Ngày 30/11/2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập nhận được nhiều sự quan tâm của giáo viên cả nước.
Nhiều người băn khoăn khi mà chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT đang được sửa đổi thì khi nào giáo viên mới được thi, xét thăng hạng theo Thông tư 34 trên.
Người viết xin được nêu một số điểm mới của Thông tư 34 và nêu kiến nghị của mình về việc sửa đổi một số nội dung trong chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 để Thông tư 34 về thi, xét thăng hạng có thể sớm được áp dụng và mang lại niềm hy vọng cho giáo viên, giải tỏa băn khoăn, bất công về thăng hạng trong thời gian qua khi hầu như có rất ít giáo viên được thi, xét thăng hạng trong một thời gian dài.
Ảnh minh họa: Sggp.org.vn |
Một số điểm mới về thi, xét thăng hạng của Thông tư 34
Có 3 điểm mới cơ bản về thi, xét thăng hạng theo Thông tư 34 có sửa đổi, bổ sung so với các Thông tư 20, 28, 29/2017 như sau:
Thứ nhất, Thông tư 34 là Thông tư 3 trong 1
Trước đây, tiêu chuẩn và điều kiện thi thăng hạng giáo viên được quy định riêng tại Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT, còn quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng giáo viên được quy định tại Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT và quy chế thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên được quy định trong Thông tư 29/2017/TT-BGDĐT ban hành.
Tuy nhiên theo quy định mới, tiêu chuẩn và điều kiện thăng hạng giáo viên đã được quy định chung cho cho cả trường hợp thi và đăng ký xét thăng hạng tại Điều 3 Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT.
Nên có thể xem Thông tư 34 là Thông tư 3 trong 1, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Về nội dung, hình thức xét thăng hạng giáo viên, Thông tư mới quy định áp dụng chung cho tất cả các cấp học, không quy định riêng với từng cấp học như trước đây tại Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT. Cụ thể:
Xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ giáo viên hạng II lên giáo viên hạng I:
Được thực hiện thông qua việc xét, chấm điểm hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng và kiểm tra, sát hạch theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I của mỗi cấp học;
Giáo viên hạng II dự xét thăng hạng lên giáo viên hạng I được tham dự kiểm tra, sát hạch khi điểm hồ sơ đạt 100 điểm theo thang điểm quy định tại Điều 6 Thông tư này.
Việc kiểm tra, sát hạch được thực hiện bằng hình thức làm bài trắc nghiệm hoặc phỏng vấn.
Xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ giáo viên hạng III lên giáo viên hạng II: Được thực hiện thông qua việc xét và chấm điểm hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II của mỗi cấp học.
Thứ hai, chỉ cần năm liền kề xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ thì được thi, xét thăng hạng
Theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 34 năm 2021, để được thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giáo viên phải được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
So với quy định trước đây tại các Thông tư 20, Thông tư 28 năm 2017, quy định mới đã giảm thời gian phải xếp hoàn thành tốt nhiệm vụ từ 03 năm xuống chỉ còn 01 năm liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng.
Thứ ba, thay đổi về điểm chấm hồ sơ xét thăng hạng
Về cách tính điểm hồ sơ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, Điều 6 Thông tư 34 quy định:
“1. Hồ sơ xét thăng hạng được chấm theo thang điểm 100, không làm tròn số khi cộng các điểm thành phần, cụ thể:
a) Điểm chấm nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng: 20 điểm
b) Điểm chấm nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: 80 điểm.
2. Hướng dẫn minh chứng và chấm điểm các nhóm tiêu chí được quy định tại phụ lục kèm theo Thông tư này.”
Bên cạnh đó sẽ không còn được cộng điểm tăng thêm khi xét hồ sơ thăng hạng.
Nếu vẫn giữ tiêu chuẩn 6 - 9 năm giữ hạng thì có thể không có giáo viên nào được thi, xét thăng hạng
Dù Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập có hiệu lực từ 15/01/2022.
Tuy nhiên, theo người viết thì nếu không sửa đổi và bãi bỏ quy định giáo viên muốn dự thi, xét thăng hạng từ hạng II lên hạng là 6 năm, từ hạng III lên hạng II là 9 năm thì Thông tư 34 sẽ rất khó có thể được áp dụng, được đi vào cuộc sống hay nói đúng hơn nếu không bãi bỏ điều trên thì Thông tư 34 có thể sẽ không áp dụng được cho giáo viên nào thi, xét thăng hạng hay là Thông tư 34 sẽ vô nghĩa.
Vì quy định tại Điều 5 của chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT có quy định giáo viên muốn dự thi, xét thăng hạng từ II lên hạng I: “Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông hạng I phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II mới hoặc tương đương từ đủ 06 (sáu) năm trở lên, tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng”.
Và tại Điều 4 của chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT có quy định giáo viên muốn dự thi, xét thăng hạng từ III lên hạng II: “Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông hạng II phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III mới hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên, tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng”.
Như vậy, giáo viên sau khi được bổ nhiệm giáo viên hạng II theo chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 phải giữ hạng II mới này ít nhất 6 năm thì mới được dự thi, xét thăng hạng lên hạng I, giáo viên được bổ nhiệm hạng III mới thì cần phải giữ hạng III mới này ít nhất 9 năm mới được dự thi, xét thăng hạng lên hạng II.
Còn đối với những giáo viên đang ở hạng I, II theo chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2015 nếu không đủ tiêu chuẩn hạng I, II mới thì được bổ nhiệm hạng thấp hơn nhưng khi đủ tiêu chuẩn hạng mới thì được bổ nhiệm hạng mới mà không phải dự thi, xét thăng hạng theo quy định của chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021, tức không thuộc đối tượng thi, xét thăng hạng theo Thông tư 34.
Đến thời điểm ít nhất 6 năm sau tức là năm 2027 hoặc 9 năm sau ở năm 2030 mới có giáo viên được dự thi, xét thăng hạng theo Thông tư 34 nếu không bãi bỏ nội dung thời gian giữ hạng 6 - 9 năm của chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 trên.
Đến thời điểm trên rất có thể giáo viên đã không còn hưởng lương theo hạng mà hưởng lương theo vị trí việc làm theo Nghị quyết 27/NQ-TW bãi bỏ lương cơ sở, trả lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc (dự kiến áp dụng vào thời điểm 01/7/2022 nhưng đã được lùi lại và dự kiến sẽ được áp dụng trong thời gian tới).
Không còn hưởng lương theo hạng thì đương nhiên không có giáo viên được thi, xét thăng hạng theo Thông tư 34 trên, có thể nói Thông tư sẽ trở nên vô nghĩa.
Rất may, dịp này trùng với dịp sửa đổi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 theo sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nên để Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT có thể áp dụng và đi vào cuộc sống thì người viết mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại bãi bỏ các quy định về việc giữ hạng III đến 9 năm mới được thi, xét lên hạng II hay giữ hạng II đến 6 năm mới được thi, xét lên hạng I.
Giáo viên cả nước đang hồi hộp chờ đợi sự sáng suốt của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong lần sửa đổi này để khắc phục những bất công, bất cập trong thời gian qua trong đó có vấn đề giữ hạng để được thi, xét thăng hạng theo Thông tư 34.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.