Nén lòng gửi con về quê…tìm chữ

21/06/2011 00:54
(GDVN) - Một bộ phận khác, cam chịu "cõng" con về quê học... trường quê, bởi không "chịu nhiệt" nổi với thời buổi giá cả đắt đỏ ở thành thị.

(GDVN) - Trong khi nhiều bậc cha mẹ giàu có đua nhau "chạy" trường điểm cho con em mình ngay từ khi chập chững vào trường mầm non, cũng như ở các cấp học cao hơn, thì lại có một bộ phận khác, cam chịu "cõng" con về quê học... trường quê, bởi không "chịu nhiệt" nổi với thời buổi giá cả đắt đỏ ở thành thị.

{iarelatednews articleid='3383,4650'}

Càng lên phố, càng khổ vì nuôi con


Chị Lan, một người dân xa quê lên Hà Nội làm việc không giấu nổi nỗi chua xót, thở dài: trong khu nhà trọ của tôi tất cả các hộ gia đình đều trẻ và có con nhỏ. Với tổng thu nhập 5triệu đồng/tháng, vợ chồng tôi được coi là hộ có thu nhập ổn định nhất trong xóm trọ. Nhưng xem ra khoản lương đó chẳng thấm vào đâu.

Trẻ con gửi đến trường phải là trường tư thục vì chúng không có hộ khẩu ở thành phố, mức học phí cao gấp đôi trường công.

“Tiền học của con ở thành phố cao gấp mấy lần ở quê, dù không muốn xa con nhưng vợ chồng tôi cũng đành lòng gửi con về cho ông bà nội ở nhà nuôi hộ, chứ ở thành phố, vợ chồng tôi gục mất, bất lực không thể đủ tiền nuôi con ăn học chốn đô thị, nghĩ mà tủi vô cùng” – chị Lan tâm sự.

Với mức lương gần 3 triệu đồng/tháng, chị Nguyễn Thị Nhuần (quê Quảng Ninh) đã phải đau đầu với “bài toán” chọn trường mẫu giáo nào phù hợp để gửi cô con gái hơn hai tuổi. Lần đầu tiên có con nhỏ đi học mẫu giáo khiến chị Nhuần vô cùng ngạc nhiên trước mức học phí của các trường mầm non tư thục hiện nay.

Những trường “thường thường bậc trung” nhất hiện nay cũng ngốn hết cả tháng lương của tôi” - chị Nhuần than thở.

Sau bao thời gian đắn đo, suy nghĩ và tham khảo ý kiến bạn bè, đồng nghiệp, chị Hoa quyết định gửi con về quê học trường mầm non ở quê: “Gửi con ở trường mầm non kể cả tiền học phí và sinh hoạt phí mỗi tháng các cha mẹ chỉ phải đóng 400 ngàn đồng. Mà các cô giáo mầm non ở quê cũng có trình độ chuyên môn hết cả”.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự với chị Nhuần, trước kia mỗi tháng, chị Nguyễn Thị Mai (đang trọ ở Ba Đình- Hà Nội) phải đóng 2,6 triệu đồng tiền học phí khi gửi con tại New Star Kid (Khu Đô thị Bắc Thăng Long). Chị Mai ngậm ngùi: “Tôi phải đóng 2,6 triệu đồng hàng tháng, chưa kể tiền văn phòng phẩm phát sinh. Tôi cũng đã tìm hiểu kỹ rồi mới gửi con vào đây.

Khoảng 2,5-3 triệu đồng/tháng là mức học phí trung bình của các trường mầm non tư thục hiện nay. Thậm chí, học phí của nhiều trường còn lên tới 5-6 triệu đồng/tháng. Trăn trở mãi hai vợ chồng quyết định gửi con về quê học, cuối tuần hai vợ chồng lại về thăm ông bà và con”.

Một thực tế là, càng “lên phố”, càng “khổ” vì nuôi con. Hầu hết mức học phí hàng tháng tại các trường mầm non tư thục đều cao hơn cả một tháng lương của một công nhân viên chức hiện nay.

