Nếu vẫn tổ chức như hiện nay thì nên bỏ thi HSG cấp trung học cơ sở

19/01/2023 06:45
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nghiên cứu, học hỏi, áp dụng mô hình thi học sinh giỏi của các nước có nền kinh tế xã hội phát triển.

Chuyện thi học sinh giỏi ở trung học nói chung và trung học cơ sở nói riêng đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận xã hội. Trong bài viết này, người viết chỉ bàn về thi học sinh giỏi ở trung học cơ sở.

Không ít ý kiến cho rằng, không nên tổ chức thi học sinh giỏi như chúng ta hiện nay, vì thi học sinh giỏi như cách thức hiện tại được nhiều người đánh giá mới chỉ là thi "thợ" giải bài tập.

Tổ chức thi học sinh giỏi còn nhiều bất cập, khi một giáo viên đóng ba vai: bồi dưỡng học sinh giỏi, ra đề thi học sinh giỏi, chấm thi học sinh giỏi.

Thực tế, có một số địa phương đang xảy ra hiện tượng, giáo viên trường nào ra đề, học sinh trường đó đậu học sinh giỏi nhiều.

Giáo viên ra đề thi học sinh giỏi, đồng thời tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, chấm thi học sinh giỏi khó mà công tâm, khách quan được.

Tại sao vậy? Khi bồi dưỡng học sinh giỏi, giáo viên sẽ dạy cho học sinh của mình những cái gì mình có, những cái gì mình nhớ, những cái gì mình đã nhào nặn được để “bẫy” học trò trong đề bài.

Cùng con người đó, dù khách quan, công tâm, không có “lợi ích nhóm” thì khi làm đề thi, cũng sử dụng “tài nguyên” của mình để ra đề, dẫn đến khi học sinh học giáo viên ra đề gặp lại bài của thầy mình là điều dễ hiểu.

Gặp lại bài ra mà thầy mình đã dạy, mình đã học, làm được bài, điểm cao hơn học sinh khác, học sinh trường thầy ra đề đậu, học sinh trường khác trượt là điều dễ hiểu.

Vậy có thể cấm giáo viên đồng thời tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, ra đề học thi học sinh giỏi, chấm thi học sinh giỏi được không?

Về lý thuyết, rất dễ thực hiện, thực tế lại vô cùng khó, vì sao vậy?

Muốn ra một đề học sinh giỏi, người ra đề phải xâu chuỗi được “sợi chỉ đỏ” kiến thức, có kiến thức chuyên môn vững vàng, sáng tạo, biết được nhiều dạng đề “hay và khó”.

Mà người xâu chuỗi được “sợi chỉ đỏ” kiến thức, có kiến thức chuyên môn vững vàng, sáng tạo, biết được nhiều dạng đề “hay và khó” thì không nhiều, trường nơi học công tác sẽ bắt buộc họ bồi dưỡng học sinh giỏi.

Khi chấm đề học sinh giỏi, học sinh thường làm nhiều cách khác nhau, có khi giám khảo không hiểu, nên xảy ra tranh luận, vì vậy cần giáo viên thanh tra, tổ trưởng tổ chấm, có kiến thức chuyên môn vững vàng, sáng tạo, biết được nhiều dạng đề “hay và khó” để làm “trọng tài”.

Nếu những giáo viên xâu chuỗi được “sợi chỉ đỏ” kiến thức, có kiến thức chuyên môn vững vàng, sáng tạo, biết được nhiều dạng đề “hay và khó”, lên làm cán bộ quản lý, chỉ thời gian ngắn sẽ “lụt nghề”, nên không dám ra đề thi học sinh giỏi, nếu xảy ra sai sót sẽ ảnh hưởng “hình ảnh” của mình, nên họ từ chối.

Vì vậy, còn thi học sinh giỏi, thì chuyện một giáo viên đóng ba vai, hai vai, khó mà tránh khỏi nếu còn tổ chức thi học sinh giỏi như hiện nay.

Vấn đề đặt ra, tổ chức thi học sinh giỏi như thế nào cho phù hợp, hay không tổ chức? Thi học sinh giỏi ở trung học cơ sở có thực sự nâng cao chất lượng giáo dục?

