Nên để phụ huynh tham gia quá trình lựa chọn đơn vị cung cấp bữa ăn học đường

18/07/2024 06:17
Hà An
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Trưởng Phòng GDĐT quận Ba Đình cho rằng, khi tham gia lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm, phụ huynh cần kiểm tra tư cách pháp nhân, giá cả và uy tín.

Còn nhiều lo lắng về bữa ăn học đường

Năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 2195/QĐ-BGDĐT phê duyệt Hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học; Quyết định số 4280/QĐ-BGDĐT phê duyệt Hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh trung học cơ sở.

Theo đánh giá kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường đảm bảo đa dạng thực phẩm, việc tổ chức bữa ăn học đường tại các nhà trường ngày càng bài bản, quy củ, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, cụ thể:

Thứ nhất, đa dạng thực phẩm: Thực đơn bữa ăn học đường phong phú, đa dạng hơn với nhiều loại thực phẩm thuộc các nhóm thực phẩm khác nhau, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng hợp lý phù hợp với lứa tuổi. Điều này có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe, sự phát triển về tầm vóc, thể lực và trí tuệ của học sinh.

Thứ hai, nâng cao chất lượng dinh dưỡng: Học sinh được thụ hưởng bữa ăn học đường với các thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cân đối, phù hợp trong trường học không những giúp các em nâng cao sức khỏe, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý rối loạn dinh dưỡng như thiếu vi chất dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm mà còn xây dựng thói quen dinh dưỡng lành mạnh.

Thứ ba, an toàn thực phẩm: Việc quản lý an toàn thực phẩm được tăng cường, từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến chế biến và bảo quản thực phẩm. Các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống cho trường học được kiểm tra, giám sát chặt chẽ về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo đánh giá của nhiều phụ huynh, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn thì nhiều trường đã thành lập tổ giám sát an toàn thực phẩm mà thành phần có đại diện cha mẹ học sinh, có trường còn quản lý những người ra vào khu vực bếp ăn, bảo đảm an toàn trong suốt quá trình chế biến.

Dù vậy trên thực tế, an toàn bữa ăn học đường luôn là nỗi lo lắng của phụ huynh khi vẫn xảy ra trường hợp ngộ độc hay suất ăn lèo tèo, không đảm bảo chất lượng.

Chị Lan Anh (ở Cầu Giấy, Hà Nội) - phụ huynh có con năm nay vào lớp 3 chia sẻ: “Mỗi năm, nhà trường đều phát phiếu cho phụ huynh tự nguyện đăng ký ăn bán trú cho con em mình. Trong các cuộc họp đầu năm, giáo viên chủ nhiệm sẽ thông báo số tiền phải đóng và tên đơn vị tổ chức bữa ăn bán trú. Tuy nhiên, phụ huynh như chúng tôi không hề biết đơn vị đó là ai hay năng lực của họ ra sao”.

Có chung trăn trở này, chị Thùy Linh, phụ huynh sống tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho rằng bữa ăn của các học sinh là do phụ huynh trả tiền, nhưng phụ huynh chỉ được biết đơn vị cung cấp suất ăn qua thông báo của nhà trường chứ không được tham gia vào quá trình lựa chọn nhà cung cấp để phối hợp cùng nhà trường kiểm soát bữa ăn hàng ngày của các con.

Để phụ huynh trực tiếp tham gia vào quá trình lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm là cần thiết

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Đức Thuận – Trưởng Phòng giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội) nêu thực tế, tại quận Ba Đình các nhà trường luôn chú trọng đến công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.

“Khi nhập thực phẩm về bếp, đại diện ban giám hiệu nhà trường, công đoàn, đại diện cha mẹ học sinh cùng chứng kiến và kiểm tra thực phẩm, kiểm tra trực tiếp thực phẩm nhập về và kiểm tra hóa đơn xuất xứ hàng hóa. Đầu bếp được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, được kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Trong quá trình chế biến thực phẩm, các đầu bếp luôn mặc trang phục bếp, đeo khẩu trang, đi ủng.

