LTS: Năm 2016 khép lại với nhiều kết quả đáng ghi nhận của ngành Giáo dục.
Bên cạnh đó cũng còn nhiều trăn trở về những việc cần được triển khai mạnh mẽ và làm tốt hơn trong thời gian tới.
Nhân dịp xuân Đinh Dậu, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ để lắng nghe những chia sẻ và dự định của ngành trong năm 2017.
Tòa soạn trân trọng gửi đến quý độc giả!
Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, sau hơn 9 tháng điều hành hoạt động của ngành, Bộ trưởng đánh giá thế nào về các kết quả ngành Giáo dục đã đạt được, những điểm sáng có thể nêu ra là gì?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tôi nhận nhiệm vụ Bộ trưởng từ tháng 4/2016 để tiếp nối công việc từ những người tiền nhiệm.
Trên cơ sở kế thừa, phát huy những thành tựu, nỗ lực của toàn ngành những năm qua, xác định rõ yêu cầu, trách nhiệm của ngành trước sự vận động, thay đổi của đất nước, nhiều quyết sách, chính sách giáo dục trong năm 2016 đã có tác động tích cực, góp phần làm thay đổi suy nghĩ, cách thức quản lý và hoạt động của cả hệ thống giáo dục từ trung ương đến địa phương.
Ban hành Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam là điểm nhấn quan trọng hàng đầu trong năm 2016.
Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới được thiết kế theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo;
đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông (THPT); tạo điều kiện để quy hoạch đồng bộ lại mạng lưới các cơ sở giáo dục.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời phỏng vấn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: Trung tâm truyền thông Bộ GD&ĐT) |
Khung trình độ quốc gia Việt Nam với cấu trúc thành 8 bậc phù hợp với cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và văn bản pháp luật hiện hành.
Thực hiện tốt Khung trình độ quốc gia Việt Nam sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, làm căn cứ để xây dựng chương trình đào tạo, công nhận và miễn trừ kinh nghiệm học tập, lao động để thúc đẩy việc học tập suốt đời của người dân.
Trên tinh thần cầu thị và lắng nghe, năm 2016, ngành Giáo dục đã mạnh dạn nhìn lại những quy chế, quy định còn hạn chế để thay đổi, bổ sung và hoàn thiện.
Thông tư 22 về đánh giá học sinh tiểu học trên cơ sở hoàn thiện Thông tư 30 được ban hành đã góp phần làm giảm áp lực, tạo ra khí thế mới cho giáo viên và học sinh tiểu học, trong khi vẫn giữ được tinh thần nhân văn của Thông tư 30.
Quy chế đào tạo tiến sĩ hay Nghị định quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đang trong quá trình hoàn thiện với nhiều điểm mới hứa hẹn sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực về chất lượng đào tạo.
Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2016 đã cơ bản khắc phục được những hạn chế của kỳ thi năm 2015 và nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của xã hội.
Có thể nói đây là kết quả quan trọng để ngành tiếp tục triển khai phương án thi, tuyển sinh đại học năm 2017 và các năm tiếp theo theo hướng ngày càng nhẹ nhàng, khách quan, minh bạch hơn.
Việc quy chế thi và quy chế tuyển sinh được công bố sớm hơn mọi năm đã giúp cho các địa phương, các nhà trường có đủ thời gian chuẩn bị; học sinh sẽ chuẩn bị tốt kiến thức, kỹ năng và không gặp trở ngại với phương án thi mới này.
Năm 2016 tiếp tục là một năm khẳng định vị thế của giáo dục Việt Nam với thế giới khi 8 đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế đều mang về Huy chương Vàng, trong đó có Huy chương Vàng môn Sinh học chúng ta phải chờ đợi 15 năm qua.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã làm gì cho ngành giáo dục sau 9 tháng cầm quân? |
Cũng trong năm 2016, Việt Nam đã tổ chức thành công Kỳ thi Olympic quốc tế Sinh học lần thứ 27 với sự tham gia của hơn 250 học sinh đến từ 68 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Những ngày cuối cùng của năm 2016, chúng ta đón nhận một tin vui nữa khi theo kết quả PISA 2015, Việt Nam xếp thứ 8 về lĩnh vực khoa học trên tổng số 72 quốc gia tham gia đánh giá.
Đối với ngành Giáo dục, năm 2016 còn có thể coi là năm bản lề với nhiều kế hoạch mới bắt đầu được xây dựng để triển khai trong những năm tiếp theo như:
Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”;
Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”;
Triển khai giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 của đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”…
Những đề án, kế hoạch này chính là sự cụ thể hóa 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản mà ngành Giáo dục đang triển khai thực hiện trong năm học này và những năm tiếp theo.
Dư luận hoan nghênh và đồng tình rất cao khi Bộ trưởng trả lời báo chí và cho biết năm 2017 sẽ là năm tăng cường kỷ cương giáo dục.
Xin Bộ trưởng vui lòng chia sẻ với bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về các giải pháp của Bộ để tăng cường kỷ cương giáo dục, nhất là về hoạch định, ban hành và giám sát thực hiện các chính sách?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Cùng với phương hướng và những nhiệm vụ đặt ra cho năm 2017, tăng cường kỷ cương, nền nếp được ngành Giáo dục xác định là trọng tâm đầu tiên phải thực hiện trước khi triển khai các nhiệm vụ tiếp theo.
Bởi chỉ có kỷ cương, nền nếp mới tạo nên được một môi trường giáo dục mang tính bền vững.
Để tăng cường kỷ cương giáo dục, năm 2017, ngành Giáo dục sẽ tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế những văn bản quy phạm pháp luật của ngành và liên quan đến ngành đang bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, không đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Thường xuyên đánh giá hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.
Ngành cũng sẽ tích cực rà soát quy trình, quy chế làm việc, phân công, phân cấp, nâng cao trách nhiệm thực thi nhiệm vụ và trách nhiệm giải trình. Nâng cao chất lượng công tác phối hợp trong xử lý công việc.
Tăng cường giao quyền chủ động cho các địa phương trong quản lý giáo dục; các cơ sở giáo dục và giáo viên trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương và khả năng học tập của học sinh, sinh viên.
Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đẩy mạnh việc kết nối thông tin với các sở giáo dục và đào tạo và các cơ sở đào tạo trực thuộc.
Các vấn đề của địa phương, các cơ sở giáo dục được thông tin, đề xuất kịp thời với Bộ để cùng chia sẻ và tìm hướng giải quyết.
Sự kết nối càng chặt chẽ bao nhiêu thì quá trình hoạch định, ban hành và giám sát thực hiện các chính sách về giáo dục sẽ càng sát thực và hiệu quả bấy nhiêu.
Thưa Bộ trưởng, chủ trương siết chặt và triển khai kiểm định chất lượng giáo dục đại học là hoàn toàn đúng đắn, cần thiết và cấp bách.
Để cụ thể hóa chủ trương này, Bộ đã chuẩn bị những giải pháp gì? Lộ trình như thế nào? Các hội nghề nghiệp và báo chí đóng vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy minh bạch hóa chất lượng đào tạo đại học?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đến nay, hệ thống văn bản về đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học đã và đang được xây dựng, ban hành tương đối đầy đủ.
Nếu như Luật giáo dục năm 2005 chỉ có 1 điều quy định về kiểm định chất lượng giáo dục thì Luật giáo dục đại học năm 2012 đã có cả một chương quy định về đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
Theo đó, khẳng định kiểm định chất lượng là hoạt động bắt buộc đối với cơ sở giáo dục đại học và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học được sử dụng làm căn cứ để xác định chất lượng giáo dục đại học, vị thế và uy tín của cơ sở giáo dục đại học.
Về phát triển mạng lưới tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, đến nay có 04 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục được cấp phép hoạt động và đã triển khai hoạt động đánh giá các cơ sở giáo dục đại học.
Đổi mới phương pháp giảng dạy, tiêu điểm của đổi mới căn bản, toàn diện |
Cả nước có 236 người đã qua thi tuyển và được cấp thẻ kiểm định viên và là nguồn chuyên gia đánh giá để các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tuyển chọn làm việc cho trung tâm và tham gia các đoàn đánh giá ngoài.
Trong năm 2016 vừa qua, hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học được đẩy mạnh. Cả nước đã có 30 trường đại học, học viện được đánh giá ngoài trong đó 12 trường đã được công nhận đạt chất lượng giáo dục.
Các trường còn lại đang trong quy trình làm thủ tục công nhận theo các quy định hiện hành. Nhiều trường đã hoàn thành tự đánh giá và đã đăng ký đánh giá ngoài với các trung tâm kiểm định, dự kiến được tiến hành vào đầu năm 2017.
Về kiểm định chương trình đào tạo, trong năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Thông tư số 04/2016/TT-BGDÐT ngày 14/3/2016 quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học theo tiếp cận bộ tiêu chuẩn đánh giá chương trình của AUN-QA.
Đến nay, một số cơ sở giáo dục đại học đã triển khai tự đánh giá chương trình đào tạo theo bộ tiêu chuẩn này và dự kiến đăng ký kiểm định với các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục.
Cùng với xu hướng giao tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học học, trong thời gian tới hoạt động kiểm định chất lượng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường đại học dựa trên bộ tiêu chuẩn đánh giá của AUN-QA, dự kiến sẽ ban hành và triển khai áp dụng trong năm 2017.
Bộ tiêu chuẩn mới đang nhận được những phản hồi tích cực từ dư luận xã hội.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học một mặt để làm công cụ hỗ trợ công tác quản lý và công khai cho xã hội giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tăng cường năng lực cho các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, phát triển đội ngũ kiểm định viên để các trung tâm hoàn thành sứ mạng và mục tiêu đề ra.
Truyền thông và các tổ chức nghề nghiệp chính là lực lượng quan trọng giám sát kết quả, quá trình minh bạch, công khai thông tin kiểm định của các trường.
Bộ trưởng đánh giá như thế nào về công tác hoạch định và phản biện các chính sách giáo dục hiện nay của Bộ? Làm thế nào để nâng cao chất lượng xây dựng chính sách giáo dục, quản lý nhà nước về giáo dục?
Vai trò của truyền thông đối với việc giám sát, phản biện độc lập các chính sách này như thế nào?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tôi cho rằng, thời gian qua Bộ đang cố gắng làm tốt công tác hoạch định chính sách giáo dục. Các chính sách mới đã đi đúng hướng của quá trình đổi mới và yêu cầu đổi mới.
Mỗi chính sách khi đi vào thực tế sẽ trải qua những thử thách từ cách nhìn nhận, cách đón nhận đến điều kiện để triển khai. Tuy vậy, vẫn còn đâu đó những chính sách chưa thực sự hòa hợp với thực tiễn.
Nhưng ngành luôn cầu thị, lắng nghe và tự nhìn nhận để thay đổi sao cho mỗi chính sách phải có đời sống dài và tạo ra sự thay đổi tích cực cho giáo dục.
Theo tôi, không có cách nào khác để nâng cao chất lượng xây dựng chính sách giáo dục ngoài việc bám sát thực tiễn, lắng nghe thực tiễn và chia sẻ với thực tiễn.
Giáo dục là một ngành đặc thù với sự tác động rộng lớn.
Giáo dục còn là lâu dài nên không thể nóng vội, các vấn đề đặt ra cho giáo dục cũng không thể giải quyết ngay trong ngày một ngày hai, có những vấn đề sẽ không bao giờ kết thúc, bởi hoàn thành ở mức độ này sẽ đặt ra đòi hỏi ở mức độ cao hơn.
Vì vậy, các chính sách về giáo dục cũng phải vận động từng ngày.
Chúng tôi đặc biệt coi trọng vai trò của truyền thông đối với việc giám sát, phản biện độc lập các chính sách.
Rõ ràng, thời gian qua vai trò này được thể hiện rất rõ nét. Không một chính sách nào của ngành trước khi ban hành không công khai trước công luận để đón nhận ý kiến phản biện.
Không có sự giám sát, phản biện như thế của truyền thông sẽ không thể có được những chính sách giáo dục tốt. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự giám sát, phản biện tích cực hơn nữa từ truyền thông.
Năm mới đã đến, qua Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Bộ trưởng có nhắn nhủ gì với học sinh, sinh viên, các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục cả nước?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Năm 2017 là năm tiếp tục triển khai rất nhiều chính sách giáo dục quan trọng nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.
Những gì đã làm được trong năm 2016 là sự khởi đầu cho những kế hoạch mới trong năm 2017 và những năm tiếp theo.
Nhìn vào những kỳ vọng của xã hội với giáo dục sẽ thấy, ngành còn rất nhiều việc phải làm.
Chúng tôi thấy rõ trách nhiệm của ngành, luôn cầu thị và đang tìm ra những giải pháp hợp lý để giải quyết các vấn đề đặt ra đối với giáo dục nước nhà.
Chúng tôi mong nhận được sự đồng hành và tin tưởng của các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục, các em học sinh, sinh viên trong cả nước để từng bước đáp ứng được những kỳ vọng ấy.
Nhân dịp đón xuân Đinh Dậu, thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi xin gửi lời cảm ơn và lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, những người đã luôn dành sự quan tâm, đồng hành với ngành Giáo dục trong suốt một năm qua.
Chúc các em học sinh, sinh viên trong cả nước có một năm mới với những tiến bộ và thành công mới!
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!