Nếu nhóm ngành sức khỏe thi riêng, trường tốp dưới lo khó cạnh tranh

16/12/2022 06:33
Hoài Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu trường ngành sức khỏe tập trung tổ chức một kỳ thi, rồi từng trường dùng kết quả ấy xét tuyển riêng sẽ khiến những trường tốp dưới trong khối khó cạnh tranh.

Tuyển sinh ngành sức khỏe gặp khó

Kỳ tuyển sinh đại học vừa qua, nhiều trường đại học đào tạo khối ngành sức khỏe loay hoay vì thiếu chỉ tiêu, phải tuyển sinh bổ sung với số lượng lớn.

Theo ông Nguyễn Hồng Dũng, Phó trưởng Khoa Y, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Năm nay trường tuyển 200 chỉ tiêu ngành điều dưỡng nhưng đến hết đợt 1, chỉ tuyển được 50 chỉ tiêu. Vì thế, nhà trường đã phải thông báo tuyển sinh bổ sung cho hai ngành điều dưỡng và y học cổ truyền.

Tương tự, ở thời điểm xét tuyển bổ sung, nhiều cơ sở giáo dục có đào tạo ngành sức khỏe khác như: Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Trường Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Trưng Vương, Trường Đại học Phenikaa, Trường Đại học Trà Vinh,... đều phải thông báo tuyển sinh bổ sung các ngành về sức khỏe vì chưa đủ chỉ tiêu.

Giờ học với thiết bị thực hành của sinh viên khối ngành sức khỏe. Ảnh: Trường Đại học Đại Nam

Giờ học với thiết bị thực hành của sinh viên khối ngành sức khỏe. Ảnh: Trường Đại học Đại Nam

Nhiều ý kiến cho rằng, việc có điều chỉnh trong phương thức tuyển sinh là nguyên nhân chính khiến cho các trường khó kiểm soát số lượng đầu vào. Nếu như những năm trước, các trường chỉ tiến hành lọc ảo với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp thì năm nay mọi phương thức tuyển sinh phải đưa lên hệ thống xét tuyển chung.

Vì vậy, có trường hợp thí sinh trúng tuyển sớm hoặc thí sinh tự do đủ điều kiện nhập học nhưng quên không nhập nguyện vọng trên hệ thống nên bị loại. Nhiều trường có số lượng thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm cao, khi đưa lên hệ thống lọc ảo chung thì giảm gần một nửa và số lượng thí sinh nhập học thực tế lại thấp hơn dự kiến.

Bên cạnh quy chế xét tuyển, việc tăng học phí của các trường đào tạo nhóm ngành sức khỏe cũng trở thành rào cản gây ra sự chuyển hướng của thí sinh. Dù hạ điểm chuẩn, nhiều học sinh vẫn không mặn mà với khối ngành này.

Em Hoàng Nhật Anh (tỉnh Yên Bái) chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam: “Là học sinh của lớp chuyên Sinh nhưng em chưa bao giờ có ý định thi vào ngành sức khỏe. Mọi người thường nói học ngành y vất vả, thời gian học kéo dài, học phí và các chi phí phát sinh cao hơn những ngành học khác. Đến lúc ra trường lại thường xuyên phải trực đêm trực hôm, công việc nhiều áp lực, đặc biệt là áp lực về mặt tâm lý. Thế nên hiện nay em vẫn ưu tiên lựa chọn các khối ngành kinh tế hơn”.

Trường tốp dưới và trường địa phương sẽ khó tuyển trong chính kỳ thi riêng

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phan Thái Hảo, Trưởng Văn phòng Khoa Y - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho rằng: “Đã đến lúc ngành y cần có một kỳ thi riêng bởi có tính chất đặc thù riêng biệt. Không phải chỉ khi đi làm mà ngay cả khi ngồi trên giảng đường đại học, các em đã phải chịu những áp lực rất lớn, phải liên tục cập nhật các kiến thức mới để ứng dụng vào việc học cũng như việc khám chữa bệnh trong tương lai. Điều này đòi hỏi trước hết, người học phải có niềm đam mê với nghề đồng thời phải rèn luyện sự nhẫn nại, kiên trì, tính hy sinh”.

