"Người trong cuộc" nêu những lưu ý khi tổ chức kỳ thi riêng khối ngành sức khỏe

14/12/2022 06:45
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nếu có kỳ thi tuyển sinh riêng thì các trường đào tạo khối ngành sức khỏe sẽ lựa chọn được những thí sinh phù hợp, bên cạnh đó cũng có những khó khăn nhất định.

Tại hội nghị giáo dục y khoa với chủ đề “Chuyển đổi đào tạo y khoa trong kỷ nguyên của đổi mới và tiến bộ kỹ thuật” hồi tháng 11, lãnh đạo một số trường đã đề xuất tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng cho khối ngành sức khỏe.

Trao đổi về đề xuất trên với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Viết Nho - Trưởng khoa khoa Y - Dược (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, việc các trường đào tạo khối ngành sức khỏe có kỳ thi tuyển sinh riêng sẽ giúp cho các trường sàng lọc được những thí sinh thực sự phù hợp.

Thực tế, muốn trở thành những người làm trong môi trường bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh thì phải là người có kiến thức, có tố chất phù hợp, đạo đức hành nghề tốt; bên cạnh đó, kỹ năng làm việc, xử lý tình huống, giao tiếp cũng rất được chú trọng.

Đề xuất này cũng phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển của đất nước vì hiện nay nhiều quốc gia phát triển trên thế giới cũng đã tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng với các trường đào tạo khối ngành sức khỏe.

“Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông có hai mục đích, vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển cao đẳng, đại học. Thực tế, thí sinh điểm thi cao đỗ vào các trường đào tạo khối ngành sức khỏe nhưng chưa chắc có thể bắt kịp chương trình học. Vì vậy, nếu có kỳ thi riêng, mang đủ các yếu tố có thể đánh giá được năng lực của thí sinh đầu vào thì các trường đào tạo khối ngành sức khỏe sẽ chọn lọc được các thí sinh thực sự phù hợp.

Tuy nhiên, muốn thực hiện được thì cần xem xét rất nhiều yếu tố. Trước tiên, các trường cần có hội đồng để thống nhất về phương thức đánh giá, hình thức thi; cần có trung tâm khảo thí chung. Ngoài ra, kinh phí, nguồn nhân lực, cơ chế hoạt động cũng là một vấn đề cần phải quan tâm.

Theo tôi, nếu từng trường làm riêng lẻ thì khó mà làm được, do vậy, các trường đào tạo khối ngành sức khỏe cần được tập trung lại để bàn bạc, thống nhất”, Trưởng khoa khoa Y - Dược (Đại học Đà Nẵng) nói.

Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Viết Nho - Trưởng khoa Y - Dược (Đại học Đà Nẵng). Nguồn: Báo Đà Nẵng

Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Viết Nho - Trưởng khoa Y - Dược (Đại học Đà Nẵng). Nguồn: Báo Đà Nẵng

Đến nay, nhóm ngành y vẫn là một trong số các ngành có điểm đầu vào cao. Tuy nhiên, nhìn tổng thể mùa tuyển sinh vừa qua vẫn chưa bằng được các mùa tuyển sinh trước đó. Cụ thể, ngành Điều dưỡng có điểm chuẩn khá thấp, gần như bằng điểm sàn. Xảy ra thực trạng trên có thể kể đến một số nguyên nhân, cụ thể như sau:

Thứ nhất, chương trình kiến thức nặng, đào tạo trong khoảng thời gian dài nhưng chế độ đầu ra chưa tương xứng với quá trình học. Lương của các bác sĩ mới ra trường ở bệnh viện công lập khá thấp, chế độ đãi ngộ còn hạn chế. Vì vậy, một số bác sĩ có xu hướng chuyển môi trường làm việc từ bệnh viện công lập sang bệnh viện tư thục.

Tuy nhiên, hệ thống bệnh viện tư tại Việt Nam còn chiếm tỷ trọng khá thấp nên cơ hội việc làm và thu nhập cho sinh viên các ngành sức khỏe khi ra trường hiện nay cũng giảm sức hấp dẫn.

Thứ hai, sau 2 năm dịch bệnh, xã hội nhận thức rõ được tầm quan trọng của lực lượng y tế, nhưng cũng thấy những hi sinh, vất vả, áp lực của nghề y. Chính vì vậy, khi đăng ký chọn ngành nghề, thí sinh cũng rất băn khoăn vì hiện nay có rất nhiều ngành khác có sức cạnh tranh lớn.

Chính vì vậy, nếu đề xuất được thông qua, thì việc thu hút thí sinh tham gia kỳ tuyển sinh riêng này là vấn đề quan trọng. Nếu kỳ thi khó, chưa quen thuộc với thí sinh như kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay, liệu rằng có nhiều thí sinh tham gia để vào ngành y hay không?

“Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định sẽ ổn định kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đến năm 2025. Vì vậy, nếu các trường đào tạo khối ngành sức khỏe muốn tổ chức kỳ thi riêng thì phải có đề án cụ thể, chi tiết và được sự đồng ý của Bộ. Trước đó, cần triển khai thí điểm đề án này ở một số trường, nếu thuận lợi mới tiến hành triển khai đồng loạt ở tất cả các trường.

Tuy nhiên, trước đó, một trong những vấn đề cần được quan tâm đó là nên điều chỉnh mức lương, chính sách đãi ngộ của sinh viên ngành y mới ra trường sao cho phù hợp. Tránh việc học 6 năm nhưng vẫn hưởng mức lương cơ bản, hệ số lương như một số ngành khác. Đầu ra tương xứng với quá trình học thì mới thu hút được nhiều thí sinh giỏi”, Tiến sĩ Lê Viết Nho nhấn mạnh.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Bác sĩ Cao Trường Sinh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Vinh, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh bày tỏ quan điểm, để các trường đào tạo khối ngành sức khỏe tuyển sinh riêng sẽ chất lượng hơn nhưng trước đó Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thống nhất và đưa vào quy chế tuyển sinh.

Bên cạnh đó, Phó Giáo sư Cao Trường Sinh cũng nêu ra một số khó khăn: “Nếu tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng sẽ gây phức tạp về các khâu tổ chức đối với nhóm trường đào tạo ngành này như đăng ký dự thi, sắp xếp phòng thi, coi thi, ra đề thi, chấm thi, xét tuyển. Lúc này, các trường phải tự làm nên cần chuẩn bị đầy đủ về cả mặt kỹ thuật và đội ngũ nhân lực để đáp ứng thực hiện hoàn thiện tất cả các khâu, các bước.

Kinh phí của kỳ thi, ngoài từ nguồn ngân sách thì người học sẽ phải đóng. Như vậy, phụ huynh và học sinh sẽ lo lắng vừa phải tham gia nhiều kỳ thi vừa tốn kém chi phí, trong đó có chi phí đi lại”, Phó Giáo sư Cao Trường Sinh nói.

Phó Giáo sư, Bác sĩ Cao Trường Sinh giảng dạy thực hành tại Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh. Nguồn: Báo Nghệ An

Phó Giáo sư, Bác sĩ Cao Trường Sinh giảng dạy thực hành tại Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh. Nguồn: Báo Nghệ An

Chia sẻ về những khó khăn của sinh viên ngành y mới ra trường, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh cho biết, lương bác sĩ đang tính theo công thức: Lương = Hệ số x Mức lương cơ sở. Bác sĩ mới ra trường thường được áp dụng hệ số 2,34 cùng với mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng/tháng (theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP của Chính phủ) cộng với phụ cấp.

Chính vì vậy, tổng lương sau khi nhận được sẽ trong khoảng 4 - 5 triệu đồng. Với mức lương như vậy, các bác sĩ khó đủ để trang trải cuộc sống.

Trong khi đó, các bệnh viện tư hơn hẳn bệnh viện công về mức lương và phụ cấp. Chính vì vậy, hiện nay, nguồn nhân lực của bệnh viện công đang chuyển dịch sang bệnh viện tư rất nhiều.

Vì vậy, đồng quan điểm với Tiến sĩ Lê Viết Nho, Phó Giáo sư Cao Trường Sinh bày tỏ mong muốn nhà nước quan tâm và sớm tăng lương để các bác sĩ yên tâm cống hiến cho nghề.

Anh Trang