Nghỉ hè phải dạy bổ sung kiến thức cho HS chuyển đổi tổ hợp môn, GV tâm tư

13/07/2023 06:40
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều giáo viên phải dạy hè giúp học sinh lớp 10 chuyển đổi tổ hợp môn cho kịp khung thời gian năm học 2023-2024.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh lớp 10 phải học 8 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

Cùng với đó, mỗi học sinh phải chọn 3 trong số 9 môn tự chọn: Vật lí, Hoá học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học để bảo đảm thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, quy định về kiểm tra, đánh giá và thời gian để học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chỉ sau một học kỳ của năm học 2022-2023, nhiều học sinh trường tôi cảm thấy không còn phù hợp với tổ hợp môn đã chọn và các em có hiện tượng oải khi phải theo tổ hợp môn học mình không thích hoặc không thực sự phù hợp.

Kết thúc năm học qua, trường tôi có hàng chục học sinh lớp 10 xin chuyển đổi môn học tự chọn vì đầu năm học các em lựa chọn tổ hợp môn chưa phù hợp với năng lực của bản thân.

Cùng với đó, giáo viên dạy các môn học tự chọn và cụm chuyên đề học tập phải dạy trong thời gian hè nhằm giúp học sinh lớp 10 chuyển đổi tổ hợp môn cho kịp khung thời gian năm học mới 2023-2024.

Sở dĩ thầy cô giáo phải dạy suốt 3 tháng hè vì các môn tự chọn được phân phối chương trình 70 tiết/năm học. Theo thời khóa biểu, học sinh bắt đầu đi học từ đầu tháng 6, học trực tiếp ở lớp 4 tiết/tuần/môn còn lại các em phải học online (trực tuyến).

Sau khi học xong chương trình khoảng cuối tháng 8 thì nhà trường lập hội đồng kiểm tra đánh giá. Học sinh phải có đầy đủ các cột điểm kiểm tra: thường xuyên (hệ số 1), định kì (giữa kì, cuối kì) theo quy định thì mới được chuyển đổi sang môn học mới năm lớp 11.

Thực tế, các em chuyển đổi tổ hợp môn như là một lần được làm lại nên đa số các em đi học nghiêm túc, đầy đủ và rất nỗ lực trong việc học. Còn thầy cô giáo lên lớp dạy đúng chương trình, không được cắt xén nội dung dù chỉ là một tiết học.

Tuy vậy, một số giáo viên chia sẻ với người viết rằng, nhiều học sinh tiếp thu kiến thức mới rất chậm vì qua một năm học các em không hề xem lại nội dung chương trình môn học được chuyển đổi (môn học mới).

Học sinh chủ yếu nắm được phạm vi kiến thức ở phần nhận biết, thông hiểu và vận dụng thấp.

Riêng phần vận dụng cao, nhiều em không có khả năng tính toán hay vận dụng lí thuyết đã học vào làm bài tập.

Lên lớp 11, lớp 12 các em phải tự học, nỗ lực thật nhiều thì mới có thể lấy điểm học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông xét tuyển vào đại học ở những trường tốp trên.

Đáng nói, giáo viên còn cho biết, trong số những học sinh chuyển đổi tổ hợp môn còn có cả học sinh giỏi.

"Học sinh này xin chuyển từ môn Công nghệ sang môn Vật lí vì đầu năm lớp 10 em hiểu sai nội dung chương trình môn Công nghệ 10. Môn Công nghệ 9 dạy về điện dân dụng nhưng Công nghệ 10 học rất rộng, chẳng hạn: vẽ kĩ thuật, thiết kế kĩ thuật, trồng trọt...", giáo viên này nói thêm.

Nhiều giáo viên trường tôi chia sẻ rằng, khi được lãnh đạo phân công giảng dạy hè cho học sinh chuyển đổi tổ hợp môn, họ đều vui vẻ thực hiện nhiệm vụ với phương châm: Tất cả vì học sinh thân yêu.

Tuy vậy, việc phải dạy cho học sinh trong thời gian nghỉ hè cũng khiến có giáo viên chạnh lòng vì họ không còn thời gian chăm lo gia đình, đi du lịch, về quê thăm người thân...

Trong khi, giáo viên dạy các môn bắt buộc như: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Ngoại ngữ... thì họ được nghỉ hè 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ Luật lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có).

Vậy nên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục của từng địa phương cần có quy định cụ thể về chế độ cho giáo viên dạy chuyển đổi tổ hợp môn vào thời gian nghỉ hè nhằm động viên thêm tinh thần thầy cô.

Liên quan đến việc lựa chọn môn học, nhiều giáo viên bậc trung học phổ thông cho biết, khâu tư vấn chọn môn học tự chọn cho học sinh lớp 10 nếu không được làm bài bản ngay từ đầu năm học thì việc các em xin chuyển tổ hợp môn sẽ còn xảy ra nhiều.

Một số trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện tư vấn có hiệu quả cho học sinh lớp 10 chọn môn học, bao gồm: tư vấn tổng quan, giới thiệu về chương trình nhà trường và tư vấn chuyên sâu chọn môn học lựa chọn, chuyên đề học tập.

Việc lựa chọn môn học, cụm chuyên đề học tập của học sinh cần giữ ổn định cho đến hết lớp 12 thì khâu tư vấn, hướng nghiệp của các nhà trường mới thành công.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương