Tôi ủng hộ đề xuất của Bộ GD đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện

17/05/2023 06:40
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các chuyên gia cho rằng, có việc giáo viên cố tình dạy chương trình chính khóa hời hợt để "ép" học sinh học thêm, gây ra sự mất công bằng trong giáo dục.

Trước ý kiến đề xuất của cử tri một số địa phương liên quan vấn đề dạy thêm, học thêm, mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đồng thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm (sửa Thông tư số 17).

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương - Phó Viện trưởng, Viện Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, đề xuất này của Bộ Giáo dục và Đào tạo là xuất phát từ thực tiễn bức thiết của phụ huynh, song cần có phương án quản lý để việc dạy thêm không trở thành "biến tướng", ép buộc học sinh.

Phó Giáo sư Đỗ Minh Cương nhấn mạnh thêm: "Khi điều kiện kinh tế phát triển, nhu cầu cho con đi học thêm để bổ sung kiến thức là nhu cầu chính đáng của rất nhiều phụ huynh.

Khi các phụ huynh cho rằng, với thời lượng trong chương trình chính khóa không thể đảm bảo được thì việc tìm cơ sở để cho con đi học thêm cũng là điều dễ hiểu. Ngoài ra, nhu cầu học thêm không chỉ ở những môn đã học mà với các bộ môn khác để mở rộng kiến thức".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương - Phó Viện trưởng, Viện Văn hóa kinh doanh. Ảnh: qdnd.vn
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương - Phó Viện trưởng, Viện Văn hóa kinh doanh. Ảnh: qdnd.vn

Cũng theo Phó Giáo sư Đỗ Minh Cương, lâu nay trong việc này vẫn có một số điểm cấm, từ đó việc dạy thêm của một số giáo viên trở thành một hoạt động vi phạm pháp luật và cũng không có giá cả, biểu giá cụ thể quy định.

Thực tế, dù có cấm thì vẫn có hiện tượng tổ chức dạy thêm trái phép né tránh cơ quan chức năng, từ đó mức thu phí học thêm cũng nhiễu loạn không thể kiểm soát.

"Điều này sẽ gây thiệt thòi trước hết là với học sinh, phụ huynh, thậm chí là với các giáo viên dạy thêm dưới dạng hợp đồng với các cơ sở tổ chức hoạt động học thêm, dạy thêm.

Vì thế, tôi cho rằng việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Quốc hội để đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện là hợp lý, tôi hoàn toàn ủng hộ", vị Phó Viện trưởng, Viện Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cho biết.

Qua đó, Phó Giáo sư Đỗ Minh Cương cũng nêu lập luận, nếu công nhận dạy thêm, học thêm là một "ngành nghề kinh doanh" thì bắt buộc phải đưa nó vào khuôn khổ và phải có sự kiểm soát tốt để không gây ra các hệ lụy.

Vị này cho rằng, nhất thiết phải có sự quản lý nhà nước trong việc tổ chức dạy thêm, học thêm. Đơn cử như việc, không vì việc dạy thêm, học thêm được công nhận mà để xảy ra trường hợp, các giáo viên "ép" học sinh. Thậm chí là cố dồn học sinh để cho đủ lớp, tăng doanh thu thông qua việc dạy thêm bằng mọi cách.

Phó Giáo sư Đỗ Minh Cương lưu ý: "Vì là ngành nghề kinh doanh nên sẽ có doanh thu, điều này sẽ tạo ra nhiều biến tướng nếu việc này không được quản lý chặt chẽ. Rất có thể xảy ra trường hợp, có giáo viên dạy chương trình chính khóa một cách hời hợt để bắt học sinh phải học thêm trong các lớp học của mình mới đủ kiến thức. Với các đối tượng là học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn không đủ điều kiện học thêm thì đây rõ ràng là điều không công bằng".

Qua đó, vị này nêu góp ý về việc nâng lên các mức xử phạt với các đơn vị tổ chức dạy thêm vi phạm nếu đề xuất này của Bộ Giáo dục và Đào tạo được đưa vào thực tiễn. Đồng thời cho rằng, cần nâng cao đạo đức giáo viên, có hình thức cấm tổ chức dạy thêm vĩnh viễn đối với giáo viên mở lớp dạy thêm nhưng "ép" học sinh học thêm.

"Ngoài việc ký cam kết không vi phạm đối với các cơ sở tổ chức dạy thêm thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên đưa ra các khung và mức giá chung đối với việc dạy thêm để phụ huynh có thể nắm bắt.

Cách thức thu tiền ra sao, mức thu như thế nào cũng cần được đưa ra thảo luận và bàn bạc kỹ lưỡng. Nó phải dựa trên nguyên tắc là đảm bảo quyền lợi và công sức của người lao động nhưng cũng không quá cao so với mức thu nhập bình quân của người dân. Hoặc nếu có thu mức phí dạy thêm cao cũng đồng nghĩa với việc các cơ sở dạy thêm đó phải cam kết về chất lượng.

Quan trọng nhất vẫn là thái độ, đạo đức của những người làm nghề. Bởi lẽ khi học thêm, dạy thêm trở thành một ngành nghề kinh doanh thì sẽ rất dễ bị chi phối bởi quy luật thị trường.

Bên cạnh đó, nếu áp dụng vào thực tiễn thì Bộ cũng nên mở thêm các cổng thông tin góp ý, phản ánh của phụ huynh, học sinh về các đơn vị, lớp dạy thêm có biểu hiện vi phạm. Đồng thời, công bố rộng rãi các sơ sở dạy thêm uy tín để phụ huynh được biết

Quan trọng nhất là cần nhanh chóng xử lý những trường hợp vi phạm để không tạo ra việc "nhờn luật", gây ra bức xúc trong dư luận", Phó Giáo sư Đỗ Minh Cương nhấn mạnh thêm.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tế - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc dạy thêm bắt buộc phải có sự quản lý của nhà nước và phải được kiểm soát tốt, tránh trường hợp "có cầu ắt có cung" diễn ra tràn lan.

Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Tế nhận định: "Lâu nay chúng vẫn xem giáo dục là một ngành nghề đặc biệt bởi vì nó có những yếu tố rất khó quản lý theo các thông thường như những ngành nghề khác.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tế - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh Trung Dũng
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tế - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh Trung Dũng

Qua đó, tôi cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cân nhắc thật kỹ nếu muốn đưa đề xuất này vào thực tiễn. Vấn đề quan trọng trong hoạt động dạy thêm, học thêm vẫn là chất lượng. Rõ ràng, nếu quản lý không tốt thì chắc chắn chất lượng không thể nào đảm bảo được".

Từ nhận định trên, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh lo ngại, nếu việc quản lý không tốt công tác dạy thêm, học thêm nếu công nhận đó là một ngành nghề kinh doanh thì rất dễ dẫn đến tình trạng "thương mại hóa" giáo dục.

"Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy là dạy thêm, học thêm tràn lan, mất kiểm soát. Cứ có tiền là mở lớp, mở trung tâm rồi thuê giáo viên về dạy mà không ai biết được trong mỗi buổi học như thế ra sao.

Chưa kể, khi "mở cửa" cho việc dạy thêm thì số lượng trung tâm, lớp dạy thêm cũng tăng lên nhanh chóng, khi ấy việc đảm bảo chương trình dạy ở mỗi trung tâm có đồng nhất với khung chương trình chung hay không hay lại khiến học sinh bị loạn kiến thức. Đó cũng là điều các cơ quan quản lý, đề xuất nội dung trên cần lưu ý", Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Tế chia sẻ thêm.

Trung Dũng