Nên để giáo viên bỏ phiếu kín đánh giá Hiệu trưởng

13/05/2020 06:08
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học mới gồm 7 chương, 47 điều, đã cập nhật hệ thống văn bản mới làm căn cứ pháp lý như Luật Giáo dục 2019.

Ngày 6/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo Thông tư Ban hành Điều lệ trường tiểu học, để lấy ý kiến góp ý rộng rãi, thay thế cho Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường tiểu học hiện hành.

Theo đó, Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học mới gồm 7 chương, 47 điều, đã cập nhật hệ thống văn bản mới làm căn cứ pháp lý như Luật Giáo dục 2019.

So với Thông tư 41, dự thảo có nhiều điểm mới, trong đó tập trung đổi mới quản lý nhà trường.

Ảnh minh họa, nguồn: laodong.vn.
Ảnh minh họa, nguồn: laodong.vn.

Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học mới đã phản ánh được phần lớn nhu cầu, nguyện vọng và đòi hỏi đổi mới của giáo dục Tiểu học hiện nay.

Thế nhưng trong Điều 11, tôi xin góp ý bổ sung một số vấn đề sau:

Điều 11, khoản 1, điểm c; khoản 2, điểm c dự thảo có viết “… Sau mỗi năm học, hiệu trưởng (hiệu phó) được viên chức, nhân viên trong trường góp ý và cấp có thẩm quyền đánh giá theo quy định…”.

Xin góp ý “…Sau mỗi năm học, hiệu trưởng (hiệu phó) được viên chức, nhân viên trong trường góp ý và bỏ phiếu kín đánh giá tín nhiệm, tỷ lệ tín nhiệm được công khai trong hội đồng sư phạm; cấp có thẩm quyền đánh giá theo quy định; phiếu tín nhiệm của giáo viên với hiệu trưởng (hiệu phó) đạt dưới 50%, cấp có thẩm quyền có thể bãi miễn chức vụ…”

Tại sao để “viên chức, nhân viên bỏ phiếu kín đánh giá tín nhiệm hiệu trưởng (hiệu phó)”?

Sắp tới, giáo viên tiểu học được trao thêm nhiều quyền!
Sắp tới, giáo viên tiểu học được trao thêm nhiều quyền!

Một là: Hiệu trưởng không còn là công chức, nên viên chức đánh giá chéo với viên chức là đảm bảo công bằng.

Hai là: Chỉ có viên chức, nhân viên trong trường mới hiểu rõ hiệu trưởng điều hành, quản lý công việc như thế nào.

Ba là: Nếu hiệu trưởng không có tín nhiệm với trên 50% viên chức, nhân viên, không thể điều hành hoạt động nhà trường tốt được, nên bãi nhiệm là thích hợp; tránh hiện tượng bao che của cấp trên với cấp dưới; chạy chọt, nịnh bợ cấp trên, chà đạp viên chức, nhân viên của hiệu trưởng (hiệu phó).

Bốn là: Chỉ có công khai tỷ lệ tín nhiệm mới làm hiệu trưởng (hiệu phó) phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình.

Điều 11, khoản 1, điểm d “Nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng” có viết “…giới thiệu nhân sự để bổ nhiệm phó hiệu trưởng”;

Xin góp ý “…tổ chức họp hội đồng, lấy ý kiến tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín của viên chức, nhân viên khi giới thiệu cán bộ nguồn để bổ nhiệm phó hiệu trưởng”;

Tại sao khi giới thiệu cán bộ nguồn để bổ nhiệm phó hiệu trưởng phải lấy ý kiến của viên chức, nhân viên?

Một là: Thực tế nếu để một mình hiệu trưởng giới thiệu nhân sự hiệu phó sẽ không khách quan; dễ xảy ra hiện tượng chỉ giới thiệu người cùng ê kíp, nịnh nọt chứ không phải người có tâm, có tầm;

Hai là: Chỉ có viên chức, nhân viên mới chọn người xứng đáng nhất trong trường làm lãnh đạo, vì họ cùng công tác với nhau, biết rõ mặt mạnh, mặt yếu của nhau; có trách nhiệm khi giới thiệu nhân sự và làm việc khi nhân sự đó chỉ đạo.

Tài liệu tham khảo:

moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1475

Lê Mai