Nhiều người dân vẫn không biết cán bộ có bao nhiêu tài sản
Luật phòng chống tham nhũng đã quy định rõ việc kê khai và công khai tài sản cán bộ. Tuy nhiên người dân khó mà biết được.
Cũng không ít cán bộ có dấu hiệu kê khai tài sản không trung thực, nhưng chỉ khi bị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện, thì người dân mới biết được cán bộ vi phạm kê khai tài sản và người đó có những tài sản gì.
Không chỉ người dân, mà ngay cả cán bộ công tác cùng cơ quan với người có trách nhiệm kê khai tài sản cũng khó mà biết, hoặc không có điều kiện tiếp cận với bản kê khai tài sản của đồng nghiệp, lãnh đạo.
Các vấn đề cán bộ, đảng viên buộc phải công khai để nhân dân giám sát |
Ngay bản thân người kê khai tài sản có khi cũng không muốn tài sản của mình được công chúng biết đến (trừ những thời điểm buộc phải kê khai, công khai tài sản) vì ngại phiền phức hoặc lấy lý do, tài sản đó là bí mật đời tư được hiến pháp 2013 quy định.
Thậm chí, có trường hợp, khi có kết luận kiểm tra, thanh tra; kết quả giải quyết những vấn đề bức xúc, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân về những vi phạm của cán bộ, thì văn bản đó cũng được đóng dấu tối mật theo kiểu chả dại gì mà “vạch áo cho người xem lưng”.
Từ thực tế trên có thể thấy, sự ra đời của Quyết định số 99 của Ban Bí thư, trong đó có nội dung về công khai tài sản cán bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng; cổng thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở cơ quan... đã nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận của cử tri và Đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (ảnh: quochoi.vn). |
Phải công khai tài sản cán bộ mọi lúc mọi nơi
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, hôm 19/10, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng, hiện nay việc công khai, minh bạch tài sản thu nhập cán bộ là một trong những nội dung còn rất hạn chế trong Luật phòng chống tham nhũng.
“Có trường hợp tài sản của cán bộ vẫn đóng dấu mật, kê khai xong đút vào ngăn kéo. Cho nên người dân có muốn cũng không thể biết, giám sát được cán bộ của mình có bao nhiêu tài sản.
Lại có ý kiến cho rằng, theo quy định của Hiến pháp 2013, thì việc công khai tài sản là xâm phạm bí mật đời tư của cán bộ, nên chỉ cần công khai ở mức độ nào đó thôi.
Ông Trần Quốc Thuận lo lắng cho người dân khi chống tiêu cực của cán bộ |
Khi đề, bạt bổ nhiệm người ta cũng công khai tài sản, nhưng sau đó lại thu hồi lại ngay.
Do vậy, số lượng người dân biết đến tài sản của cán bộ rất hạn chế.
Câu chuyện đặt ra là, việc công khai tài sản mang tính nửa vời như vậy sẽ không có hiệu quả khi thực hiện phòng chống tham nhũng.
Do đó, việc ra đời quyết định số 99 của Ban Bí thư là hoàn toàn đúng đắn. Tôi đồng tình và ủng hộ quan điểm này”, ông Xuyền cho biết.
Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội đánh giá cao vai trò của người dân trong việc giám sát kê khai, công khai tài sản của cán bộ.
“Công khai tài sản của cán bộ để người dân giám sát thì tốt quá! Phải là người dân giám sát thì mới mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng chống tham nhũng.
Mà muốn người dân giám sát tài sản cán bộ có hiệu quả thì phải công khai rộng rãi hơn và không thể khống chế về mặt thời gian.
Hay nói cách khác, công khai tài sản cán bộ cũng cần thực hiện theo nguyên tắc công khai mọi lúc, mọi nơi.
Ví dụ, người dân muốn biết tài sản của cán bộ thì chỉ cần vào google.com.vn là biết tài sản của cán bộ đó bao nhiêu, tài sản biến động ra sao để thực hiện giám sát có hiệu quả hơn”, Đại biểu Bùi Văn Xuyền nói.
Vị Đại biểu Quốc hội không đồng tình với quan điểm cho rằng tài sản cán bộ là bí mật đời tư nên không được phép công khai hoặc công khai có chừng mực.
"Nếu là người dân thì anh có quyền bảo mật về thông tin tài sản trừ trường hợp người đó vi phạm pháp luật.
Nhưng anh là cán bộ công chức thì phải tuân thủ theo luật cán bộ công chức và chấp nhận chuyện đó (chuyện công khai tài sản).
Trường hợp lấy lý do tài sản cán bộ có liên quan tới quy định bảo mật đời tư theo hiến pháp, nên chỉ cần công khai ở mức độ nào đó thôi, thì anh đừng làm cán bộ công chức nữa mà nên đi làm người dân bình thường.
Yêu cầu công khai tài sản theo quyết định nói trên, giống như tiêu chí đề ra khi xét tuyển vào ngành công an, quân đội, người xét tuyển phải chấp nhận một số điều kiện quy định có tính đặc thù của ngành”, Đại biểu Bùi Văn Xuyền phản biện.
Đại biểu Xuyền cho biết thêm, trong kỳ họp tới, Quốc hội sẽ cho ý kiến, tập trung vào việc sửa công khai, minh bạch về tài sản cán bộ.