Việt Nam học là ngành khoa học nghiên cứu về đất nước và con người Việt Nam trên những phương diện về văn hóa, lịch sử, địa lý, văn học, du lịch, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng, nghệ thuật biểu diễn, kiến trúc Việt Nam, các tộc người ở Việt Nam… nhằm làm bật lên những khía cạnh độc đáo, đặc sắc của Việt Nam.
Trong xu thế hội nhập và toàn cầu, Việt Nam học giúp người Việt hiểu hơn về đất nước; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời góp phần vào việc xây dựng cộng đồng văn hóa đa dạng và phong phú; đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục và đào tạo nhân lực có kiến thức về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam; có sứ mạng cao cả trong việc truyền bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, làm cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và bạn bè thế giới, góp phần quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh đương đại.

Trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Thuỳ Vinh - Phó Trưởng khoa, Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 - HPU2) cho biết, ngành Việt Nam học đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm. Tỉ lệ sinh viên nhập học trong 5 năm gần đây và điểm trúng tuyển liên tục tăng. Tuyển sinh năm 2024 cho thấy tín hiệu tích cực với số lượng thí sinh đăng ký cao, đặc biệt có nhiều em chủ động tìm hiểu kỹ về ngành từ rất sớm. Năm 2024, điểm trúng tuyển của ngành Việt Nam học là 25,07 (thang điểm 30); số sinh viên nhập học là 75 sinh viên.
Theo đó, ngành Việt Nam học có nhiều điểm hấp dẫn thu hút thí sinh như: Việt Nam học là ngành học “mở” - mở về tri thức, kỹ năng và đặc biệt là cơ hội nghề nghiệp. Sinh viên có thể làm việc trong các lĩnh vực khác nhau: du lịch, giáo dục, truyền thông, nghiên cứu, tổ chức sự kiện, văn hóa ngoại giao… Đặc biệt, trong xu thế quốc tế hóa và nhu cầu du lịch, tìm hiểu về văn hoá Việt Nam, học tiếng Việt gia tăng ở nhiều nước, ngành học này đang trở nên hấp dẫn. Chưa hết, sinh viên có nhiều cơ hội học ngành 2 và có thể nhận được 2 bằng cử nhân.

Chương trình đào tạo của ngành Việt Nam học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 được xây dựng theo hướng liên ngành, kết nối các lĩnh vực như văn hóa, lịch sử, du lịch, ngôn ngữ học…; chú trọng đến việc phát triển năng lực ngoại ngữ; kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, thực tập, thực tế. Sinh viên được học kiến thức nền tảng vững chắc, đồng thời có khả năng linh hoạt lựa chọn định hướng nghề nghiệp trong nhiều lĩnh vực sau này.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Thuỳ Vinh cũng chỉ ra một số ưu thế đào tạo của ngành Việt Nam học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2: “Chương trình đào tạo cập nhật phù hợp với xu hướng hội nhập, toàn cầu hoá và nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động, đây là một trong những ngành đầu tiên trong trường đưa vào chương trình học phần Khởi nghiệp và xây dựng thương hiệu.
Chương trình đào tạo linh hoạt, căn cứ vào tình hình thực tiễn để có sự điều chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập và rèn luyện của sinh viên; chú trọng việc đào tạo song song khối kiến thức văn hoá và khối kiến thức nghiệp vụ - nền tảng quan trọng cho việc thực hành nghề nghiệp sau này. Người học sẽ được trang bị những kiến thức nền tảng về khoa học xã hội và nhân văn; kiến thức toàn diện, chuyên sâu về Việt Nam…
Bên cạnh đó, chương trình gia tăng số lượng tín chỉ với các học phần ngoại ngữ (bao gồm 2 lựa chọn là tiếng Anh và tiếng Trung) nhằm tăng cường năng lực ngoại ngữ, gia tăng cơ hội việc làm và thu nhập của sinh viên sau khi ra trường, đáp ứng xu hướng hội nhập quốc tế.
Đội ngũ giảng viên tâm huyết, nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu, luôn đồng hành, hướng dẫn sinh viên trong học tập, nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp và các hoạt động ngoại khóa.
Khoa thường xuyên tổ chức các hoạt động như hội thảo học thuật, tọa đàm nghề nghiệp, giao lưu với chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia thực chiến trong lĩnh vực văn hoá, du lịch”.

