Điểm chuẩn ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng ở một số trường ĐH phía Bắc

30/04/2024 06:10
Châu Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Điểm chuẩn ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tại một số trường đại học phía Bắc đang có xu hướng giảm nhẹ.

Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là một ngành học “hot” trong những năm gần đây khi có sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử và thương mại toàn cầu. Đây là một trong những ngành nghề có nhu cầu nhân lực cao, với triển vọng tăng trưởng ổn định trong tương lai.

Hiện nay rất nhiều trường đại học đang đào tạo ngành này nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội.

Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân gồm 2 chương trình: Chương trình học bằng tiếng Việt và Chương trình học bằng tiếng Anh.

Trong những năm gần đây, điểm chuẩn ngành này tại trường có xu hướng giảm nhẹ.

GDVN_ảnh 1.JPG

Cụ thể, điểm chuẩn của Chương trình học bằng tiếng Việt năm 2021 là 28.3, năm 2022 là 28.2 và năm 2023 là 27.4.

Đối với Chương trình học bằng tiếng Anh (Tiếng Anh nhân hệ số 2), điểm chuẩn năm 2021 là 37.55, năm 2022 giảm nhẹ xuống còn 36.25 và năm 2023 là 36.4.

Tổ hợp xét tuyển cho cho Chương trình học bằng tiếng Việt gồm A00 (Toán, Vật lý, Hóa học), A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh), D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh), D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh).

Với Chương trình học bằng tiếng Anh, các tổ hợp xét tuyển gồm A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh), D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh), D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh), D10 (Toán, Địa lý và Tiếng Anh). Những tổ hợp xét tuyển của 2 chương trình được áp dụng tất cả các năm từ 2021 đến 2024.

Về chỉ tiêu tuyển sinh, Chương trình học bằng tiếng Việt giảm dần qua các năm, từ 130 sinh viên vào năm 2021, giảm xuống còn 125 sinh viên vào năm 2022 và 120 sinh viên vào năm 2023.

Trong khi đó, Chương trình học bằng tiếng Anh lại có sự gia tăng đáng kể, từ 50 vào năm 2021 lên đến 55 vào năm 2022 và tăng mạnh lên 100 vào năm 2023.

Năm 2024, chỉ tiêu của 2 chương trình giữ nguyên như năm 2023, Chương trình học bằng tiếng Việt là 120 chỉ tiêu và Chương trình học bằng tiếng Anh là 100 chỉ tiêu.

Điểm chuẩn ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng của Đại học Bách khoa Hà Nội cũng có thay đổi trong những năm gần đây.

Năm 2021, điểm chuẩn ngành này ở kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 26.3. Dù đã áp dụng phương thức đánh giá tư duy trong phương thức tuyển sinh từ năm 2020, nhưng do tác động bởi dịch Covid-19, nên năm 2021, Đại học Bách khoa Hà Nội không áp dụng xét tuyển qua kết quả thi đánh giá tư duy.

Vào năm 2022, trường tiếp tục thực hiện công tác tuyển sinh dựa trên kết quả thi đánh giá tư duy. Điểm chuẩn năm 2022 của ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng như sau: xét theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 24.51 và xét kết quả thi đánh giá tư duy là 15.03 (trên thang điểm 30).

GDVN_ảnh 2 (1).JPG

Trong năm 2023, điểm chuẩn ngành này được tính theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 25.69 (trên thang điểm 30) và kết quả thi đánh giá tư duy là 52.57 (trên thang điểm 100).

Với phương thức tuyển sinh qua điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tổ hợp môn xét tuyển ngành này năm 2021 bao gồm A00 (Toán, Vật lý, Hóa học), A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh), D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh). Từ năm 2022 trở đi, tổ hợp A00 được thay thành D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh).

Tổ hợp xét tuyển cho phương thức đánh giá tư duy năm 2022 là K00 (Toán, Đọc hiểu, Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh), K01 (Toán, Đọc hiểu, Khoa học tự nhiên), K02 (Toán, Đọc hiểu, Tiếng Anh) và 2023 là K00 (Toán, Đọc hiểu, Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh).

Chỉ tiêu tuyển sinh ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng trong năm 2021 là 80 sinh viên, năm 2022 tăng lên 135 sinh viên và năm 2023 giảm còn 120 sinh viên.

Dự kiến năm 2024, tổ hợp xét tuyển ngành này không thay đổi so với năm 2023, gồm: D07, A01, D01 với xét kết quả thi tốt nghiệp và K00 xét kết quả thi đánh giá tư duy. Chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến sẽ được giữ ổn định ở mức 120 sinh viên.

