Nếu Bí thư kiêm Hiệu trưởng dễ dẫn đến độc đoán, chuyên quyền

30/05/2022 06:28
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Hồ Văn Thống cho rằng: “Các trường đại học cần thực hiện nhất quán Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch Hội đồng trường theo tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW”.

Từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14), Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật số 34/2018/QH14 (Nghị định số 99/2019/NĐ-CP) ra đời, Hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục đại học ngày càng thể hiện rõ vai trò và nhiệm vụ của mình.

Cũng từ đây, khái niệm người đứng đầu trường đại học hay mối quan hệ phối hợp công tác giữa Ban Giám hiệu và Hội đồng trường trở thành vấn đề được quan tâm, bàn luận sôi nổi.

Tiến sĩ Hồ Văn Thống - Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Hồ Văn Thống - Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp. (Ảnh: NVCC)

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hồ Văn Thống - Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp nói rằng, trong bối cảnh thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định, sự phối hợp nhịp nhàng giữa Ban Giám hiệu và Hội đồng trường sẽ là động lực thúc đẩy nhà trường phát triển theo chiến lược đã đề ra.

Ngược lại, nếu không có sự phối hợp này sẽ là một rào cản rất lớn, tạo nên sự bất đồng với nhiều phe cánh, triệt tiêu sự sáng tạo và lòng nhiệt huyết, kìm hãm sự phát triển của trường.

Hội đồng trường có quyền lực cao hơn

Theo Tiến sĩ Hồ Văn Thống, Luật số 34/2018/QH14 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP được xây dựng trên tinh thần thể chế hóa chủ trương tự chủ đại học của Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện cho các trường thực hiện tự chủ về học thuật, hoạt động chuyên môn, tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính, tài sản trong phạm vi mức độ tự chủ được quy định.

Đây là cơ hội để các trường năng động, sáng tạo trong việc thực hiện quyền và nhiệm vụ của mình.

Theo Luật số 34/2018/QH14, Hội đồng trường - đại diện là Chủ tịch Hội đồng trường với vai trò quản trị cơ sở giáo dục đại học, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu, các bên có lợi ích liên quan.

Ban Giám hiệu - đứng đầu là Hiệu trưởng với vai trò người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của trường, do Hội đồng trường quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận.

“Chúng ta tranh luận rất nhiều về việc giữa Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng trường đại học công lập ai có quyền to hơn ai.

Tôi cho rằng, Chủ tịch Hội đồng trường có quyền to hơn vì ở chức vụ này kiểm soát bằng nghị quyết, bằng chủ trương, và giám sát Ban Giám hiệu thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy, Nghị quyết của Hội đồng trường.

Tuy nhiên, các trường đại học không nên đặt nặng vấn đề ai là người đứng đầu trường đại học mà cần phân định rõ quyền hạn, nhiệm vụ giữa hai chức vụ này.

Đảng ủy, Hội đồng trường cơ sở giáo dục đại học hoạt động theo quy chế tập thể lãnh đạo, chính vì vậy, là Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng trường có nhiệm vụ tham mưu Ban chấp hành, tham mưu cho Hội đồng trường chứ không phải nắm quyền quyết định.

Các trường đại học cần nhất quán thực hiện Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường theo tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW. Hiệu trưởng và Ban giám hiệu thực hiện theo các Nghị quyết đã đề ra, trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phải xin chủ trương của Đảng ủy và Hội đồng trường.

Nếu Bí thư kiêm Hiệu trưởng sẽ dễ dẫn đến độc đoán, chuyên quyền, khi vừa lãnh đạo, vừa thực hiện, vừa giám sát”, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp khẳng định.

Xây dựng quy chế phối hợp giữa Hội đồng trường và Ban Giám hiệu

Cũng Luật số 34/2018/QH14, các trường đại học phải ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường, trong đó phải phân định trách nhiệm và quyền hạn khác giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng.

Tiến sĩ Hồ Văn Thống cho biết, Trường Đại học Đồng Tháp được Bộ Giáo dục và Đào tạo phân loại mức độ tự chủ là đơn vị sự nghiệp công lập, tự chủ một phần kinh phí chi thường xuyên từ năm 2017.

