LTS: Việc thi tuyển chức danh lãnh đạo Hiệu phó, Hiệu trưởng của các cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông, hiện vẫn có nhiều ý kiến trái chiều.
Trong đó, có nhiều ý kiến đồng tình vì thi tuyển sẽ tạo ra sự công bằng, cạnh tranh giữa các ứng viên để ngăn chặn tình trạng con ông cháu cha hay “ngồi lâu lên lão làng”.
Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, chỉ qua một kỳ thi không thể đánh giá hết năng lực cũng như kiến thức của một ứng viên.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam mong nhận được ý kiến của các thầy, cô về vấn đề này.
“Bổ nhiệm sẽ đánh giá được cả quá trình phấn đấu”
So sánh về những ưu, khuyết điểm của phương án bổ nhiệm theo cách truyền thống và thi tuyển Bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu cho biết:
“Đối với phương án bổ nhiệm, nếu thực sự công tâm thì mình sẽ nhìn nhận được họ (ứng viên) qua cả một quá trình dài nổ lực, phấn đấu.
Mình ghi nhận sự đóng góp, cống hiến và nỗ lực của họ qua từng giai đoạn. Và như vậy sẽ có cái nhìn toàn diện hơn đối với năng lực của ứng viên”.
Một kỳ thi tuyển Hiệu trưởng tại quận Hải Châu, Đà Nẵng. Ảnh: TT |
Về khuyết điểm của phương án này, bà Hà cho rằng, nó chịu nhiều yếu tố tác động đến việc ra quyết định.
Cụ thể như: tùy vào cảm tính của từng người để đánh giá và bổ nhiệm cán bộ nên mang tính chủ quan. Ngoài ra, nó cũng dễ phát sinh những tiêu cực như: chạy chọt, bổ nhiệm người nhà, thân quen…
Rồi các yếu tố tác động bên ngoài như: công tác tham mưu, đề xuất bổ nhiệm… Khi bổ nhiệm một cán bộ quản lý thì sẽ có nhiều ý kiến trái chiều nhau, bởi có nhiều cơ quan tham mưu việc bổ nhiệm cán bộ quản lý”.
Chuyện "làm ăn" của các Hiệu trưởng ...lên quan nhờ thi tuyển |
Phương án thi tuyển có khuyết điểm của nó là dù tạo ra sự công bằng nhưng nó chỉ đánh giá được năng lực của ứng viên tại thời điểm thi tuyển.
“Có người có khả năng quản lý rất tốt nhưng khi đi thi tuyển lại không diễn đạt được. Ngược lại, có người nói rất hay nhưng khi vào thực tế quản lý thì không làm tốt.
Nên giữa lý thuyết và thực tế là khác nhau. Bởi dù sao, năng lực của ứng viên chỉ mới được đánh giá qua bài thi và bảo vệ đề án”, bà Hà nói.
Thi tuyển để thu hút “nhân tài”
Ông Võ Ngọc Đồng, giám đốc sở Nội vụ Đà Nẵng cho rằng, việc tổ chức thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp là một chủ trương mang tính đột phá, đã nhận được những phản hồi tích cực qua quá trình triển khai tại thành phố Đà Nẵng.
“Những quan điểm đổi mới trong công tác tuyển dụng cán bộ khắc phục tình trạng đề bạt, bổ nhiệm cán bộ khép kín trong từng cơ quan, đơn vị.
Qua đó, tạo ra cơ chế cạnh tranh lành mạnh giữa các cán bộ, công chức, viên chức để bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý”.
Do vậy, thông qua thi tuyển sẽ tuyển chọn được người có trình độ và năng lực, có phẩm chất, đạo đức để bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị.
Đây là một trong những giải pháp tích cực nhằm đổi mới công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ mang tính truyền thống lâu nay.
Kết quả rõ nhất là đòi hỏi ứng viên tham gia dự tuyển phải thâm nhập thực tế để tìm hiểu tình hình hoạt động của đơn vị, nắm bắt những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, phát hiện những tồn tại, hạn chế.
Qua đó, mới có cơ sở phân tích, đánh giá đầy đủ thực trạng cũng như xây dựng phương án, chương trình hoạt động, xác định nhiệm vụ, quy mô, sản phẩm, dịch vụ, đề ra các giải pháp và định hướng phát triển đơn vị.
Thâm nhập, nắm bắt tình hình hoạt động của đơn vị còn có tác dụng giúp cho người trúng tuyển sau khi nhận nhiệm vụ có điều kiện chỉ đạo, triển khai ngay các hoạt động.
Bên cạnh những ưu điểm, tiến bộ, đổi mới, thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý còn những khó khăn, hạn chế như: tâm lý của người dự thi còn e ngại.
Mặt khác, vị trí chức danh thi tuyển chưa thật sự hấp dẫn nên số lượng người tham gia dự thi không nhiều.
Trường hợp người trúng tuyển vào các vị trí chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý nhưng không thuộc đối tượng quy hoạch làm ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch quy hoạch cán bộ của đơn vị, địa phương.
Bên cạnh đó, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa thật sự quyết tâm trong việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Việc thi tuyển cấp trưởng, các vị trí chức vụ ở cơ quan hành chính còn ít.
Không nằm trong diện quy hoạch vẫn được thi
Liên quan đến quy định chỉ có cán bộ trong diện quy hoạch mới được thi tuyển sẽ hạn chế cơ hội của nhiều người có năng lực, cũng như mất đi cơ hội sàng lọc, chọn được người tài.
Đà Nẵng chọn lãnh đạo chuyên môn, muốn làm "quan" phải thi tuyển |
Ông Đồng cho hay, Đà Nẵng là một trong 22 tỉnh, thành phố được Trung ương chọn thực hiện Đề án “thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”.
Ngày 9/5/2017, Bộ Nội vụ ban hành Công văn số 2424/BNV-CCVC hướng dẫn thực hiện đề án này.
Theo quy định mới này thì không chỉ cán bộ trong diện quy hoạch mới được thi tuyển.
Mà cán bộ, công chức, viên chức không nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn hoặc chức danh tương đương với chức danh tuyển chọn (bao gồm cả trường hợp không công tác tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh tuyển chọn và có thể không phải là đảng viên).
Nếu đảm bảo về tiêu chuẩn chính trị và tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh thi tuyển, được tập thể lãnh đạo của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển đề cử và được cấp ủy của cơ quan đó đồng ý bằng văn bản thì có quyền tham gia dự tuyển.
Được biết Ủy ban nhân dân quận Hải Châu và Liên Chiểu sẽ tổ chức thi tuyển chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng.
Và sở Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức thi tuyển bốn chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc Sở.
“Sắp đến sẽ có nhiều đơn vị chon phương thức thi tuyển thay cho việc bổ nhiệm theo phương thức truyền thống, cả trong cơ quan hành chính và trong đơn vị sự nghiệp công lập; cả cấp quận huyện và cấp thành phố”, đại diện sở Nội vụ cho biết.