Nếu dạy thử sách giáo khoa để chọn hãy để giáo viên chúng tôi tự tổ chức dạy

27/12/2019 06:44
Phan Tuyết
(GDVN) - Giáo viên quan sát cách hướng dẫn học sinh học của những nhà biên soạn sách chắc chắn sẽ có được những nhận xét vô cùng thấu đáo và chính xác.

Chỉ còn dăm tháng nữa chương trình mới sẽ được triển khai tại khối lớp 1 ở bậc tiểu học.

Nhưng tại thời điểm này vẫn chưa đi đến thống nhất việc chọn sách giáo khoa thế nào cho hợp lý.

Giáo viên vẫn muốn được dạy thử hoặc được dự chính tác giả biên soạn sách dạy trước khi chọn (VTVNeWS)
Giáo viên vẫn muốn được dạy thử hoặc được dự chính tác giả biên soạn sách dạy trước khi chọn (VTVNeWS)

“Ý kiến của các nhà trường và giáo viên đều cho rằng lựa chọn sách giáo khoa là khâu cuối cùng.

Để có cơ sở cho việc lựa chọn này thì quan trọng là giáo viên và học sinh phải được tiếp cận, dạy thử nghiệm từng sách giáo khoa.

Nhất là trong hội đồng có đại diện cha mẹ học sinh, chắc chắn họ cũng phải được dự giờ các tiết dạy thử, họ cũng phải nghe con họ nói con thích học sách nào để có ý kiến xác đáng”.{1}

Nếu dạy thử sách giáo khoa để chọn hãy để giáo viên chúng tôi tự tổ chức dạy

Dạy thử sách giáo khoa sẽ giúp cho việc lựa chọn sách được chính xác, điều này không ai có thể chối cãi được. Thế nhưng, dạy thử như thế nào? Ai tổ chức dạy thử? Quy trình dạy thử ra sao lại chẳng hề đơn giản.

Nếu dạy thử sách giáo khoa để chọn hãy để giáo viên chúng tôi tự tổ chức dạy ảnh 2
Rồi sẽ trăm dâu đổ đầu học sinh nếu chọn sách kiểu đoán mò!

Vì sao chúng tôi nói nhiều đến chuyện này?

Vì trong thực tế, việc dạy thử mà theo sự chỉ đạo từ cấp trên xuống gần như chưa dạy cũng biết được ngay kết quả.

Chúng tôi chắc chắn một điều, mọi đánh giá đều chỉ từ tốt trở lên đến hoàn hảo. Và như thế, việc dạy thử cũng như không nếu không muốn nói là tác dụng ngược lại.

Nhiều người sẽ nghi ngờ và chất vấn: “Nói có sách, mách có chứng”. Vậy dựa vào đâu mà chúng tôi lại dám nói như thế?

Xin thưa! Dựa vào 2 lần thay sách gần đây, dựa vào việc thí điểm chương trình giáo dục theo mô hình mới VNEN mới đây, dựa vào nhiều lần thay đổi phương pháp và hình thức dạy học trong các nhà trường.

Những lần ấy, chúng tôi cũng được dạy thử, được nghe góp ý để rút ra những ưu và khuyết điểm nhưng bao giờ cũng chỉ là ưu điểm còn những khuyết điểm tồn tại chỉ là nhỏ thôi, không đáng kể gì.

Vì sao lại thế? Vì giáo viên dạy đã được nhà trường chọn kĩ từ giáo viên, học sinh đến đồ dùng, trang thiết bị phục vụ tiết dạy (đó phải là người có chuyên môn cứng, có tay nghề và kinh nghiệm vững vàng, là lớp học tốt nhất trong khối, là đồ dùng, trang thiết bị tốt nhất…).

Trước đây, đã từng có trường còn chọn học sinh nổi trội của từng lớp gom lại thành một lớp để dạy. Những học sinh yếu kém cho “nghỉ hưu” ngay buổi học đó.

Bài dạy biết trước cả tháng, tập dợt hằng ngày đến nhuần nhuyễn. Thiết kế bài dạy là sự cộng hưởng chất xám của nhiều cốt cán của nhiều tổ, của Ban giám hiệu nhà trường.

Do được chuẩn bị kĩ càng từ “chân đến răng”, thế nên tiết dạy nào cũng tốt, phương pháp dạy nào cũng hay, mô hình dạy học nào cũng hiệu quả.

Trong những biên bản sau mỗi tiết dự giờ hay tổng kết các mô hình, phương pháp…toàn cơn “mưa” lời khen.

Nhưng thực tế đã trả lời như chương trình hiện hành giờ mới bị bóc trần: “Toán tiểu học khó đến mức chỉ giáo sư mới hiểu”.

Nếu dạy thử sách giáo khoa để chọn hãy để giáo viên chúng tôi tự tổ chức dạy ảnh 3
Giáo viên mong muốn được dạy thử trước khi lựa chọn sách giáo khoa

Mô hình VNEN thì thất bại thảm hại, phương pháp Bàn tay nặn bột là nỗi ám ảnh của giáo viên.

Thế nên chúng tôi mới nói: “Nếu dạy thử sách giáo khoa để chọn hãy để giáo viên chúng tôi tự tổ chức dạy”.

Nếu được chính tác giả viết sách sẽ dạy thử nghiệm cho học sinh để giáo viên quan sát thì còn gì bằng?

Theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên, nhiều nhóm tác giả sách giáo khoa rất muốn tiếp cận với các nhà trường để giới thiệu về sách và chính tác giả viết sách sẽ dạy thử nghiệm cho học sinh để giáo viên quan sát”. {2}

Nếu được nhóm tác giả sách giáo khoa giới thiệu về sách và chính tác giả viết sách sẽ dạy thử nghiệm cho học sinh để giáo viên quan sát thế thì còn gì bằng.

Điều này, sẽ không có sự chuẩn bị trước về học sinh nên không có chuyện gà bài, mớm bài…

Giáo viên quan sát cách hướng dẫn học sinh học của những nhà biên soạn sách chắc chắn sẽ có được những nhận xét vô cùng thấu đáo và chính xác.

Những ưu điểm, thế mạnh sẽ được bộc lộ, những tồn tại của cuốn sách ấy cũng sẽ không thể che giấu. Và những thắc mắc của giáo viên sẽ được chính các tác giả giải đáp ngay tại chỗ.

Chúng tôi nghĩ và chắc chắn như thế, đây sẽ là cách làm “nhất cử lưỡng tiện”cần được triển khai đại trà.

Tài liệu tham khảo:

http://nhipsonghomnay.vn/doi-song-xa-hoi/giao-duc/giao-vien-muon-day-thu-sach-giao-khoa-truoc-khi-lua-chon.html{1,2}

Phan Tuyết