Đối với những sinh viên sau khi tốt nghiệp, nếu có nguyện vọng tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 sẽ hỗ trợ thông qua hoạt động cố vấn học tập, hướng dẫn làm hồ sơ du học, học bổng, giới thiệu các chương trình cao học trong và ngoài nước phù hợp với chuyên môn.
Với vai trò là một giảng viên ngành Việt Nam học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhung - Bộ môn Việt Nam học và Du lịch chia sẻ về một trong những phương pháp dạy học nổi bật nhất. Cô Nhung chia sẻ: “Tôi luôn tâm niệm rằng, việc giảng dạy không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt tri thức, mà còn phải tạo ra môi trường học tập sáng tạo, khơi gợi hứng thú và phát triển toàn diện cho người học.
Trong quá trình hướng dẫn sinh viên ở các học phần chuyên ngành, tôi thường áp dụng phương pháp dạy học dự án để giúp sinh viên củng cố kiến thức lý thuyết và rèn luyện kỹ năng điều tra, phỏng vấn, xử lý thông tin, thuyết trình, làm việc nhóm và sáng tạo sản phẩm. Mỗi dự án là một hành trình khám phá văn hóa, con người và bản sắc Việt Nam từ chính trải nghiệm thực tế của sinh viên. Với khoảng thời gian cho mỗi dự án từ 4-6 tuần, học tập dự án gắn với thực tiễn vừa là một thách thức, vừa là một cơ hội đối với các nhóm sinh viên.
Thông qua các dự án học tập như vậy, sinh viên không chỉ tiếp nhận kiến thức một cách chủ động, mà còn được phát triển kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm - điều rất cần thiết cho công việc hướng dẫn viên, điều hành tour, giảng dạy, cán bộ quản lý văn hóa sau này”.

Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhung, các sản phẩm học tập của các dự án “Sắc màu Xuân Hòa”, Dự án “Điểm đến tâm linh”; Dự án Việt Nam 360, Dự án “Hà Nội trong tôi”…được sinh viên đăng tải trên các nền tảng số như YouTube, Facebook, Page Việt Nam học… cũng góp phần lan tỏa giá trị văn hóa Việt đến cộng đồng đồng. Đồng thời, các dự án học tập cũng tạo dựng “thương hiệu” và tiếp lửa cho các bạn sinh viên kiên định trên hành trình đã chọn “Yêu Việt Nam, học Việt Nam học”.
Sinh viên Nguyễn Duy Hoàng - K49 Việt Nam học, Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2) cho biết: “Ngay từ những năm trung học phổ thông, em đã rất thích tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam. Em quyết định lựa chọn ngành Việt Nam học - một ngành học tuy không quá “hot”, nhưng lại vô cùng đặc biệt và có ý nghĩa. Em lựa chọn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 vì đây là một trong những trường có truyền thống đào tạo tốt, môi trường học tập thân thiện, giảng viên nhiệt tình và luôn hỗ trợ sinh viên.
Trải nghiệm trong học kỳ vừa qua, em đã có rất nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Về mặt học thuật, em đã được học nhiều môn học thú vị không chỉ giúp người học nắm vững kiến thức nền tảng, mà còn mở rộng góc nhìn về các giá trị truyền thống của dân tộc. Không chỉ học lý thuyết trên lớp, sinh viên còn được đi thực tế ở nhiều địa điểm khác nhau. Em nhớ nhất là chuyến đi xem phim tư liệu về địa đạo Củ Chi, hay tham quan Nhà hát Chèo Việt Nam...”.


Một trong những định hướng quan trọng của ngành Việt Nam học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 là đào tạo gắn với thực tiễn. Điều này thể hiện ở sự kết hợp linh hoạt giữa đào tạo lý thuyết kết hợp với thực hành, thực tập. Cụ thể:
Chương trình đào tạo được chú trọng xây dựng, điều chỉnh dựa trên sự tham vấn của các bên liên quan trong đó có các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động về nhu cầu tuyển dụng và các yêu cầu về tuyển dụng nhân sự, từ đó xây dựng chuẩn đầu ra của chương trình phù hợp với đòi hỏi thực tiễn.
Trong quá trình đào tạo, sinh viên bồi dưỡng kiến thức, năng lực chuyên môn qua các chương trình tập huấn, chia sẻ từ chuyên gia, doanh nghiệp/đơn vị tuyển dụng; tăng cường các hoạt động thực tế, trải nghiệm. Sinh viên được lựa chọn thực hành, trải nghiệm thực tế tại các địa chỉ văn hoá, các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn. Sinh viên được thực tập chuyên môn tại các công ty du lịch, trung tâm văn hoá, trường, trung tâm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.
Tổ chức các cuộc thi nghiệp vụ, tăng cường hoạt động của các câu lạc bộ; tổ chức các chương trình, hoạt động, tập huấn rèn luyện kỹ năng mềm và các kỹ năng khác cần thiết cho sinh viên.
Đưa hoạt động giáo dục, thực hành nghề ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn với đơn vị sử dụng lao động. Đầu tư, chú trọng trong các hoạt động kết nối với các doanh nghiệp/đơn vị sử dụng lao động, tăng cường các hoạt động thực hành nghề tại đơn vị sử dụng lao động; thường xuyên mời các chuyên gia thực chiến, cựu sinh viên của ngành về trao đổi, chia sẻ, đào tạo cho sinh viên.cung cấp, hỗ trợ thông tin phong phú, kịp thời về cơ hội việc làm, thị trường lao động.

