LTS: Sở dĩ ông cha ta từ xưa đến nay thường coi nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, bởi đó là nghề trồng người.
Người giáo viên đứng trên bục giảng không chỉ có kiến thức rộng, tầm nhìn sâu sắc mà còn là một tấm gương sáng về nhân cách và phẩm hạnh.
Nhằm đưa ra lời khuyên, lời chia sẻ đối với các bạn trẻ - những người sẽ trực tiếp "gánh trên vai trọng trách" vô cùng quan trọng, tác giả Nguyễn Cao đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài thơ ý nghĩa về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài thơ.
Nếu học giỏi em hãy vào sư phạm
Bởi ngày mai bớt cực trước học trò
Thời hiện đại có nhiều em giỏi lắm
Nếu mơ hồ em dạy dỗ cho ai.
Nếu học dở nên mới vào sư phạm
Anh khuyên em phải suy nghĩ thêm nhiều
Với tri thức không thể nào ngờ nghệch
Lúc làm thầy tất yếu bị coi khinh.
Nếu nghèo khó mà em vào sư phạm
Để mỗi năm đỡ được mấy triệu đồng
Thương cha mẹ cấy cày luôn vất vả
Em đã lầm…chỉ khổ mẹ, khổ cha…
Nếu giàu có em hãy vào sư phạm
Kẻo mai đây xin việc phải cần giàu
Em nghèo khó…bộ hồ sơ để đó
Chẳng bao giờ cơ hội đến đâu em.
Em nóng tính em đừng vào sư phạm
Chỉ một phút nóng thôi em có thể mất nghề
Em phải biết làm quen điều dị ứng
Lí thuyết, cuộc đời khác lắm đó nghe em.
Nếu sợ khổ em đừng vào sư phạm
Dạy dỗ xong em thường phải họp hành
Ngày chủ nhật có thể thành xa lạ,
Đêm chấm, soạn bài chẳng ngơi nghỉ đâu em.
Nếu muốn sướng em đừng vào sư phạm
Ngoài đồng lương em chẳng kiếm thêm gì
Quần áo có cũ, nhàu nên ủi lại
Cơm quán, phở đường thua hẳn gói… mì tôm.
Rồi mai mốt nhớ lựa người yêu nhé
Thứ tình yêu sách vở chẳng lợi gì
Em phải biết lựa người sao cho hợp
Nếu mất hợp đồng có chỗ dựa nghe em.
Rồi mai mốt, biết đâu rồi…mai mốt
Ngành giáo hôm nay thay đổi đến bất ngờ
Nghề sư phạm trở về “nghề cao quý”
Ta chở Đạo – Đời trong tâm thế… ngày xưa.