Những em tham gia ôn thi học sinh giỏi ở cấp trung học cơ sở rất áp lực (Ảnh minh họa: tienphong.vn)
Những em tham gia ôn thi học sinh giỏi ở cấp trung học cơ sở rất áp lực

(Ảnh minh họa: tienphong.vn)

Tôi không cho con tham gia thi học sinh giỏi vì sợ mất Tết của cả nhà

Đó là lời chia sẻ của anh Nguyễn Văn Nghị, có con gái từng đậu giải Nhất cấp Tỉnh môn Hóa học lớp 9. Anh Nguyễn Văn Nghị cho biết “ Cách đây 6 năm, Tết, nhưng bé Khánh Trang nhà tôi vẫn ôn thi để ra tết thi học sinh giỏi tỉnh.

Trước khi nghỉ Tết, thầy giáo đã giao cho 1 xấp đề cho cháu, yêu cầu phải giải hết trong kì nghỉ Tết.

Cháu “thấm nhuần” lời dạy của thầy “ăn hóa, ngủ hóa, đi hóa, đứng hóa, tất cả chỉ có học hóa”, vì thế, nghỉ Tết nhưng cháu chỉ có đón hóa, không đón xuân.

Để tạo điều kiện cho cháu học, cả nhà cũng phải “ăn hóa, ngủ hóa, đi hóa, đứng hóa, tất cả chỉ có học hóa”, coi như cả nhà "mất" Tết

Kết quả, cháu thi đạt giải Nhất cấp Tỉnh, nhưng khi lên cấp 3, cháu lại chọn khối D để thi đại học, hiện nay cháu đang học đại học ngành ngôn ngữ Hàn quốc

Mỗi khi nói về thi học sinh giỏi, cháu không hào hứng, không vui vì đã mất một phần tuổi thơ.

Vì thế, khi cháu thứ hai được thầy giáo chọn thi học sinh giỏi môn Hóa, tôi đã xin lỗi thầy, không cho con tham gia.

Cũng may, cháu thứ 2 biết được tâm sự của chị, nên cũng đồng quan điểm, cháu không tham gia đội tuyển học sinh giỏi của trường năm nay.

Dù thầy giáo nhiều lần đến nhà nói “Cháu học tốt, tư duy tốt, nếu anh động viên cháu thi, chắc chắn sẽ có kết quả tốt”.

Nhưng với tôi, kết quả tốt là con đi học về vui vẻ, có thể luyện tập vài môn thể thao, sức khỏe tốt, được học kĩ năng mềm, được trải nghiệm cuộc sống, biết tự lập, biết giúp đỡ bố mẹ, bạn bè, biết sống vì cộng đồng.

Vì thế, tôi và cháu đã kiên quyết từ chối nhã ý của thầy giáo, không tham gia thi học sinh giỏi năm nay”.

Khách quan mà nói, đề thi học sinh giỏi các cấp đều mang tính “đánh đố”, đưa kiến thức lớp trên xuống, mang tính “dạng bài”, vì vậy dẫn đến học sinh học tủ, giáo viên dạy tủ, khó mà phát huy được phẩm chất, năng lực của người học.

Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nghiên cứu, học hỏi, áp dụng mô hình thi học sinh giỏi của các nước có nền kinh tế xã hội phát triển.

Với bậc trung học cơ sở, không nên tổ chức thi học sinh giỏi, vì thực tế không khách quan, không có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục, chỉ thổi bùng ngọn lửa dạy thêm, học thêm.

Nếu tổ chức thi học sinh giỏi bậc trung học cơ sở, hãy để học sinh tự nguyện, tự học, không ôn thi, luyện thi, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giáo viên đóng hai vai, ba vai.

Đề thi mang tính vừa sức, không mang tính đánh đố, lấy kiến thức trung học phổ thông xuống để ra đề cho lớp 9, thực tế đã có địa phương chỉ cần 5 điểm/thang điểm 20 là đậu học sinh giỏi huyện.

Kết quả thi học sinh giỏi không làm tiêu chí thi đua giữa các trường trong địa phương, sẽ tránh được áp lực thành tích, phát sinh tiêu cực.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh