Hướng dẫn 1099 của Cục Nhà giáo có dẫn đến tình trạng phe cánh trong trường học?

01/11/2021 07:35
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sẽ có trường hợp hiệu trưởng phân công những giáo viên trên làm quản lý để giữ hạng mà không cần biết họ có năng lực ra sao, từng giữ nhiệm vụ gì,...?

Cục Nhà Giáo và Cán bộ quản lý giáo dục – Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn 1099/NGCBQLGD-CSNGCB (thay thế công văn 1077) gửi cho Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc.

Cả 2 công văn có cùng tiêu đề triển khai thực hiện Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT về chuyển xếp lương giáo viên.

Ảnh chụp công văn 1099/NGCBQLGD-CSNGCB.

Ảnh chụp công văn 1099/NGCBQLGD-CSNGCB.

Việc này tiếp tục cho thấy sự không thống nhất, bất cập trong việc chuyển xếp lương giáo viên trong khi các nhà giáo rất kỳ vọng, chờ đợi Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành hướng dẫn chuyển xếp lương và sửa đổi những bất cập, hạn chế để có thể áp dụng chung cho giáo viên cả nước.

Người viết tạm đặt giả thiết là Công văn 1099, 1077 trả lời cho Vĩnh Phúc, nhưng các địa phương khác có thể căn cứ áp dụng vì việc xếp lương là việc chung, thống nhất cả nước.

Tuy nhiên công văn 1099, 1077 tiếp tục phát sinh nhiều điều bất hợp lý, không phù hợp với chính hướng dẫn của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục trước đó và không phù hợp với tình hình thực tế xếp lương hiện nay.

Đặc biệt là bất cập của công văn 1099/NGCBQLGD-CSNGCB của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục có thể dẫn đến tình trạng hiệu trưởng phân công luân phiên giáo viên làm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn để giữ/lên hạng I, II mới bất chấp năng lực và uy tín thế nào.

Tệ hơn nữa, nơi nào có phe cánh thì hiệu trưởng hoàn toàn có quyền phân công cho những ai thuộc "phe mình", hay ủng hộ mình, giữ cương vị tổ trưởng, tổ phó chuyên môn để đủ điều kiện thăng hạng, giữ hạng.

Ảnh minh họa: Nhandan.vn

Ảnh minh họa: Nhandan.vn

100% giáo viên hạng I, II mới sẽ được làm tổ phó, tổ trưởng trở lên?

Tại công văn 1099 trên tại mục 1 Cục Nhà giáo có hướng dẫn rất rõ:

“Nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn từng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trong các Thông tư 01; 02; 03; 04/TT-BGDĐT là những công việc giáo viên phải thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng (nếu nhà trường giao và giáo viên được hiệu trưởng phân công triển khai nhiệm vụ).

Do đó, khi bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, không căn cứ vào các nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm mà sau khi bổ nhiệm, hiệu trưởng cơ sở giáo dục giao nhiệm vụ đối với những giáo viên này và giáo viên đó phải thực hiện nhiệm vụ của mình.”

Như vậy có thể hiểu giáo viên hạng I, II cũ không cần căn cứ vào nhiệm vụ tức là không cần căn cứ đang giữ nhiệm vụ gì, có năng lực hay không,… cũng sẽ được bổ nhiệm sang hạng I, II mới (đương nhiên phải đáp ứng các tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp).

Theo công văn 1099, sau khi bổ nhiệm hạng I, II mới thì 100% giáo viên sẽ được hiệu trưởng giao giữ nhiệm vụ của hạng I, II mới. Mà nhiệm vụ của hạng I, II mới thì gần như ít nhất phải là tổ trưởng, tổ phó trở lên.

Điều này là vô cùng khiên cưỡng, vô lý, người viết không hiểu tại sao Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục hướng dẫn chuyển xếp lương mà có thể nghĩ đến việc bổ nhiệm không cần căn cứ nhiệm vụ đang thực hiện và sau khi bổ nhiệm hạng thì hiệu trưởng bắt buộc phải phân công họ giữ nhiệm vụ theo hạng mới.

