Rồi sẽ "trăm dâu đổ đầu học sinh" nếu chọn sách kiểu đoán mò!

26/12/2019 06:38
Như Hải
(GDVN) - Hội đồng chọn sách giáo khoa có gần 2 tháng để hiểu 5 bộ sách với 32 cuốn để chọn sách phù hợp nhất cho trường của mình là quá ngắn.

Hiện nay Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến đóng góp. Theo kế hoạch đến ngày 30/1/2020 sẽ hết hạn góp ý. Tuy nhiên, đến trước tháng 4/2020 các cơ sở giáo dục phải lựa chọn xong sách giáo khoa.

Theo dự thảo, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông (sau đây gọi là Hội đồng) do người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông thành lập, giúp cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.

Mỗi trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông thành lập 1 (một) Hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 (một) Hội đồng.

Việc chọn lựa sách giáo khoa để giảng dạy tại các trường phổ thông hiện nay được dư luận quan tâm (ảnh chỉ mang tính minh họa - NH).
Việc chọn lựa sách giáo khoa để giảng dạy tại các trường phổ thông hiện nay được dư luận quan tâm (ảnh chỉ mang tính minh họa -  NH).

Hội đồng bao gồm: người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) có sách giáo khoa lựa chọn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh trường.

Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 (mười một) người, trong đó có ít nhất 2/3 (hai phần ba) là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên.

Như vậy có thể thấy, thành phần tham gia lựa chọn sách giáo khoa rất đa dạng. Và khi đọc dự thảo có thể hiểu công tác chọn sách giáo khoa là dân chủ, phát huy tính tích cực, chủ động của các cơ sở giáo dục nhưng vẫn khiến nhiều người lo lắng.

Được biết, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thẩm định cho phép 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 với 32 cuốn sách được sử dụng cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Về lý thuyết, những người tham gia chọn sách giáo khoa phải am hiểu tinh thần triết lý của 5 bộ sách và 32 cuốn sách trên thì mới lựa chọn đúng.

Phản biện hay tiếp thị sách!
Phản biện hay tiếp thị sách!

Tuy nhiên, với khoảng thời gian gần 2 tháng sau Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông được ban hành việc chọn sách giáo khoa hoàn tất.

Liệu thời gian ngắn vậy để những người trong hội đồng hiểu sách giáo khoa.

Đây là bài toán đặt ra thực sự khó khăn đối với những người cầm cân, nảy mực chọn sách giáo khoa cho trường mình.

Chưa nói, để hiểu một cuốn sách, không thể chỉ có việc ngồi đọc mà cần phải có thực nghiệm tại chính cơ sở giáo dục.

Trong khi, đối tượng học sinh lớp 1 của năm 2020 chưa tuyển sinh, còn những học sinh đang ngồi học lớp 1 hiện tại đã học gần xong chương trình phổ thông hiện hành.

Do đó, để đánh giá sách giáo khoa phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương; Phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông là một thử thách quá lớn đối với hội đồng chọn sách.

Về lý thuyết, cả 5 bộ sách với 32 cuốn đều đạt chuẩn để áp dụng giảng dạy trong chương trình phổ thông mới. Nhưng cái mà phụ huynh học sinh yêu cầu là phương án tốt nhất cho chính học sinh tại địa phương.

Những băn khoăn, lo lắng của các bậc phụ huynh không thừa vì những tồn tại hạn chế của sách giáo khoa chương trình phổ thông hiện hành đã được nhiều nhà khoa học chỉ ra là những bài học nhãn tiền.

Để hiểu tất cả bộ sách trên rồi phân tích, đánh giá phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương; Phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông, cân đong đo đếm quả thực là rất khó.

Trong bối cảnh, nhiều đơn vị xuất bản, nhiều nhóm tác giả tăng tốc quảng bá bộ sách thì thông tin càng nhiễu loạn, khó để chú tâm, phân tích một cách khoa học.  

Nếu người chọn sách thì chưa hiểu được sách nhưng buộc phải chọn kịp tiến độ khác nào chọn tù mù, nhắm mắt bốc bừa.

Và khi điều đó xảy ra hệ lụy của việc chọn sách chưa phù hợp sẽ phát sinh. Chưa nói đến cảnh, một trường mỗi ý, một trường một phương án đến lúc đó cơ quan quản lý cũng khó để kiểm soát tình hình và kết cục sẽ là “trăm dâu đổ đầu giáo viên, học sinh”.

Như Hải