Được biết, năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội có 3 phương thức tuyển sinh, áp dụng cho tất cả các ngành: Phương thức xét tuyển tài năng; Phương thức xét tuyển theo điểm thi Đánh giá tư duy; Phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến là 9.260 sinh viên.

Vào năm 2021, điểm chuẩn ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng của Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải là 25.7. Năm 2022, trường lấy 25.35 điểm. Đến năm 2023, điểm chuẩn là 24.12.

GDVN_ảnh 3.JPG

Tổ hợp xét tuyển cho các năm từ 2021 đến 2024 không thay đổi, luôn là A00 (Toán, Vật lý, Hóa học), A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh), D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh), D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh). Đây là các môn thi được lựa chọn thường xuyên trong các khối ngành kỹ thuật và công nghệ, nhằm đánh giá năng lực tổng hợp của thí sinh trong các lĩnh vực toán học, khoa học tự nhiên và kỹ thuật.

Chỉ tiêu tuyển sinh ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng của Trường trong năm 2021 là 60. Năm 2022, chỉ tiêu ngành này tăng vọt lên 190, mức này được duy trì cho năm 2023 và 2024. Sự tăng chỉ tiêu cho thấy trường đang mở rộng quy mô tuyển sinh.

Năm 2024, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải dự kiến tuyển 5000 chỉ tiêu với 4 phương thức xét tuyển cơ bản giữ ổn định như năm 2023: xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển học bạ kết hợp; xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 và xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức năm 2024.

Đặc biệt, năm nay trường tuyển sinh thêm 02 chương trình liên kết đào tạo quốc tế (ngành Công nghệ thông tin do Trường Đại học Công nghệ thông tin và quản lý Ba Lan cấp bằng; ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng do Trường Đại học Tongmyong - Hàn Quốc cấp bằng); 03 chương trình định hướng thực tập và làm việc tại Nhật Bản (Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; Công nghệ kỹ thuật Điện tử - viễn thông; Công nghệ kỹ thuật xây dựng Cầu đường bộ) và 01 chương trình tăng cường tiếng Anh (ngành Công nghệ thông tin).

Vào năm 2021, điểm chuẩn ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng của Trường Đại học Thăng Long là 25.65, nhưng đã có xu hướng giảm dần qua các năm tiếp theo. Cụ thể, năm 2022, điểm chuẩn giảm xuống còn 25.25 và tiếp tục giảm nhẹ xuống 24.77 vào năm 2023.

GDVN_Ảnh 4.JPG

Về tổ hợp xét tuyển, Trường sử dụng tổ hợp A00 (Toán, Vật lý, Hóa học), A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh), D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh), D03 (Toán, Ngữ văn, tiếng Pháp) cho các năm 2021 và 2022.

Tuy nhiên, vào năm 2023, tổ hợp xét tuyển có thay đổi nhỏ khi tổ hợp D03 được thay thế bằng D90 (Toán, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên). Đến năm 2024, Trường tiếp tục điều chỉnh tổ hợp xét tuyển thành D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh) thay vì D90.

Chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Thăng Long đã được giữ ổn định ở mức 150 cho cả bốn năm từ 2021 đến 2024.

Năm nay, Trường dự kiến tổng chỉ tiêu là 2800 sinh viên, với 5 phương thức xét tuyển:

ảnh 5.png

Trong năm 2021, điểm chuẩn ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tại Trường Đại học Điện lực là 23.5. Đến năm 2022, điểm chuẩn này tăng lên mức 24.25. Tuy nhiên, vào năm 2023, điểm chuẩn lại giảm xuống còn 23.25.

Tổ hợp xét tuyển áp dụng cho tất cả các ngành, bao gồm Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tại Trường Đại học Điện lực là A00, A01, D01, và D07.

GDVN_ảnh 6.JPG

Năm 2021, ngành có chỉ tiêu là 125 sinh viên. Năm 2022, chỉ tiêu nhích nhẹ lên 130. Năm 2023, chỉ tiêu của ngành tăng mạnh lên 200 sinh viên, dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 210 sinh viên vào năm 2024.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thống kê điểm chuẩn năm 2023, chỉ tiêu và tổ hợp xét tuyển năm 2024 ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng của các trường nêu trên qua bảng biểu để thí sinh thuận tiện theo dõi như sau:

GDVN_Ảnh 7.JPG
Châu Anh