Giáo viên sau khi được bổ nhiệm hạng I, II mới không nhận hoặc không hoàn thành nhiệm vụ hạng mới sẽ như thế nào?

Số lượng giáo viên đang hưởng lương hạng II cũ ở các trường tiểu học, trung học cơ sở hiện nay là một con số lớn, nhiều người là giáo viên bình thường chưa từng có thành tích, cống hiến, năng lực lãnh đạo,… vẫn nghiễm nhiên ở hạng II cũ, họ sắp được bổ nhiệm hạng II mới mà mà không cần căn cứ nhiệm vụ đang thực hiện và họ sẽ được phân công làm cán bộ quản lý như Cục Nhà giáo hướng dẫn.

Xin được liệt kê 2 đối tượng đang hưởng lương hạng II cũ hiện nay ở tiểu học, trung học cơ sở gồm:

Đối tượng 1: Những giáo viên chỉ cần có bằng đại học (bất kể là hình thức chính quy, từ xa hay tại chức) thì năm 2011 họ đã được chuyển xếp lương đại học, đến năm 2015 thì 100% giáo viên trên được chuyển sang lương hạng II cũ (có hệ số lương từ 2,34 - 4,98).

Đối tượng 2: Những giáo viên được tuyển dụng trước 2015 thì khi tuyển dụng có bằng đại học thì được hưởng lương đại học, đến đến năm 2015 thì 100% giáo viên trên cũng được chuyển sang lương hạng II cũ (có hệ số lương 2,34 - 4,98).

Như vậy, 2 đối tượng giáo viên đang hưởng lương hạng II cũ thực tế khi chuyển lương theo Thông tư 21, 22/2015/TTLT-BNV-BGDĐT không cần có bất kỳ tiêu chuẩn, nhiệm vụ,… nên số lượng giáo viên trên hiện nay khá nhiều.

Còn những giáo viên có bằng đại học từ năm 2012, giáo viên có bằng đại học tuyển dụng ở năm 2015 trở về sau thì quá thiệt thòi, vẫn đang hưởng lương trung cấp, cao đẳng trong khi nhiều người đã là hiệu trưởng, tổ trưởng,… thì trong Thông tư 02, 03 quy định họ chỉ được chuyển sang hạng III mới và phải 9 năm sau họ mới có cơ hội lên hạng II mới.

Quay lại công văn 1099 NGCBQLGD-CSNGCB, Cục Nhà giáo có hướng dẫn Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc rằng: “Khi bổ nhiệm hạng mới không căn cứ vào các nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm mà sau khi bổ nhiệm, hiệu trưởng cơ sở giáo dục giao nhiệm vụ đối với những giáo viên này và giáo viên đó phải thực hiện nhiệm vụ của mình”.

Như vậy có thể hiểu theo hướng dẫn này, 100% giáo viên hạng I, II cũ nếu được bổ nhiệm sang I, II mới thì sẽ được bổ nhiệm làm cán bộ quản lý (tổ trưởng, hiệu trưởng,…) do một số nhiệm vụ của giáo viên hạng I, II mới gần như chỉ tổ trưởng, tổ phó mới có.

Sẽ có trường hợp những giáo viên trên bị “ép”, phân công làm cán bộ quản lý mà không cần biết họ có năng lực ra sao, từng giữ nhiệm vụ gì, có hoàn thành nhiệm vụ không,…

Như vậy giáo viên dù giỏi hay chưa giỏi, có năng lực hay không khi được bổ nhiệm sang hạng I, II mới thì phải thực hiện nhiệm vụ tổ trưởng, tổ phó?

Bên cạnh đó sẽ có những giáo viên đang có bằng đại học, thạc sĩ đang giữ nhiệm vụ hiệu trưởng, tổ trưởng nhưng ở hạng III cũ, họ chỉ được bổ nhiệm sang hạng III mới thì họ sẽ bị mất chức vụ quản lý không? Vì nhiệm vụ của giáo viên hạng III là nhiệm vụ của giáo viên, ít gắn với nhiệm vụ cán bộ quản lý. Nên họ lo ngại việc “mất chức” là có cơ sở.

