Vinh San cũng đề cập đến một điểm khiến các địa phương lúng túng trong triển khai Nghị định 116: “Năm học 2021-2022, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cũng có 2 sinh viên được nhận hỗ trợ, nhưng sau đó lại xin thôi học.

Thạc sĩ Nguyễn Vinh San đặt giả thiết, sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp có trở về địa phương để thi tuyển viên chức, nhưng lại trượt, trong khi đến địa phương khác thì lại trúng tuyển, vẫn không pahri bồi hoàn học phí. Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Thạc sĩ Nguyễn Vinh San đặt giả thiết, sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp có trở về địa phương để thi tuyển viên chức, nhưng lại trượt, trong khi đến địa phương khác thì lại trúng tuyển, vẫn không pahri bồi hoàn học phí. Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Sau đó, trong một hội nghị với Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Giáo dục và Đào tạo), chúng tôi cũng được hướng dẫn về việc thu hồi kinh phí là do các địa phương phụ trách, các trường chỉ gửi về địa phương. Tuy nhiên, khi làm văn bản gửi về cho địa phương thu hồi, phía địa phương cũng không biết phải thu hồi như thế nào.

Trong khi trước đó, địa phương không hề bỏ tiền ra (do sinh viên đào tạo theo nhu cầu xã hội, không thuộc diện địa phương đặt hàng), nhưng lại phải đi thu hồi kinh phí... Đó là những bài toán được đặt ra.

Theo tôi, vướng mắc khiến các địa phương còn nhiều băn khoăn như hiện nay chính là bởi, các quy định còn chưa rõ ràng, chưa đi đến đích cuối cùng, dẫn đến việc đặt bài toán cho địa phương, cũng là “làm khó” các địa phương”.

“Cũng chính vì những vấn đề tương tự, năm học 2022-2023 này, các trường đào tạo sư phạm cũng hạn chế tiếp xúc địa phương hơn, bởi thực tế, không có tín hiệu nào từ địa phương” - Trưởng phòng Công tác sinh viên (Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng) nhấn mạnh.

Mộc Trà