Ngẫm về trụ cột điện “cạp đất mà ăn” và biển số xe công “ảo thuật”

07/06/2016 06:33
Trần Sơn
(GDVN) - Có ai ngờ, câu nói “cạp đất mà ăn” được dùng để nghiệm thu chất lượng công trình xây dựng, biển số xe công ở một số địa phương được đem ra làm trò ảo thuật.

LTS: Qúy độc giả đang theo dõi bài viết của tác giả Trần Sơn khi ngẫm về 2 vụ việc gây xôn xao dư luận thời gian qua. Đó là một công ty xây dựng thi công bằng bê tông trộn bùn đất và biển số xe mà ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang sử dụng cho xe tư bạc tỷ. 

Trong bài viết này, tác giả bình bàn về điều đó. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Trụ cột điện “cạp đất mà ăn”

Ngày 25/5, một số tờ báo bắt đầu đưa tin các trụ móng cột điện đường dây 220kV chạy qua xã Đại An, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định đã được một công ty xây dựng thi công bằng bê tông trộn bùn đất.

Vì sao lại trụ móng cột điện lại “cạp đất mà ăn” như vậy? 

Câu trả lời thật đơn giản: Vì độn bùn đất vào thì rút được xi măng và rút ngắn được thời gian thi công từ 25 ngày xuống còn có...2 ngày.

Vậy là khi trụ móng “ăn” bùn đất thì  đơn vị thi công “ăn” được số xi măng dôi ra và “ăn” được số công thợ thi công.

Có ai ngờ, câu nói “cạp đất mà ăn” được dùng để nghiệm thu chất lượng công trình xây dựng, biển số xe công ở một số địa phương được đem ra làm trò ảo thuật.
Có ai ngờ, câu nói “cạp đất mà ăn” được dùng để nghiệm thu chất lượng công trình xây dựng, biển số xe công ở một số địa phương được đem ra làm trò ảo thuật.

Khi biết “ăn” không được thì người của công ty thi công đã đến nhà người dân tố cáo để “nói chuyện rút đơn thư tố cáo” với số tiền bồi dưỡng 100 triệu đồng nhưng không được chấp nhận.

Mới đây nhất, báo chí cho biết trưởng ban chỉ huy công trình và đội trưởng đội xây lắp công trình đó đã bị cách chức vì “thiếu tinh thần trách nhiệm, tự ý thi công khi chưa có sự đồng ý của chủ đầu tư và ban chỉ huy” và một vài vị khác cấp cao hơn bị kỉ luật cảnh cáo.

Vậy là các vị định cho trụ móng cột điện “cạp đất mà ăn” nhưng không được vì sự kiên trì, dũng cảm tố cáo của những người dân lương thiện.

Biển số xe công “ảo thuật”

Đó là biển số xe mà ông Trịnh Xuân Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đang sử dụng.

Biển số chiếc xe này nó như được làm trò ảo thuật. 

Đầu tiên, nó vốn là biển trắng (29A-79093), sau khi được đưa về Hậu Giang phục vụ ông Phó Chủ tịch thì nó biến thành biển xanh (95A-0699), và khi bị dư luận phản ứng dữ dội thì nó lại trở về biển trắng (29A-79093).

Cái sự đổi màu biến hóa “ trắng - xanh - trắng” này đồng nghĩa với vị trí của nó cũng liên tục nhảy múa theo vũ điệu “ tư- công - tư”.

Ngẫm về trụ cột điện “cạp đất mà ăn” và biển số xe công “ảo thuật”  ảnh 2

Ai là người cho Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang mượn xe siêu sang?

(GDVN) - Ông Trịnh Xuân Thanh nói rằng, chiếc xe trị giá nhiều tỷ đồng đang sử dụng là mượn của bà con bên vợ. Liệu có đúng như vậy?

Rồi ngay cả lời giải thích về chuyện biển số cái xe tiền tỉ này của ông Bí thư và Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang cũng rất “ảo thuật”. 

Phải chăng vì lẽ đó mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có tít bài “Cả Bí thư, Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang thật khéo nói đùa!”. 

Việc xe tư lại cấp tạm biển công để cho lãnh đạo “tiện đi lại, làm việc” nghe chừng cũng không ổn.

Vì xe đã có biển số rồi thì không thể cấp thêm một biển số khác nữa (dù đó là biển số tạm) trừ nó là xe của một ảo thuật gia.

Có phải vì thế cho nên khi “dư luận phê phán ầm ĩ” (từ dùng của ông Trần Công Chánh - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang) thì chiếc xe sang trọng kia lại được “trả lại tên cho em” tức là quay về với biển trắng ban đầu.

Mặc dù, chuyện biển số xe “ảo thuật” này đã từng có tiền lệ nhưng ở dạng phiên bản khác. 

Năm 2014, báo chí cũng phát hiện 2 chiếc xe sang (1 đen,1 trắng) thuộc quyền sở hữu của Công an tỉnh Thanh Hóa cùng mang một biển kiểm soát màu xanh 36B. 6789. 

Sau đó, ông Chánh văn phòng công an tỉnh này giải thích rằng: “Anh em lấy biển để hóa trang khi làm nhiệm vụ”.

Cũng năm 2014, dư luận còn “ầm ĩ” về vụ 2 chiếc xe của Công an tỉnh Ninh Bình đều mang biển xanh tứ quý 35A.9999.

Và, tất nhiên, ông Chánh văn phòng Công an tỉnh này cũng giải thích rằng để “hóa trang” và “cho tiện công việc”.

Phải chăng, có chuyện biển số xe công “ảo thuật” là vì được cơ quan lãnh đạo địa phương đó cho phép (như Hậu Giang) và do cơ quan quản lí cấp biển số  kiểu “của nhà trồng được” (như Công an tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình)?

Rõ ràng, việc  làm “ảo thuật” biển số xe công là sai các quy định của pháp luật làm cho nhân dân bức xúc nên cần phải chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh, kịp thời, nhất là các đơn vị vi phạm lại là cơ quan lãnh đạo và cơ quan thực thi pháp luật.
              

Tài liệu tham khảo:

1. http://giadinh.net.vn/xa-hoi/dieu-tra-dac-biet-cua-bao-gd-xh-bi-mat-dong-troi-ben-duoi-cac-tru-dien-220kv-20160525093041799.htm.

2. http://www.vtc.vn/tru-dien-lam-bang-be-tong-tron-dat-ky-luat-hang-loat-can-bo-d259791.html.

3. http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/vu-2-xe-bien-xanh-so-vip-6789-la-de-hoa-trang-20140412124632901.htm

4. http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/xe-cong-an-deo-bien-so-gia-co-gi-ma-am-i-3041873.

Trần Sơn