Nên đề ra thời gian hậu bổ nhiệm đánh giá cán bộ, để xóa tư tưởng "yên vị"

09/02/2022 06:38
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quy hoạch cán bộ là cách làm hay nhưng nếu không kiểm soát được tiêu cực thì nó sẽ thành vật cản đối với sự thăng tiến đàng hoàng, của những cán bộ có tài thực sự

Trong năm 2021, cơ quan công an đã khởi tố, bắt giam nhiều bị can là cán bộ lãnh đạo như cựu Bí thư Bình Dương Trần Văn Nam...và hàng loạt quan chức khác cũng vướng vào vòng lao lý.

Đầu năm 2022, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan cùng một số thuộc cấp cũng bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự. Qua đó, có thể thấy trong các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng được Cơ quan Cảnh sát điều tra phanh phui có rất nhiều bị can là lãnh đạo, cán bộ giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan Nhà nước.

Vấn đề về công tác cán bộ luôn được dư luận đặc biệt quan tâm. Làm sao chọn được cán bộ có tài, có tâm? Quá trình công tác làm sao giám sát, ngăn chặn được sự suy thoái của cán bộ?

Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì tổ chức quy hoạch các chức danh lãnh đạo như cũ, giờ hãy đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể, người nào đủ tiêu chuẩn thì tổ chức thi vào chức danh đó, ai điểm cao nhất thì bổ nhiệm. Như vậy, có thể vừa chọn được người có năng lực thực sự, phần nào có thể loại bỏ được những kẻ cơ hội bất tài đang có ý định trèo vào hàng ngũ lãnh đạo của các cơ quan nhà nước.

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ảnh: Trung Dũng

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Ảnh: Trung Dũng

Trao đổi về vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng: “Nhiều cán bộ về hưu, thậm chí là người còn đương chức khi tâm sự với tôi họ nói rằng, họ rất “dị ứng” với vấn đề quy hoạch cán bộ. Quy hoạch nó có mặt tốt là chúng ta có thể nắm bắt, đào tạo và bồi dưỡng một người theo cách có chiều dài và chiều sâu. Nó là điều kiện để mình có thể quy hoạch cho một hệ thống cán bộ tốt.

Tuy nhiên, chính từ việc quy hoạch này nó cũng chính là một “cơ hội” để nhiều người lợi dụng chạy chọt. Vô tình trở thành phương tiện để một bộ phận “kẻ trộm” trèo vào bộ máy cán bộ của chúng ta. Việc quy hoạch cán bộ nếu không đảm bảo được sự minh bạch, rõ ràng thì nó sẽ giống như một cái thang. Cái thang đó chính là khuôn mẫu để cho mình đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, nhưng đối với những kẻ thiếu phẩm chất thì họ cũng tìm cách lách luật, sử dụng chính ngay cái thang này để leo lên các vị trí cao hơn.

Đặt ra quy hoạch là một cách làm hay nhưng nếu không kiểm soát hết các mặt tiêu cực thì cái hay này sẽ trở thành vật cản đối với sự thăng tiến đàng hoàng, của những cán bộ có tâm và có tài thực sự.

Theo tôi ý tưởng của việc thi tuyển đối với các chức danh lãnh đạo và bổ nhiệm theo cách quy hoạch như trước đây là việc nên kết hợp với nhau vì mỗi cái sẽ có một thế mạnh, ưu điểm riêng. Còn nếu tổ chức các cuộc thi để tuyển lựa cán bộ chủ chốt thì cũng cần có các quy định cụ thể đối với các cuộc thi đó tránh việc cục bộ, luồn lách.

Ngoài ra, sau khi bổ nhiệm cán bộ, chúng ta cũng phải đề ra thời gian hậu bổ nhiệm để đánh giá trách nhiệm của cán bộ đó. Không thể để các cán bộ đó có tư tưởng rằng, cứ thi xong hoặc bổ nhiệm xong là mọi việc đã kết thúc.

Theo tôi, việc tổ chức các cuộc thi tuyển chức danh lãnh đạo nó có những giá trị riêng nhưng không hẳn sẽ đảm bảo rằng từ cuộc thi ấy nó sẽ mang lại một bộ máy tốt nếu chúng ta làm không đến nơi đến chốn”.