Bếp ăn tại các nhà trường đảm bảo bếp một chiều, thớt thái đồ sống và đồ chín riêng, khay ăn, bát, thìa đều được rửa sạch sẽ, úp khô ráo, nhiều trường có tủ sấy bát, thìa, khay ăn. Các trường đều có sổ kiểm thực ba bước ghi chép đầy đủ số lượng thực phẩm trước khi chế biến, sau khi chế biến và khi đưa thức ăn về các lớp. Ban giám hiệu, thanh tra, ban chấp hành công đoàn nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên giám sát trong suốt quá trình nhận thực phẩm, chế biến, đưa thực phẩm đến phòng ăn của học sinh, đồng thời giám sát cả quá trình chăm sóc bán trú buổi trưa.

Sau kiểm tra có ghi chép nhận xét và kiến nghị đề xuất vào sổ biên bản hàng ngày, ban giám hiệu sẽ căn cứ vào sổ biên bản để góp ý với nhà bếp”, Trưởng Phòng giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình nêu quá trình giám sát an toàn thực phẩm của các trường học trên địa bàn quận.

Thực tế, an toàn bữa ăn học đường vẫn luôn là nỗi lo lắng của nhiều phụ huynh khi vẫn còn trường hợp ngộ độc hay suất ăn lèo tèo. Nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải để phụ huynh trực tiếp tham gia vào quá trình lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm, phối hợp cùng nhà trường kiểm soát bữa ăn hàng ngày của các con thay vì như hiện nay phụ huynh chỉ biết đơn vị cung cấp suất ăn thông qua thông báo của trường.

1.jpg
Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Về vấn đề này, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình cho rằng: “Việc để phụ huynh trực tiếp tham gia vào quá trình lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm, phối hợp cùng nhà trường kiểm soát bữa ăn hàng ngày của các con là cần thiết. Vì như vậy, nhà trường sẽ có thêm một lực lượng hỗ trợ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Còn về phía phụ huynh thì sẽ có được sự yên tâm, tin tưởng hơn vào nhà trường. Tuy nhiên cần lưu ý lựa chọn những phụ huynh có kiến thức chuyên môn về an toàn thực phẩm, có kĩ năng, thái độ khách quan, đúng mực để tham gia hỗ trợ nhà trường”.

Cũng theo ông Thuận, khi tham gia vào quá trình lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm, phụ huynh học sinh cần chú ý kiểm tra tư cách pháp nhân của các đơn vị, kiểm tra giá cả và uy tín của các đơn vị trên thị trường, kiểm tra khu vực sản xuất, nguồn gốc xuât xứ của các thực phẩm. Nếu là các thực phẩm chế biến sẵn thì cần kiểm tra xem cơ sở có đảm bảo điều kiện về về sinh an toàn thực phẩm không.

“Phụ huynh cần trang bị kiến thức về dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm để có thể đưa ra đánh giá và lựa chọn phù hợp. Đồng thời, tìm hiểu về uy tín, năng lực, kinh nghiệm của các đơn vị cung cấp thực phẩm. Yêu cầu các đơn vị cung cấp thực phẩm cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý, giấy tờ chứng nhận về chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Ngoài ra, phụ huynh khi tham gia vào quá trình lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm một cách khách quan, công bằng. Cần đánh giá các đơn vị dựa trên các tiêu chí cụ thể như chất lượng thực phẩm, giá cả, dịch vụ, uy tín...

Đặc biệt, cần phải lưu ý dựa trên các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm được quy định tại Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế; Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 giữa Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về công tác y tế trường học”, ông Thuận nhấn mạnh.

Ông Thuận cho hay, hiện nay, vào đầu các năm học, các nhà trường yêu cầu đơn vị chế biến suất ăn nộp hồ sơ của các nhà cung cấp thực phẩm. Tiếp đó, Ban giám hiệu nhà trường, thanh tra, công đoàn và Ban đại diện cha mẹ học sinh cùng họp kiểm tra, duyệt hồ sơ, lựa chọn đơn vị nào đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm để cung cấp thực phẩm cho nhà trường.

Hà An