Cơn lũ quét qua đã cuốn trôi sách vở, bàn ghế, để lại phía sau là cảnh hoang tàn, đổ nát của những ngôi trường, những khuôn mặt phờ phạc của giáo viên, học sinh vì chạy lũ. Những ký ức đó sẽ lùi xa, học sinh, giáo viên vùng lũ nỗ lực để hoàn thành kế hoạch năm học.
Học trò chưa kịp vượt qua cú sốc vì dịch bệnh Covid-19 thì mưa bão lại liên tiếp ập đến. Con đường đến trường của các em càng thêm chông gai, gập ghềnh.
Cô Hoàng Thị Hòa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Liên Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) nhặt nhạnh những gì còn sót lại của ngôi trường sau cơn lũ dữ. Ảnh tư liệu: AN |
“Một năm học chưa từng có trong lịch sử…”
Đó là lời chia sẻ của cô Lê Thị Loan – Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế). Ngôi trường trải qua cơn bão số 5 lại tiếp tục hứng thêm hai đợt “lũ chồng lũ” khiến mọi thứ tiêu điều, xơ xác.
Những mái ngói đỏ vừa được bộ đội về lợp lại nay cũng bị gió cuốn mất, cây cối ngã rạp, đổ ngổn ngang.
“Cô trò vừa mới trở lại trường sau mấy đợt dịch Covid-19 thì gặp mưa, bão liên tiếp. Mặc dù nhà trường đã chủ động các biện pháp ứng phó nhưng vẫn chịu nhiều thiệt hại. Khổ nhất là sách vở học trò bị lũ cuốn trôi, phải đến trường học nhờ sách của bạn”, cô Loan cho biết.
Nước chưa kịp rút, các cô lại bắt tay dọn dẹp nhà trường để đón học sinh. Ảnh tư liệu: AN |
Đi dọc các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh, Quảng Bình đến Quảng Nam, Quảng Ngãi… ở đâu cũng có “vết tích” của những trận cuồng phong, lũ quét.
Những ngôi trường như trường cô Loan chỉ là số ít trong số hàng ngàn ngôi trường suốt dọc một dải miền Trung bị bão lũ quật tơi tả, có nơi sập hẳn, không thể sử dụng được.
Mặc dù trận lũ lịch sử đã quét qua gần hai tháng nay, nhưng nhiều trường học ở các huyện miền núi của Quảng Trị vẫn đang phải khắc phục.
Sự tàn phá của những đợt lũ quét vẫn còn ám ảnh trong những đôi mắt trong veo của học trò ở Hướng Việt, Hướng Phùng (Quảng Trị).
Hàng ngàn mét khối đất đá nhấn chìm những khu nhà nội trú, nhà ăn, phòng học… của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Việt.
Nước chưa kịp rút, các cô lại bắt tay dọn dẹp nhà trường để đón học sinh. Ảnh tư liệu: AN |
Thầy giáo Nguyễn Văn Tý – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, khi những trận mưa dứt thì các thầy cô cùng với đội tình nguyện đã xắn tay vào quét dọn, lau rửa bùn đất để đón các em trở lại trường. Nhưng do bị ngâm nước lâu ngày, tường bao cũng sắp đổ sụp nên thầy trò cùng học trong tâm trạng nơm nớp lo sợ.
“Mưa bão cũng khiến nhiều học sinh không trở lại trường, quên mất mặt chữ. Thầy cô lại phải lặn lội vào tận từng bản làng để động viên, đưa các em trở lại lớp. Dù phía trước còn nhiều khó khăn nhưng thầy cô sẽ cố gắng để các em theo kịp chương trình”, thầy Tý chia sẻ.
Ngày mới tươi sáng
Quét dọn bùn – nhặt nhạnh những đồ dùng học tập còn dùng được - dựng lại những nếp trường tạm bợ là công việc của các thầy cô giáo ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam những ngày qua.
Điểm trường Tắk Pổ, (thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, Nam Trà My, Quảng Nam) là nơi truyền cảm hứng cho thầy trò cả nước, nơi có những giáo viên vượt qua khó khăn, gian khổ để bám lớp, bám trường cũng bị xô ngã trong cơn bão số 9 vừa qua.
Phối cảnh ngôi trường Tắk Pổ sẽ hoàn thiện vào năm tới, thay thế điểm trường cũ đã bị mưa bão xô đổ. Ảnh: đồ họa |
Gió lớn đã đẩy ngôi trường dịch chuyển khỏi vị trí ban đầu hơn một mét, nhiều dụng cụ dạy học bị nước cuốn trôi, hư hỏng. Khi bão lũ tạm đi qua, cô trò Tắk Pổ phải mượn tạm nhà dân ở gần điểm trường để làm “lớp học dã chiến”.
Thầy giáo Lê Huy Phương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập cho biết, khi hay tin Tắk Pổ bị mưa bão quét sập, nhiều người đã gọi điện về động viên, chia sẻ.
Một điểm trường đẹp, nằm giữa mây ngàn Ngọc Linh, nơi có những giáo viên trẻ ngày đêm miệt mài gieo chữ sẽ chỉ còn là ký ức.
Con đường đến với tri thức của những đứa trẻ Ca Dong sẽ thêm nhọc nhằn, chông gai. Nhưng trước những bộn bề khó khăn sau bão, thầy Phương nhận được thông tin về những tấm lòng sẽ chung tay để xây dựng lại điểm trường Tắk Pổ xinh đẹp và khang trang hơn.
Già làng Mô Rỗi (đứng giữa) trong lễ cúng đặt viên gạch đầu tiên xây dựng điểm trường Tắk Pổ. Ảnh: HP |
“Mưa bão chưa ngớt thì chúng tôi đã vào khảo sát địa điểm để đặt những viên gạch đầu tiên xây trường. Hôm khởi công, già làng Mô Rỗi đã đến cúng và cầu phúc cho điểm trường sớm được hoàn thành. Thầy cô và học trò, ai cũng mong ngóng một ngôi trường mới ở Tắk Pổ”, thầy Phương cho hay.
Trong khi cô trò Tắk Pổ đợi chờ một ngôi trường mới thì ở những ngôi trường khác của vùng “rốn lũ”, học sinh cũng đón nhận những chiếc ba lô, sách vở mới để tiếp tục một năm học đầy biến động.