Chia sẻ về việc, dù trước đó một số địa phương tổ chức các cuộc thi tuyển chức danh lãnh đạo nhưng hiện tại, việc bổ nhiệm cán bộ thông qua thi tuyển ở nước ta vẫn chưa phổ biến, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: “Thật ra, khi chúng ta nghĩ và đặt ra ý tưởng để thực hiện việc này là dựa trên sự khách quan. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức lại có nhiều vướng mắc. Đầu tiên, đó là những người đứng ra tổ chức các cuộc thi này vẫn còn lúng túng, thiếu kinh nghiệm về các cuộc thi.

Thứ hai, từ trước tới nay nhiều người vẫn có suy nghĩ rằng, những người nằm trong diện quy hoạch hầu hết là những người đã chỉn chu, còn những người tham gia các cuộc thi đó đều là những người chưa được sát hạch. Và cho rằng, nếu chỉ là sát hạch thì qua một cuộc thi cũng không thể đánh giá hết được năng lực và phẩm chất của người đó. Những tư tưởng như vậy đang chi phối rất lớn đến việc tổ chức các cuộc thi tuyển chọn cán bộ hiện nay.

Thứ ba, chúng ta vẫn còn tồn tại tư tưởng cục bộ, bản vị địa phương, thậm chí là lợi ích nhóm trong mỗi lần tổ chức các cuộc thi như thế”.

Cùng quan điểm về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ - nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng: “Trong vấn nạn chạy chức, chạy quyền đang được đề cập đến chúng ta thường nhận thấy được tình trạng rằng, những người có trình độ năng lực thực sự và khẳng khái thì thường họ sẽ không bỏ tiền hay dùng các mối quan hệ của mình để chạy chọt vào các vị trí quan trọng. Còn với những kẻ cơ hội, bất tài thì hoàn toàn ngược lại.

Để hạn chế tình trạng này, chúng ta cũng đã cho tổ chức lấy phiếu bầu và phiếu tín nhiệm để chọn người vào các vị trí quan trọng. Tuy nhiên, việc lấy phiếu bầu và phiếu tín nhiệm này đôi khi nó cũng chưa thực sự khách quan. Bởi trong những lá phiếu bầu đó nó vẫn còn bị chi phối bởi các quan hệ cá nhân giữa người được bầu hay người được bổ nhiệm với những người có thẩm quyền biểu quyết và đưa ra những lá phiếu ấy.

Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ - nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ - nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Trong việc quy hoạch cán bộ cũng vậy, quy hoạch cán bộ được xác định là để đào tạo cán bộ, quy hoạch là cần thiết nhưng không phải cứ quy hoạch là xác định chắc chắn người đó sẽ làm ở vị trí này hay vị trí kia.

Vì thế, đối với việc bổ nhiệm cán bộ ở các vị trí chủ chốt, hiện nay chúng ta cũng chưa có những giải pháp mang tính “đặc trị” để triệt tiêu quan hệ cá nhân trong công tác cán bộ.

Ngoài ra, với những người đủ năng lực, xứng đáng được bổ nhiệm nhưng lại bị loại khỏi “cuộc chơi” dần dà họ trở nên lãnh cảm, thờ ơ với việc bổ nhiệm cán bộ. Chưa kể đến những trường hợp vì không đạt được mong muốn họ quay ra chống đối, gây ra nhiều khó khăn trong công tác điều hành cả một cơ quan nhà nước”.

Nêu lên một số góp ý để hạn chế tình trạng chạy chức, chạy quyền khi thực hiện việc bổ nhiệm cán bộ, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ cho rằng: “Để việc bổ nhiệm đạt được sự khách quan thì quá trình chọn người vào các vị trí cao, chúng ta nên đưa ra các tiêu chí, dưới sự giám sát, đánh giá của một hội đồng công tâm để tăng tính cạnh tranh.

Khi đánh giá xếp loại giữa các ứng cử viên với nhau, chúng ta sẽ căn cứ vào việc người nào sở hữu nhiều tiêu chí đánh giá xếp loại tốt hơn do hội đồng công tâm ấy bình chọn thì người đó sẽ được xem xét cất nhắc, bổ nhiệm”.

Trung Dũng