Trường đã xây dựng đề án thành lập Hội đồng trường và được Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định công nhận Hội đồng trường và Chủ tịch Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020-2025 theo đúng tinh thần Luật số 34/2018/QH14 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP.

Nhà trường đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội đồng trường và Ban Giám hiệu.

Cụ thể, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu nắm rõ quy định về chức năng, nhiệm vụ của mình để phối hợp thực hiện nhiệm vụ chung của trường. Không đặt nặng khái niệm người đứng đầu trường đại học, cùng phối hợp hài hòa, phát huy tối đa vai trò của các tổ chức trong Trường Đại học Đồng Tháp, đảm bảo sự liên tục, thống nhất trong sự quản lý, điều hành các hoạt động của Trường.

Bên cạnh đó, kế thừa, phát huy nền tảng, năng lực quản lý, điều hành của Hội đồng trường và Ban Giám hiệu các nhiệm kỳ trước.

“Tuy nhiên, nhà trường cũng gặp phải một số vướng mắc khó khăn.

Ví dụ như việc quyết định về chiến lược, kế hoạch phát triển, kế hoạch hằng năm của trường đại học và tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động hằng năm.

Hội đồng trường sẽ phải ban hành kế hoạch theo năm tài chính trong khi hiệu trưởng điều hành hoạt động theo năm học căn cứ vào chỉ thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ và giải pháp hằng năm.

Kế hoạch hoạt động theo năm học được trao đổi, thảo luận, thống nhất tại Hội nghị viên chức, người lao động vào đầu năm học của trường. Việc này đã gây khó khăn trong điều hành, định hướng nhiệm vụ chung của nhà trường.

Chính vì vậy, cần phải có sự thống nhất, xác định rõ ràng thẩm quyền của Hội đồng trường và Ban giám hiệu trong từng nội dung điều hành lĩnh vực công tác có liên quan”, Tiến sĩ Thống cho biết.

Tiến sĩ Hồ Văn Thống cũng đề xuất 3 kiến nghị trong việc phối hợp hoạt động của Hội đồng trường và Ban Giám hiệu.

Thứ nhất, cần xây dựng quy chế phối hợp giữa Hội đồng trường và Ban Giám hiệu, trong đó phải xác định rõ nguyên tắc, phương thức quan hệ công tác, vai trò, phạm vi và mối quan hệ công tác của các bên.

Tập thể lãnh đạo trường chủ trì xây dựng và ban hành quy chế phối hợp này. Trên cơ sở quy chế phối hợp đã được thống nhất ban hành, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu làm căn cứ để điều hành công tác theo chức năng và phạm vi công tác của mình.

Thứ hai, quy chế tổ chức và hoạt động của trường cần cụ thể hóa các nội dung có liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng trường và Ban giám hiệu để theo đó, có sự thống nhất trong thực hiện, tránh những xung đột, mâu thuẫn hoặc chồng chéo trong giải quyết công việc chung của nhà trường.

Thứ ba, khi có vấn đề phát sinh ngoài kế hoạch, định hướng của nhà trường hoặc chưa được quy định trong quy chế phối hợp thì Tập thể lãnh đạo trường cùng ngồi lại với nhau để phân tích rõ tính chất, mức độ, nội dung công việc và thống nhất phương án thực hiện. Tất cả phải cùng hướng đến mục tiêu chung vì sự phát triển của nhà trường.

Kết quả hoạt động của nhà trường là sự tổng hòa nhiều vấn đề, nhiều mối quan hệ trong tập thể, trong đó mối quan hệ giữa Hội đồng trường và Ban giám hiệu là rất quan trọng.

Mối quan hệ giữa Hội đồng trường và Ban Giám hiệu nếu giải quyết tốt sẽ là “đòn bẩy” thúc đẩy hoạt động của nhà trường ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, đúng pháp luật hơn bởi mọi hoạt động của Ban giám hiệu đều được Hội đồng trường giám sát, xem xét, phân tích kỹ lưỡng trước khi quyết định.

Phạm Minh