Về hợp tác đối ngoại, Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2) đã và đang phối hợp với: Các đơn vị nghiên cứu văn hoá, giáo dục như Bảo tàng văn học Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), các trung tâm giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài... hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành du lịch, truyền thông trong và ngoài nước, để đưa sinh viên đến thực hành, thực tập, tổ chức hội thảo, tập huấn…
Đồng thời, mạng lưới cựu sinh viên làm việc cũng là một kênh phát triển mạnh có tác động tích cực trong việc hỗ trợ kết nối tuyển dụng, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp.
Từ góc độ của đơn vị đối tác, ông Nguyễn Văn Hiếu - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Du lịch Vitamin Tours, đồng thời cũng là cựu sinh viên ngành Việt Nam học cho biết: “Việc hợp tác đào tạo được triển khai đa dạng, theo cả hai phía khoa, ngành kết nối với doanh nghiệp và doanh nghiệp kết nối với khoa, ngành.
Cụ thể, doanh nghiệp được mời tham gia tham vấn chương trình đào tạo ngành Việt Nam học. Tại đây, bằng kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch, chúng tôi đã đưa ra những gợi ý về việc tăng cường các học phần Du lịch mang tính thực chiến, bắt kịp xu thế, chương trình đào tạo sinh viên hướng tới phục vụ chuẩn 4*,5*; đồng thời phát huy những điểm mạnh của sinh viên Việt Nam học”.
Công ty TNHH Công nghệ Du lịch Vitamin Tours cũng được mời tham gia trực tiếp trong các hoạt động nghiệp vụ của sinh viên ngành Việt Nam học như trở thành giám khảo, nhà tài trợ của hội thi Nghiệp vụ Việt Nam học.
Hằng năm, Công ty TNHH Công nghệ Du lịch Vitamin Tours cũng thường xuyên tiếp nhận sinh viên ngành này về thực tập và sẵn sàng tiếp nhận sinh viên sau khi tốt nghiệp về làm việc.

“Chúng tôi cho rằng, việc hợp tác đào tạo mở ra cơ hội phát triển cả cho Khoa Ngữ văn, ngành Việt Nam học và doanh nghiệp. Nhờ sự hợp tác chặt chẽ từ khâu triển khai chương trình đào tạo, cho đến các kết nối chặt chẽ trong suốt quá trình đào tạo các doanh nghiệp có cơ hội để “đặt hàng” nguồn nhân sự có chất lượng, có năng lực làm việc gắn với thực tiễn.
Chúng tôi cũng tin rằng, sự kết hợp này cũng sẽ giúp Khoa Ngữ văn có những điều chỉnh phù hợp trong quá trình đào tạo đồng thời gia tăng thêm cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Việt Nam học sau khi ra trường.
Trong quá trình hợp tác, chúng tôi nhận thấy, chương trình đào tạo của ngành Việt Nam học ngày càng được điều chỉnh theo hướng gần với nhu cầu thực tiễn của thị trường du lịch. Tuy nhiên, chúng tôi cũng kỳ vọng, đầu ra chương trình đào tạo sẽ tiếp tục chú trọng hơn nữa đến việc cân bằng giữa tri thức và kỹ năng mềm để hướng nghiệp” - ông Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ.

Bên cạnh đó, trong thời kỳ chuyển đổi số mạnh mẽ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng như Khoa Ngữ văn, ngành Việt Nam học cũng đã có nhiều sự đổi mới trong công tác đào tạo: Sử dụng đa dạng và linh hoạt các nền tảng số trong dạy học: LMS, Google Classroom, phần mềm làm video như Canva, CapCut, AI hỗ trợ nội dung (như ChatGPT). Kết hợp linh hoạt các hình thức: dạy học trực tiếp, dạy học trực tuyến, kết hợp giữa dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến. Sinh viên được khuyến khích xây dựng dự án cá nhân hoặc nhóm tạo thành các sản phẩm học tập số.
Hiệu quả mang lại là sinh viên tự tin hơn trong giao tiếp, sử dụng công nghệ thành thạo, có khả năng trình bày - trình diễn nội dung chuyên môn qua hình thức hiện đại, đồng thời tạo ra các sản phẩm học tập có thể ứng dụng ngay trong thực tiễn nghề nghiệp.

Theo Phó Trưởng khoa, Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2), về cơ bản, công tác đào tạo của ngành Việt Nam học đang có nhiều thuận lợi: Định hướng chiến lược của nhà trường trong việc phát triển thành trường đại học đa ngành; Sự linh hoạt trong cơ chế, chính sách đối với khối ngành ngoài sư phạm; sự quan tâm, ủng hộ của nhà trường với khoa Ngữ văn nói chung, ngành Việt Nam học nói riêng.
Về phía Khoa Ngữ văn: Định hướng chiến lược của Ban chủ nhiệm khoa phù hợp với xu hướng phát triển của ngành học, nguồn nhân lực khoa; Chất lượng đầu vào của sinh viên ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh đó là xu thế phát triển của ngành học trong xu hướng toàn cầu hóa và môi trường đa văn hoá.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Thùy Vinh cũng chỉ ra, bên cạnh những thuận lợi, công tác đào tạo ngành Việt Nam học cũng đứng trước một số khó khăn: “Khó khăn lớn nhất hiện nay có lẽ là nhận thức xã hội về ngành Việt Nam học vẫn còn khá hạn chế. Nhiều phụ huynh và học sinh chưa thực sự hiểu rõ cơ hội nghề nghiệp rộng mở mà ngành này mang lại.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập hiện nay, ngành Việt Nam học là một ngành học đòi hỏi sự linh hoạt và cập nhật. Điều đó đòi hỏi Khoa Ngữ văn cần phải luôn nghiên cứu, bám sát thực tiễn, có những điều chỉnh phù hợp trong công tác đào tạo để mang tính cập nhật, thời sự. Điều này tất nhiên sẽ đòi hỏi nhiều công sức và thời gian và cũng mang đến những áp lực nhất định”.
Từ đó, Phó Trưởng khoa đề xuất một số giải pháp: “Đẩy mạnh truyền thông định hướng nghề nghiệp từ bậc phổ thông, phát huy vai trò của cựu sinh viên, đồng thời mở rộng liên kết doanh nghiệp và tổ chức quốc tế.
Về phía nhà trường, tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo theo hướng mở, tăng cường thực hành - trải nghiệm và tích hợp công nghệ hiện đại đáp ứng những yêu cầu của thời đại chuyển đổi số”.

Bà Trần Thị Thanh Lan - cựu sinh viên K36E Việt Nam học, hiện là Trưởng phòng Kinh doanh, Khu du lịch sinh thái Thung Nham (Ninh Bình) và khu nghỉ dưỡng Aravinda Resort đã chia sẻ về cơ hội việc làm rộng mở sau khi tốt nghiệp.
“Ngành du lịch Việt Nam đang đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, tạo việc làm, thúc đẩy các ngành liên quan và tăng cường quan hệ quốc tế. Vì vậy, cơ hội đối với sinh viên ngành Việt Nam học sau khi ra trường là vô cùng rộng mở.
Trên thực tế, chính sự đa dạng của ngành học không chỉ giúp sinh viên có nhiều lựa chọn nghề nghiệp, mà còn là cơ hội phát triển bản thân và đóng góp cho việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Bởi, “không có ngành học lỗi thời - chỉ có người học thiếu định hướng”.
Ngành Việt Nam học là ngành học có chiều sâu, tính ứng dụng cao và cơ hội phát triển rất rộng nếu chúng ta biết nắm bắt. Học bằng đam mê, bổ sung kỹ năng thực tiễn và tự tin theo đuổi hành trình riêng sẽ là cách để mỗi người kiến tạo nên con đường riêng của mình” - bà Thanh Lan nhắn nhủ.