Đây là bất cập lớn nhất của chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà rất nhiều nhà giáo kiến nghị xem xét, sửa đổi.

Hiện nay, số lượng giáo viên hưởng lương hạng II, I cũ tại các trường trung học cơ sở, tiểu học có trên 60% - 70% nếu chỉ cần chuyển qua hạng II mới 50% thì phân công họ làm cán bộ quản lý ra sao?

Tôi ví dụ một trường tiểu học có 50 giáo viên, nếu chuyển sang hạng II, I mới đến 25 giáo viên thì với 25 giáo viên đó sẽ phân công họ làm tổ trưởng, tổ phó, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng ra sao khi trường học chỉ cần khoảng 5 – 10 giáo viên giữ nhiệm vụ trên.

Vậy những giáo viên còn lại hiệu trưởng sẽ phân công họ ra sao để gắn với nhiệm vụ hạng I, II mới. Nếu không phân công được giáo viên trên gắn với nhiệm vụ hạng I, II thì sẽ giải quyết như thế nào?

Nếu khi họ được bổ nhiệm hạng II mới họ không đồng ý làm và không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không đủ các tiêu chuẩn, năng lực hoặc không được tập thể tín nhiệm để giữ nhiệm vụ cán bộ quản lý thì có quy định nào “kéo” họ “xuống hạng” không? Xếp lương họ ra sao? Thực tế chưa có văn bản nào hiện nay quy định việc “xuống hạng”.

Rõ ràng Cục Nhà Giáo hướng dẫn như vậy là bất cập, khiên cưỡng gây bức xúc thêm cho những giáo viên đã có trình độ thạc sĩ, cử nhân từ năm 2012 đang hưởng lương trung cấp, cao đẳng đang giữ chức vụ quản lý, có năng lực.

Bên cạnh đó, những giáo viên đó nếu được bổ nhiệm giáo viên hạng III mới, được phân công nhiệm vụ giáo viên hạng III thì làm sao có điều kiện tiếp cận nhiệm vụ, tiêu chuẩn giáo viên hạng II mà được thăng lên hạng II, vô cùng bất cập của chia hạng.

Giáo viên có thể thực hiện chưa tốt ở hạng II thì tiếp tục hưởng hạng II suốt đời (chưa có quy định xuống hạng khi không hoàn thành nhiệm vụ thậm chí bị kỷ luật), giáo viên giỏi thì ở hạng III thì lại rất khó lên hạng II chỉ là một trong rất nhiều bất cập trong việc chia hạng, chia đạo đức giáo viên hiện nay. Điều này tiếp tục gây bức xúc, bất cập và bất công với những giáo viên trên.

Đồng quan điểm tác giả Kim Oanh trong bài viết “Giáo viên mong mỏi nhất là Bộ dừng thực hiện các thông tư xếp hạng năm 2021” và nhiều tác giả khác về hàng loạt bất cập, bất công của việc chia hạng, xếp lương,… nên người viết tiếp tục tha thiết kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tạm thời dừng việc bổ nhiệm xếp lương theo chùm Thông tư mới, việc làm cấp thiết hiện nay là chỉ cho giáo viên có trình độ thạc sĩ, cử nhân đang hưởng lương hạng III, IV cũ (lương cao đẳng, trung cấp) và những giáo viên mới được tuyển dụng được hưởng lương theo trình độ đào tạo là đã giải quyết được bất cập, bức xúc hiện nay.

Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục xin đừng hướng dẫn riêng cho các địa phương nữa, càng hướng dẫn, càng thực hiện thì đi từ bất cập, bất công này đến bất công khác, khiến giáo viên bức xúc nhiều hơn, đặc biệt là có thể dẫn đến tình trạng hình thành các "phe nhóm" xung quanh hiệu trưởng, người có thẩm quyền giao nhiệm vụ của giáo viên hạng I, hạng II cho các viên chức trong trường học.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM