Nếu Sử là môn bắt buộc, có ý kiến nói phải soạn lại SGK, tôi thấy hơi tiêu cực

03/06/2022 06:58
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hưởng: "Cũng có ý kiến cho rằng phải soạn thảo cấu trúc lại sách giáo khoa môn Lịch sử từ đầu, như vậy tôi thấy hơi tiêu cực".

Thời gian qua, rất nhiều ý kiến nêu quan điểm không đồng tình đối với việc đưa môn Lịch sử cấp trung học phổ thông trong chương trình giáo dục phổ thông mới thành môn lựa chọn với nhiều lý do được đưa ra.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hưởng - Giảng viên cao cấp, Phó Trưởng bộ môn Lý luận và Phương pháp dạy học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hưởng - Giảng viên cao cấp, Phó Trưởng bộ môn Lý luận và Phương pháp dạy học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Trước vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hưởng - Giảng viên cao cấp, Phó Trưởng bộ môn Lý luận và Phương pháp dạy học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thầy Hưởng cho biết: “Theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở cấp Trung học phổ thông có 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, còn lại 5 môn lựa chọn từ 3 nhóm môn.

Môn Lịch sử là một trong số các môn lựa chọn, nếu bây giờ chuyển sang là môn bắt buộc, học sinh sẽ có 8 môn học bắt buộc. Như vậy số tiết học môn Lịch sử vẫn không thay đổi, có 70 tiết học về chủ đề và 35 tiết học chuyên đề. Khi đó, chương trình từ 7 môn trở thành 8 môn bắt buộc.

Cũng có ý kiến cho rằng, nếu Lịch sử trở thành môn bắt buộc thì cần phải soạn thảo cấu trúc lại sách giáo khoa từ đầu. Tôi cho rằng, như vậy là hơi tiêu cực. Bản thân tôi dạy môn Lịch sử đã đọc, nghiên cứu rất kĩ và thấy không nhất thiết phải như vậy bởi chương trình số tiết học đã quy định, nội dung cũng đã hoàn chỉnh, nhiều hội đồng đã thẩm định thông qua,…nên không cần phải xây dựng lại chương trình, mà chỉ cần điều chỉnh từ môn lựa chọn thành môn bắt buộc, cứ theo sách giáo khoa mà dạy thôi.

Môn Lịch sử ở cấp Trung học phổ thông có phần chủ đề gồm 70 tiết, phần chuyên đề có 35 tiết. Nếu học sinh theo định hướng nghề nghiệp chuyên sâu sẽ đăng kí học 35 tiết đó, còn dạy đại trà sẽ là 70 tiết".

Giờ học Lịch sử qua những hoạt cảnh của học sinh Trường Trung học phổ thông M.V.Lômônôxốp (Nam Từ Liêm, Hà Nội) Ảnh minh họa.

Giờ học Lịch sử qua những hoạt cảnh của học sinh Trường Trung học phổ thông M.V.Lômônôxốp (Nam Từ Liêm, Hà Nội) Ảnh minh họa.

Trong thời gian trước mắt nên điều chỉnh một chút cho phù hợp

Cũng về vấn đề này, thầy Trần Huy Đoàn - Cựu giáo viên dạy Lịch sử Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) cho rằng: “Việc đưa môn Lịch sử trở lại là môn học bắt buộc ở bậc Trung học phổ thông, có cần chỉnh sửa sách giáo khoa hay không? Theo tôi, đây là điểm khó nhất làm cho các nhà hoạch định Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và Bộ Giáo dục và Đào tạo lo lắng. Tôi xin hiến kế tháo gỡ sau:

Với chương trình môn Lịch sử ở cấp Trung học cơ sở, được đưa vào giảng dạy một cách hoàn chỉnh và có hệ thống (giai đoạn giáo dục cơ bản). Ở cấp Trung học phổ thông, chương trình được xây dựng thành các chuyên đề học tập về các lĩnh vực của sử học, như: Lịch sử chính trị, lịch sử kinh tế, lịch sử văn minh, lịch sử văn hóa... Đây là những nội dung chuyên sâu, giúp những học sinh có định hướng học các ngành khoa học xã hội và nhân văn tiếp cận nghề nghiệp tương lai.

Sách giáo khoa mới lớp 10 cũng đã được các tác giả, nhà xuất bản viết theo hướng này. Nếu Lịch sử trở thành môn bắt buộc, có nhiều ý kiến lo ngại có thể làm phá vỡ kết cấu, mục tiêu của chương trình, vì không đơn giản chỉ thay đổi từ ngữ “lựa chọn” hay “bắt buộc”, mà quan trọng là không thể bê chương trình đang xây dựng theo hướng chuyên sâu sang để giảng dạy đại trà. Tuy nhiên, nếu phải viết lại sách giáo khoa môn Lịch sử từ lớp 6 đến lớp 12 thì rất tốn kém".

Thầy Đoàn nêu quan điểm: "trong thời gian trước mắt nên có điều chỉnh cho phù hợp. Trong chương trình Trung học phổ thông hiện nay đã biên soạn hai phần rõ rệt. Các nhà xuất bản đều viết thành hai quyển riêng biệt. Phần thứ nhất (quyển 1) là kiến thức cốt lõi, được chia theo các chủ đề; phần thứ hai (quyển 2) mới là kiến thức chuyên sâu, nâng cao chia theo các chuyên đề. Vì vậy, phần kiến thức cốt lõi này có thể dành cho học sinh đại trà.

Có nghĩa, chúng ta lấy chương trình cốt lõi để dạy cho đại trà, tôi đánh giá là rất phù hợp. Nhìn chung, nếu Lịch sử là môn học bắt buộc, sách giáo khoa vẫn có thể sửa được chứ không có gì khó, không nhất thiết phải viết lại từ đầu, không cần thiết phải “nhào nặn” giữa hai quyển sách với nhau. Và sách giáo khoa ở bậc Tiểu học và Trung học cơ sở, cũng không cần sửa.

Nội dung chuyên sâu không cần thiết ở bậc Trung học phổ thông với học sinh đại trà, nên những kiến thức chuyên sâu chỉ dành cho những học sinh chuyên Sử. Tức là chỉ dành cho những em đi sâu vào chuyên học Lịch sử.

Với các nhà trường, điều chỉnh khung thời gian: Trước 7 môn bắt buộc + 5 môn tự chọn, nay 8 môn bắt buộc + 4 môn tự chọn”.

Tùng Dương