Nếu dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, giáo viên muốn dạy cần gì?

24/05/2023 06:32
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Khi dạy thêm, học thêm trở thành một ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới, nếu không quản lý tốt sẽ dẫn đến tình trạng chạy chọt, mua bán giấy phép con.

Trước ý kiến đề xuất của cử tri một số địa phương liên quan vấn đề dạy thêm, học thêm, mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đồng thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm (sửa Thông tư số 17).

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Mai Thị Kim Sa - Trưởng văn phòng Luật sư Mai Thị Kim Sa, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh đã có một số chia sẻ dưới góc độ pháp lý về vấn đề này.

Theo Luật sư Kim Sa, đối với vấn đề này, theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2020: để được công nhận là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì ngành nghề đó phải đáp ứng các tiêu chí như sau:

Thứ nhất, việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Thứ hai, phải được quy định tại phụ lục số IV của Luật Đầu tư năm 2020.

Thứ ba, phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư.

Luật sư Mai Thị Kim Sa - Trưởng Văn Phòng Luật sư Mai Thị Kim Sa, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Luật sư Mai Thị Kim Sa - Trưởng Văn Phòng Luật sư Mai Thị Kim Sa, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó vị này cũng nêu quan điểm, trong Luật Đầu tư 2020 cũng quy định thêm rằng, khi các cơ sở, tổ chức hoạt động kinh doanh có điều kiện thì cần phải đáp ứng các điều kiện đầu tư như: đối tượng và phạm vi áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh, hình thức áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh, nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh, hồ sơ, trình tự, thủ tục hành chính để tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh (nếu có).

Cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đối với điều kiện đầu tư kinh doanh, thời hạn có hiệu lực của giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận khác (nếu có) thông qua các hình thức giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hay văn bản chấp thuận (hay còn gọi là giấy phép con).

Song song với đó, các cơ sở, tổ chức còn phải đáp ứng các yêu cầu khác mà không cần phải có xác nhận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Tùy thuộc vào ngành nghề đăng kí hoạt động pháp luật chuyên ngành điều chỉnh về các điều kiện cụ thể khác.

Qua đó, vị Trưởng văn phòng Luật sư Mai Thị Kim Sa cho rằng, nếu hoạt động dạy thêm, học thêm trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì các đối tượng tham gia hoạt động này cần phải có các điều kiện sau:

Thứ nhất, các giáo viên phải đáp ứng được bằng cấp đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với từng cấp học theo quy định của Luật Giáo dục. Điều này là để chứng minh giáo viên đó có đủ năng lực để thực hiện việc giảng dạy hoặc những cá nhân tốt nghiệp những ngành nghề khác nhưng muốn mở cơ sở dạy thêm thì nên có thêm các chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để có thể vận dụng kiến thức chuyên môn vào giảng dạy một cách hiệu quả nhất.

Thứ hai, cần phải có giấy phép hoạt động dạy thêm học thêm được đề cập trong Thông tư 17/2012.

Thứ ba, có thể quy định thêm một số chứng chỉ về chất lượng giảng dạy của các giáo viên để có thể cụ thể hóa chất lượng trong quá trình dạy học.

Từ đó, Luật sư Kim Sa nhận định: "Có thể nói, trong các hoạt động kinh doanh có điều kiện hiện nay, việc sử dụng giấy phép con phục vụ cho các hoạt động này vẫn còn phổ biến. Trước việc này, Nhà nước cũng đã tăng cường việc giám sát và cải tiến về Luật để việc cấp các giấy phép con này trở nên chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn.

Nếu đề xuất này đi vào thực tiễn thì đây sẽ là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới. Tuy nhiên, đây là hoạt động liên quan đến chất lượng giáo dục con người, nên nhất thiết phải có sự thanh tra, giám sát, quản lý từ các cơ quan nhà nước. Nếu việc thanh tra, giám sát không được thực hiện thường xuyên, thì rất dễ tạo ra kẻ hở để xảy ra tình trạng “chạy chọt”, mua bán giấy phép con nhằm hợp thức hóa trong hoạt động dạy thêm, học thêm".

Ảnh minh họa: Báo Đại đoàn kết

Ảnh minh họa: Báo Đại đoàn kết

Từ những quan điểm trên, Luật sư Mai Thị Kim Sa cũng đã có một số chia sẻ dưới góc độ là một phụ huynh về đề xuất này của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

"Nhìn chung, với điều kiện giáo dục hiện nay, khi việc dạy thêm ngày càng trở nên phổ biến ở nhiều địa phương do nhu cầu học thêm của học sinh ngày càng tăng cao thì hoạt động dạy thêm ra đời để đáp ứng các nhu cầu bức thiết đó là điều dễ hiểu.

Xuất phát từ nhu cầu học thêm tăng cao, dẫn đến các cơ sở dạy thêm mở ra ngày càng nhiều. Thậm chí, có người còn lợi dụng "mác" thầy, cô để tổ chức, thực hiện hoạt động giảng dạy, lôi kéo hoặc ép buộc học sinh phải đi học thêm, nên đề xuất liên quan đến hoạt động dạy thêm học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đời vào thời điểm này hoàn toàn là cần thiết.

Tuy nhiên, hoạt động này cần được quan tâm, kiểm soát chặt chẽ bởi các cơ quan chuyên môn để nó đi đúng chiều hướng, với mục đích ban đầu là cung cấp hoạt động giảng dạy, cung cấp tri thức cho học sinh, sinh viên theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục và Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT", vị Trưởng Văn Phòng Luật sư Mai Thị Kim Sa cho hay.

Bên cạnh đó, Luật sư Kim Sa cũng nhấn mạnh rằng, khi đưa vào thực tiễn, các cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu đến yếu tố phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của người học, để đảm bảo được ở nơi đâu cũng được cung cấp hoạt động giảng dạy.

Ngoài ra, vị này cũng cho rằng, khi đã trở thành một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bắt buộc các cơ sở tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải đáp ứng các tiêu chí hoạt động, dưới sự quản lý, giám sát chặt chẽ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Từ đó mới hy vọng, hoạt động dạy thêm, học thêm đạt hiệu quả thực chất và có ý nghĩa thiết thực về mặt giáo dục.

Đối với các bậc phụ huynh, khi cho con tham gia học thêm thì cần tỉnh táo để lựa chọn các cơ sở uy tín, được cấp phép để việc đầu tư cho con cái học hành không bị lãng phí về thời gian và tiền của.

Trung Dũng