Nên khuyến khích liên kết các trường tư thục thành ĐH giống như ĐH Nguyễn Hoàng

05/05/2022 06:38
Lê Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Giáo sư Trần Hồng Quân trong giáo dục đại học tất cả sự tập hợp, liên kết để tạo ra sức mạnh chung là điều chúng ta nên khuyến khích

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Trần Hồng Quân - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói rằng có rất nhiều ưu điểm của sự tập hợp, liên kết các trường đại học với nhau. Đặc biệt, nếu hệ thống các trường ngoài công lập thực hiện điều này sẽ thuận lợi nhiều hơn so với trường công.

PV: Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có công văn 941 gửi Bộ Giáo dục đào tạo báo cáo kết quả thực hiện Nghị định 99/2019/NĐ-CP trong đó có nội dung ủng hộ chủ trương liên kết 4 trường đại học gồm:Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Trường Đại học Hoa Sen, Trường Đại học Gia Định, Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu thành Đại học Nguyễn Hoàng. Lần đầu tiên có định hướng liên kết các trường tư thục trở thành một đại học, Giáo sư đánh giá như thế nào về việc này?

Giáo sư Trần Hồng Quân: Tôi chưa xem kỹ đề xuất đó nhưng nhìn chung tất cả sự tập hợp, liên kết để tạo ra sức mạnh chung trong giáo dục đại học là điều chúng ta nên khuyến khích. Trong trường hợp đó, sẽ tận dụng, sử dụng chung được nhiều thứ như đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, có thể dùng chung các phần mềm nội dung chương trình, giáo trình, phần mềm quản lý… Như vậy có rất nhiều ưu điểm của sự tập hợp, liên kết các trường đại học với nhau.

Giáo sư Trần Hồng Quân - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (ảnh: Lê Phương)

Giáo sư Trần Hồng Quân - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (ảnh: Lê Phương)

Có hai loại tập hợp liên kết. Thứ nhất xét theo địa bàn tập hợp thành những đô thị đại học nghiên cứu. Ở đó, các trường, các viện có thể độc lập với nhau về phương diện quản lý nhưng vì cùng nằm trên một địa bàn thì tạo ra sự thoả thuận liên kết nhau để sử dụng chung cơ sở vật chất, hoặc trao đổi đội ngũ nhân lực. Cơ sở vật chất ở đây nhằm phục vụ cả phương diện đào tạo nghiên cứu khoa học và các sinh hoạt ở môi trường giáo dục như: phòng thí nghiệm đắt tiền, hội trường hiện đại, sân vận động, ký túc xá...

Câu chuyện này ở nước ta đã đặt ra rất nhiều năm nhưng hiện nhiều nơi vẫn đang còn dở dang. Chẳng hạn như trước đây Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có dự định xây dựng 3 khu đô thị đại học ở Long An, Bắc Ninh và Hội An tuy nhiên do vướng ở vấn đề đầu tư ban đầu nên chưa hình thành. Những đô thị đại học và khoa học thuộc kiểu như vậy trên thế giới có rất nhiều, phát triển rất tốt.

Loại thứ hai là xét về phương diện mô hình quản lý. Theo đó địa điểm các trường không nhất thiết phải gần nhau, nhưng tập hợp chung trong một đầu mối quản lý. Ở nhà nước thì có hai Đại học quốc gia, các đại học vùng và cũng với xu thế đó hiện nay cũng có một số trường đang muốn liên kết tạo thành mô hình này.

Nhìn chung sự tập hợp liên kết này làm thế nào đó để khai thác thế mạnh sử dụng chung lực lượng tổng hợp, đồng thời không hạn chế tính độc lập, tự chủ của các trường. Đây cũng là một mâu thuẫn cần phải giải quyết một cách hài hoà nếu không sẽ gây khó cho chính các trường. Ngay như mô hình hiện tại nước ta đang có như Đại học quốc gia cũng xảy ra mâu thuẫn như vậy vì thực tế các trường thành viên vốn là những trường đại học lớn, cần phải được thực hiện tự chủ như các trường không nằm trong hệ thống Đại học quốc gia.

Lâu nay các trường công lập gặp vấn đề ở chỗ cơ chế chủ quản chưa giải quyết tốt, có trường thuộc Bộ này, trường thuộc đơn vị kia…nên hạn chế tự chủ. Đó cũng là một vấn đề đặt ra cho Đại học quốc gia- một đơn vị chủ quản cho nhiều trường, phải giải quyết như thế nào thật tốt để khai thác những ưu điểm của sức mạnh tổng hợp, sự tập hợp liên kết nhưng khắc phục nhược điểm tạo ra sự ràng buộc của đơn vị chủ quản. Vấn đề mô hình cần phải bàn nhiều nhưng cuối cùng vẫn phải giúp các thực thể như đại học quốc gia, đại học vùng đã có và sắp có hoạt động thật tốt.

Còn đối với dự án Đại học Nguyễn Hoàng lại có một đặc thù riêng vì đây là những trường ngoài công lập. Sự tập hợp ở các trường ngoài công lập trong một chủ thể chung thuộc Tập đoàn Nguyễn Hoàng sẽ có thuận lợi là đương nhiên, tạo sự liên kết dễ dàng hơn. Tuy vậy vấn đề cơ chế để nhà nước chấp nhận là vấn đề sẽ cần bàn thêm.

