Sau Quảng Ngãi, Hà Tĩnh là địa phương tiếp theo triển khai thực hiện quy định loại khỏi quy hoạch những những người sinh từ 1975 trở lại đây tốt nghiệp đại học tại chức.
Cụ thể, sau đại hội Đảng nhiệm kỳ 2015-2020, cấp ủy các cấp Hà Tĩnh đã thực hiện việc tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2015-2020 và xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo đó, thực hiện Quy định số 668-QĐ/TU ngày 12/7/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiêu chuẩn cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, nhiều đơn vị đã loại khỏi quy hoạch những cán bộ sinh từ sau 1/1/1975 tốt nghiệp đại học hệ tại chức.
Một nguồn tin (xin giấu tên) cho phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam biết, thực hiện theo quyết định 668 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh, có hàng chục người thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (từ cấp Thường vụ Huyện ủy trở lên) bị đưa ra khỏi quy hoạch nhiệm kỳ tới.
Cán bộ tốt nghiệp đại học tại chức sẽ bị hạn chế rất nhiều trong việc bổ nhiệm ở vị trí cao hơn. Ảnh minh họa đăng trên Báo Lao động. |
Việc đưa ra quy định loại khỏi quy hoạch những cán bộ sinh sau năm 1975 tốt nghiệp đại học hệ tại chức tại một số địa phương như phản ánh nêu trên gây ra nhiều tranh cãi từ phía dư luận.
Rất nhiều quan điểm đồng thuận với quy định này, nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng, đây là quy định chưa phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là trong việc đánh giá năng lực cán bộ.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 28/11, ông Hà Văn Thạch - Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho rằng, quy định trên phù hợp với Nghị quyết 42-NQ/TW công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý và đặc điểm tình hình của Hà Tĩnh.
Cực đoan mới không cho người chưa có bằng chính quy vào quy hoạch |
Trưởng Ban tổ chức cũng cho rằng, quy định đòi hỏi bằng cấp (đại học chính quy) đối với cán bộ trong diện quy hoạch là giải pháp chống lại tình trạng học giả, bằng thật.
"Ban Thường vụ Tỉnh ủy quy định như vậy không phải chạy theo bằng cấp mà mục đích nhằm chống việc chạy theo bằng cấp.
Bằng cấp là thước đo đánh giá trình độ cán bộ. Có người học không thực chất, không chất lượng nhưng vẫn có bằng", ông Thạch nói.
Cũng theo Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh, việc đưa ra quy định 668 nhận được sự đồng thuận của người dân.
"Việc này chúng tôi đã công khai tới cán bộ lão thành, nhân dân trong tỉnh và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng", ông Thạch nói và khẳng định thêm, quy định trên ra đời nhằm nâng cao chất lượng cán bộ trong bộ máy quản lý.