Trước e ngại về việc tổ chức thi, xét tuyển riêng sẽ khiến các bậc phụ huynh và học sinh rơi vào trạng thái phải tham gia quá nhiều kỳ thi/phương án tuyển sinh, thầy Phan Thái Hảo nhận định:

“Sẽ không quá nhiều kỳ thi nếu các em chỉ đăng ký thi riêng ngành sức khỏe. Theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ nếu triển khai kỳ thi này, trước tiên, khối ngành phải lên phương án về kỳ thi, trên căn cứ quy định chung của khối ngành, mỗi trường có thể tổ chức phương án xét tuyển riêng sau kỳ xét tuyển chung để đạt được kết quả đầu vào như mong muốn. Phương án xét tuyển sẽ tùy từng lựa chọn của mỗi trường. Cũng có thể kết hợp với kết quả từ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, kỳ thi riêng này phải được giám sát chặt chẽ, đánh giá kỹ lưỡng từ khâu tổ chức, ra đề đến khâu chấm điểm, nhập kết quả. Chỉ có như vậy, kỳ thi riêng mới thật sự phát huy được hiệu quả tối đa, đảm bảo công bằng cho các thí sinh và đảm bảo chất lượng tuyển sinh đầu vào, tránh trường hợp một số trường do thiếu chỉ tiêu mà không quan tâm đến năng lực của thí sinh”.

Bên cạnh việc tổ chức kỳ thi riêng, để thí sinh tích cực lựa chọn khối ngành sức khỏe, cần có cơ chế đãi ngộ rõ ràng. Nhân viên y tế cần được hỗ trợ không chỉ về mặt lương thưởng mà còn phải được khích lệ, quan tâm về mặt sức khỏe tinh thần. Chế độ đãi ngộ tốt, nhiều người gắn bó với nghề, tự nhiên sẽ thu hút được học sinh đăng ký thi vào ngành sức khỏe. Không chỉ vậy, chính những nhân viên y tế tương lai cũng cần được hưởng các chính sách đãi ngộ ngay từ khi còn là sinh viên để các em được động viên, yên tâm học tập và mong muốn gắn bó với nghề sau khi ra trường”.

Còn theo ông Đỗ Lê Ba, Phụ trách Khoa Y - Dược, Trường Đại học Tân Trào: “Tuyển sinh ngành y, dược đang gặp những khó khăn nhất định, đặc biệt là với các trường y, dược ở địa phương. Học sinh có đa dạng lựa chọn, các em thường chọn những trường ở vùng trung tâm. Với số lượng thí sinh ít ỏi, trường địa phương chỉ có thể tuyển sinh với số điểm chạm sàn, thế nhưng ngay cả khi lấy điểm kịch sàn vẫn thiếu chỉ tiêu. Còn nếu xét tuyển theo học bạ, số lượng học sinh đạt học lực giỏi đã ít, học sinh giỏi đăng ký vào ngành y, dược càng hiếm hơn. Lấy ví dụ đơn cử ngay tại Trường Đại học Tân Trào, học sinh giỏi chủ yếu đăng ký xét tuyển vào các khoa sư phạm, số lượng đăng ký vào khoa y, dược chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Việc khối ngành sức khỏe tổ chức kỳ thi riêng đem đến hai mặt, cả tích cực và tiêu cực. Về mặt tích cực, kỳ thi riêng sẽ đánh giá khách quan và chính xác năng lực của thí sinh, đầu vào được đảm bảo chất lượng thì đầu ra cũng sẽ tốt. Khối ngành y, dược đòi hỏi đầu vào cao nhưng hiện nay kỳ thi trung học phổ thông quốc gia chủ yếu thi theo hình thức trắc nghiệm, chưa thể đánh giá hết khả năng của thí sinh. Ngành này cần có một kỳ thi khác hoặc sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của các trường đại học uy tín.

Tuy nhiên, tổ chức một kỳ thi riêng cũng kéo theo những hệ lụy như gây tốn kém cả về thời gian lẫn tiền bạc của phụ huynh và thí sinh. Các trường cũng tốn nhiều chi phí khi tổ chức một kỳ thi vì phải thành lập hội đồng, bố trí nhân lực coi thi và chấm thi.

Đồng thời, tổ chức thi riêng như thế nào để đảm bảo chất lượng cũng là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Bên cạnh đó, việc các trường ngành sức khỏe tập trung tổ chức một kỳ thi tại một địa điểm rồi từng trường dùng kết quả ấy để xét tuyển riêng sẽ khiến những trường y dược tốp dưới, các trường địa phương khó cạnh tranh với các trường tốp đầu. Như vậy, tình trạng thiếu sinh viên vẫn sẽ diễn ra ở các trường vốn đã khó tuyển sinh”.

Hoài Linh