PV: Điều 5 Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học quy định về liên kết các trường đại học thành đại học không có nội dung quy định về việc đặt trụ sở mới của đại học sau liên kết các trường đại học. Do vậy, trong quá trình xem xét đề nghị của nhà đầu tư về liên kết các trường đại học (tư thục) thành đại học, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh không có cơ sở cho ý kiến việc đặt trụ sở mới của đại học sau liên kết các trường đại học và đề nghị Bộ tham mưu. Theo Giáo sư, để tháo gỡ vướng mắc này cần làm gì?

Giáo sư Trần Hồng Quân: Quan điểm của tôi là không lý gì quy định một đại học chỉ hoạt động ở một địa bàn, một đại học có thể có nhiều phân hiệu ở những địa bàn khác. Điều đó phụ thuộc vào khả năng của đại học đó, đương nhiên mọi hoạt động đều phải nằm trong luật. Còn vấn đề đặt địa điểm trụ sở ở đâu, thế nào theo tôi là việc để các trường tự đăng ký và lựa chọn, không nên ràng buộc đăng ký ở một địa thì chỉ được hoạt động một nơi thôi.

Luật của ta quy định các trường tư thuộc quản lý địa phương tôi cho điều này gây mâu thuẫn. Chẳng hạn, Tập đoàn Nguyễn Hoàng có nhiều cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng cũng có cơ sở ở Bà Rịa- Vũng Tàu, nếu vậy việc quản lý sẽ giao cho địa phương nào. Rõ ràng ở chỗ này có điều lấn cấn vì vậy tôi không tán thành việc giao các trường tư cho địa phương quản lý.

Thực tế dù là đại học tư thục nhưng đều tuyển sinh cả nước, tôi đã quan sát hầu như không có trường nào tuyển sinh dưới 30 tỉnh thành khác nhau. Do đó một cách bình đẳng là phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý như các trường công vì phạm vi hoạt động khắp cả nước chứ không ở một khu vực. Ngược lại, địa phương khi có trường đóng trên địa bàn mình cũng phải có trách nhiệm dù trường tuyển sinh cả nước bằng cách ủng hộ, giúp đỡ và thậm chí đầu tư cho các đại học này. Trách nhiệm chung này là điều đáng quý và giúp tránh việc cát cứ riêng ở từng địa phương.

Còn vấn đề quản lý để tránh xảy ra sai phạm thì khi một trường mở một campus hay một phân hiệu ở chỗ khác đều phải đăng ký ở địa phương đó. Tất cả điều đó đều nằm trong luật hết. Do đó luật của ta cũng phải xây dựng tương đối cụ thể, cứ căn cứ vào đó mà làm mà không phải phụ thuộc vào người quản lý trực tiếp dẫn đến cơ chế xin cho rắc rối.

Chính sách của nhà nước về phát triển giáo dục đại học, trong đó khuyến khích quá trình sắp xếp, sáp nhập các trường đại học thành đại học. Giáo sư đánh giá như thế nào về việc hệ thống tư thục tham gia việc sắp xếp này trong định hướng phát triển giáo dục đại học Việt Nam?

Giáo sư Trần Hồng Quân: Sự liên kết, sắp xếp các trường trong hệ thống giáo dục Nguyễn Hoàng không phải là sự thay đổi quá lớn và bản thân tập đoàn sẽ thực hiện tốt. Cũng giống như một tập đoàn sản xuất, có thể trong đó có nhiều công ty với từng chức năng chuyên trách. Tất nhiên trong giáo dục đại học thì sẽ khác với sản xuất đôi chút, chẳng hạn như các danh mục đào tạo trong các trường thường có sự trùng lặp với nhau.

Có thể phân ra thành 2 sự trùng lặp: ngành nghề và nội dung. Đối với sự trùng lặp ngành nghề, có những ngành mang tính phổ biến người học nhiều thì trường nào cũng đào tạo được mặc dù cùng một hệ thống. Một số ngành riêng đặc thù chẳng hạn như du lịch thì nên để trường ở Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển đào tạo vì thế mạnh về môi trường du lịch thuận lợi thực hành.

Còn đối với nội dung chương trình, có những phần cơ bản về kiến thức, kỹ năng thì hầu như tất cả các ngành tương tự nhau ở giai đoạn đầu. Khi ở cùng một đại học, các trường thành viên có thể phối hợp tốt giai đoạn này vì có thể sử dụng chung giảng viên, cơ sở vật chất…sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nhiều.

Việc các tập đoàn kinh tế tham gia đầu tư vào giáo dục với động cơ không phải tranh thủ lợi ích tối đa thì quá tốt, rất hoan nghênh bởi nền giáo dục của chúng ta cần nguồn lực để phát triển. Thật ra nhiều năm qua quan niệm khuyến khích các trường tư vẫn chưa thật sự tốt, bản thân trường tư cũng giống trường công cũng có đôi khi gặp trục trặc chỗ này, chỗ khác.

Tuy nhiên tổng thể mà nói cả công và tư cùng tham gia để đào tạo những lực lượng lao động có chất lượng, xây dựng nên sức mạnh trí tuệ của quốc gia. Trường tư không nhận ngân sách, nhẹ gánh cho nhà nước thì nên khuyến khích họ, đương nhiên nếu họ làm sai phải uốn nắn, hướng dẫn.

Tôi cũng đặt ra kỳ vọng đối với các trường đại học ngoài công lập, xem như đó là “đôi cánh” thứ hai để giúp giáo dục đại học nước ta phát triển.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Lê Phương