Những trường mầm non có tiếng như: trường mầm non quốc tế Việt - Pháp hay KinderLand… , học phí là 1000 USD/tháng. Mặc dù khoảng sân chơi ngoài trời dành cho bé không rộng nhưng học phí tại KidLands (Quán Thánh) là 200 USD/tháng, còn tại BabyBears (cơ sở Bùi Thị Xuân) lại thu 570-690 USD/tháng, chưa kể dịch vụ xe, dịch vụ ăn sáng thứ 7, dịch vụ ngoại khóa…

Như vậy, số tiền trung bình mỗi tháng đầu tư cho trẻ đi mẫu giáo cao hơn hẳn so với việc chu cấp cho một sinh viên học đại học. Đối với những sinh viên được coi là con nhà “khá giả” ở quê lên thành phố, chi phí ăn, ở và học phí mỗi tháng cũng chỉ mất khoảng 2 triệu đồng. Còn những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, số tiền các em nhận được mỗi tháng lại eo hẹp hơn rất nhiều.

 “Tôi khổ tâm lắm, bất đắc dĩ mới phải đưa con về quê ăn học vì cho con ở đây, tôi không thể lo được cho nó học hành đầy đủ, bằng bạn bằng bè được thì nghĩ cũng tội cho nó. Có người mẹ nào muốn xa con mình đâu, nhưng vì gánh nặng cuộc sống, đành làm vậy thôi chứ biết làm sao. Nhiều đêm, nằm ngủ mà không thể nhắm mắt được, hình ảnh đứa con nhỏ, không biết giờ này đứa nhỏ đã ăn chưa hay đang làm gì cứ hiện ra trong đầu tôi. Không biết làm gì, tôi chỉ biết lặng thầm khóc trong đêm tối…” chị Hoa bày tỏ.

Mẹ gửi con về cho bà nuôi ăn học, tìm chữ ở quê, còn tình thương…con biết tìm nơi đâu?
Mẹ gửi con về cho bà nuôi ăn học, tìm chữ ở quê,
còn tình thương…con biết tìm nơi đâu?

 Ông bà thành…bảo mẫu

Trong khi các bà trong xóm gọi nhau đi tập thể dục buổi sớm thì bà Na, 66 tuổi (Từ Sơn, Bắc Ninh) lọ mọ dậy bắc nồi cháo cho cháu, dọn dẹp nhà cửa rồi đưa bé đến trường. Bà cho biết, con trai và con dâu bà đều làm công nhân viên chức tại Hà Nội. Anh là cán bộ nghiên cứu, chị là kế toán cho 1 công ty tư nhân. Vì không kham nổi tiền chi phí cho con vào học mầm non tại Hà Nội, hai vợ chồng đành gửi con về quê, nhờ ông bà chăm giúp.

"Ông nhà tôi xin làm làm bảo vệ kiêm lao công ở trường tiểu học gần nhà để kiếm thêm đồng ra đồng vào, một mình tôi chăm thằng bé, nó nghịch lắm, lại lo cơm nước, nên cũng mệt. Nhưng giờ con cái còn trẻ, phải để chúng yên tâm làm kinh tế, có tí vốn mới dễ làm ăn sau này", bà Na tâm sự.

Có 5 người con đều đã lập gia đình nhưng ông bà Kiều (Quỳnh Phụ, Thái Bình) gần 70 tuổi lại ở cùng hai đứa cháu, là con của anh con trai đầu, đang làm ăn ngoài Hà Nội. Bà Kiều bị thoái hóa khớp gối, ông cũng kém mắt nên việc chăm sóc hai cháu (một 2 tuổi, một 5 tuổi) khiến cả hai đều mệt mỏi.

"Nhiều khi chúng tôi thấy cơ cực quá, nhất là lúc các cháu lăn ra cùng ốm", bà Kiều than thở. Con trai và con dâu ông bà, có khi mỗi tháng về một lần; cũng có khi phải tăng ca nên vài tháng mới về một lần. Mỗi lần bố mẹ về thăm là con bé lớn khóc đòi theo, rồi con dâu khóc sụt sùi vì nhớ con. Bà Tư chép miệng: “Vì hoàn cảnh khó khăn mới để mẹ xa con, chứ thấy mẹ nó mỗi lần đi lại khóc đỏ con mắt tôi cũng không cầm được nước mắt”.

Cô Tham, cựu giáo viên giảng dạy tại trường mầm non Tân Hồng (Thái Bình) chia sẻ: Ngày trước, khi tôi còn giảng dạy tại trường, mỗi lớp học chỉ có vài chục người, nay tôi đã về hưu, nhưng tôi cũng không thể tưởng tượng được là số học sinh lại tăng lên như vậy. Phần lớn là do các em từ thành phố tìm về quê học chiếm số đông. Điều này gây ra sự quá tải về số lượng học sinh tại trường cũng như có những ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục của lớp, trường…Điều này làm tôi hết sức lo ngại.

Anh Nguyên