Ngành GD Mường Tè kêu gọi người địa phương học sư phạm trở về quê hương công tác

08/02/2023 06:42
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngành giáo dục huyện Mường Tè đã thực hiện nhiều giải pháp để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. 

Những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo huyện biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu đã nỗ lực đạt được những thành tựu quan trọng trong giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ, giúp phát triển con người, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, là một trong những địa phương còn khó khăn nhất cả nước, ngành giáo dục huyện Mường Tè đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với ông Tống Anh Sơn – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè để tìm hiểu về quá trình triển khai cũng như những khó khăn mà địa phương đang phải đối mặt khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo ông Tống Anh Sơn, nhìn chung giáo dục huyện Mường Tè đang bắt kịp dần với những yêu cầu đổi mới khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Về cơ sở vật chất, ngành giáo dục đã chủ động tham mưu với Ủy ban nhân dân huyện, bố trí đủ phòng học cho các lớp thực hiện chương trình mới, đảm bảo học 2 buổi/ngày; thiết bị đồ dùng dạy học đã cấp cho các đơn vị (tối thiểu mỗi trường 01 bộ thiết bị).

Dù đã cố gắng triển khai các điều kiện thực hiện chương trình mới, ngành giáo dục huyện Mường Tè vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh minh họa: LC

Dù đã cố gắng triển khai các điều kiện thực hiện chương trình mới, ngành giáo dục huyện Mường Tè vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh minh họa: LC

Tuy nhiên, khó khăn hiện tại mà ngành giáo dục và các thầy cô giáo đang phải khắc phục chính là việc còn thiếu các phòng học chức năng, phòng học bộ môn Tin học, Ngoại ngữ; trang thiết bị dạy học trực tuyến chưa đáp ứng được đầy đủ so với nhu cầu sử dụng.

Nhiều đơn vị trường thiếu máy tính để triển khai dạy môn Tin học; điều kiện điện, mạng internet phủ sóng các điểm bản xa xôi chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bên cạnh đó, diện tích các lớp học vùng cao được đầu tư xây dựng trước năm 2018 chỉ có một phần đáp ứng được theo quy định của Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học; và Thông tư 14/2020/TT-BGDĐT quy định phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông.

Còn lại, diện tích trung bình của các phòng học tại đây ở mức 36m2/lớp tức là không đáp ứng được quy định của các Thông tư trên. Theo quy định của Thông tư 13, Thông tư 14, tổng diện tích phòng học không nhỏ hơn 40m2/phòng với cấp tiểu học; còn với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông, tổng diện tích phòng học không nhỏ hơn 45m2/phòng.

Với những phòng học không đủ diện tích để triển khai một số nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành giáo dục địa phương đã tổ chức khảo sát, rà soát; đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn để tham mưu Ủy ban nhân dân huyện bố trí nguồn lực mở rộng phòng học hiện có hoặc xây mới.

Trước mắt, với những phòng học không đủ diện tích theo quy định sẽ bố trí, sắp xếp những lớp có số lượng học sinh ít hơn để đảm bảo không gian lớp học.

Với vấn đề về đội ngũ giáo viên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè cho biết: cán bộ quản lý, giáo viên của huyện đã được tham gia tập huấn, bồi dưỡng đầy đủ các mô đun theo nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bước đầu, đội ngũ giáo viên đang đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của việc dạy và học theo chương trình mới.

Học sinh lớp ghép ở bản Pá Thắng, Thu Lũm (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu). Ảnh: LC
Học sinh lớp ghép ở bản Pá Thắng, Thu Lũm (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu). Ảnh: LC

Tuy vậy, với cấp tiểu học, thiếu giáo viên Tiếng Anh, Tin học đang là rào cản cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ở cấp học này, huyện đang thiếu 3 giáo viên Tin học, 4 giáo viên Tiếng Anh.

Ở cấp trung học cơ sở, một số trường đang thiếu giáo viên các môn: Nghệ thuật, Khoa học Tự nhiên, Công nghệ, Giáo dục công dân. Đa số trường chưa có giáo viên đảm nhiệm dạy trọn môn tích hợp: Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý nên bố trí một môn tích hợp nhiều giáo viên cùng tham gia giảng dạy. Điều này gây khó khăn trong sắp xếp nhân sự, bố trí giờ dạy.

Để giải bài toán thiếu đội ngũ giáo viên, ông Tống Anh Sơn cho biết, ngành giáo dục huyện Mường Tè tiếp tục đề nghị tuyển dụng viên chức giáo viên; hợp đồng với số giáo viên còn thiếu sau khi tuyển dụng;

Đối với các môn không đủ nguồn tuyển, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn lên kế hoạch chương trình dạy học kết hợp: trực tiếp với trực tuyến theo hình thức luân phiên (như ở môn Tin học, Tiếng Anh…).

Ngành cũng đang động viên, kêu gọi người học sư phạm là dân địa phương tốt nghiệp ra trường trở về công tác tại quê hương.

Trước những khó khăn hiện tại, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè kiến nghị: các cấp ngành, cơ quan chức năng cần có chính sách tăng cường các nguồn lực (tài chính, đội ngũ), các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các đơn vị giáo dục vùng đặc biệt khó khăn để đảm bảo các điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đồng thời, có thêm cơ chế để thu hút giáo viên có năng lực chuyên môn vào dạy ở những nơi đặc biệt khó khăn.

Trần Phương