2 tháng đi làm thêm sụt 7kg
Ở quê hương Thanh Hóa nơi Đinh Thị Vân (sinh năm 1998, thủ khoa ngành Quan hệ công chúng – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) sinh sống, sau khi tốt nghiệp bậc trung học phổ thông, nhiều gia đình định hướng sẵn cho con cái đi xuất khẩu lao động.
Vân bảo, ở quê mình, người dân có một suy nghĩ rất giản đơn “Học đại học xong cũng chỉ để kiếm tiền” và khuyên Vân nên đi xuất khẩu lao động luôn.
Thế nên, tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi có được sau 4 năm học là kết quả của sự nỗ lực, quyết tâm của cô gái xứ Thanh.
Bố mẹ Vân đều xuất thân là những người nông dân quanh năm gắn bó với công việc đồng áng. Để có tiền trang trải cuộc sống và việc học hành của hai người con, những lúc nông nhàn, ông bà lại gắn bó thêm với công việc phụ hồ.
Mặc dù kinh tế gia đình không khá giả nhưng Vân cho biết suy nghĩ của bố mẹ mình khá “tân tiến” khi ông bà luôn động viên các con theo đuổi con đường học vấn.
Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình ngay từ những năm đầu theo học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Vân đã đi làm thêm nhiều nghề để tự trang trải cuộc sống, học tập.
Đinh Thị Vân là thủ khoa ngành Quan hệ công chúng – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
“Việc đi làm thêm để để có chi phí trang trải cuộc sống khiến bản thân em đánh mất khá nhiều thứ trên giảng đường đại học. Đối với em, vấn đề chi phí sinh hoạt rất quan trọng.
Nếu như em không có công việc trong vòng một đến hai tháng thôi thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của mình”, Vân chia sẻ.
Khi Vân bước sang năm thứ hai đại học thì người em gái cũng bắt đầu theo học tại Học viện Ngân Hàng.
Cũng từ thời gian này, những chi phí để duy trì việc học tập, sinh hoạt của cô đều phụ thuộc vào những đồng lương từ việc làm thêm.
Giống như nhiều bạn sinh viên khác, không thể bắt đầu bằng những công việc chuyên môn, Vân tìm các công việc bán thời gian như phục vụ quán ăn, bán quần áo.
Được một thời gian, nhận thấy cần phải tích lũy kinh nghiệm ngay từ khi còn đi học, Vân chuyển sang xin làm những công việc có liên quan đến chuyên ngành bản thân đang theo học.
Vân được nhận vào làm cộng tác viên viết bài cho Tập đoàn Kế toán Hà Nội. Công việc mới khiến Vân mất rất nhiều thời gian để làm quen. Kỷ niệm mà cô bạn nhớ nhất trong quãng thời gian này là lần ôm máy tính đi tìm kiếm sự giúp đỡ.
“Thời điểm đó, công việc của em khá khó và tốn rất nhiều thời gian. Nhiều lần mày mò, tìm đủ mọi cách nhưng không hoàn thành được một bài. Bản thân em cũng không quen biết bất cứ ai có chuyên môn về lĩnh vực.
Trong lúc “cấp bách” quá, em đã phải ôm máy tính đi dọc đường Lương Thế Vinh vào từng quán máy sửa chữa máy tính để xin giúp đỡ.
Nhiều người thấy lạ nhưng sau khi biết được nguyên nhân, nhiều người cũng sẵn sàng hướng dẫn cho em trong phạm vi hiểu biết của họ”, Vân nhớ lại.
Nỗ lực đi làm thêm từ những năm học đại học, Vân đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và kiến thức. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Sau khi tích lũy được những kiến thức cần thiết, Vân chuyển sang làm cộng tác viên cho một công ty chuyên về tư vấn du học. Trong trí nhớ của mình, Vân cho biết đây là khoảng thời gian bản thân bỏ bữa nhiều nhất.
“Công việc của em làm từ 8 đến 12 giờ trưa trong khi đó các tiết học ở trường thường bắt đầu từ 12h45’ nên sau khi tan làm chưa kịp ăn gì em phải bắt xe đến trường để kịp giờ học.
Ròng rã hai tháng như vậy, em sụt 7kg và có lúc tưởng như bản thân không thể cố gắng được nữa”, Vân nói.
Bốn năm, trải qua nhiều công việc, Vân gặp được nhiều người, học hỏi và tích lũy được những kinh nghiệm cần thiết để có thể tự tin khi ra trường.
“PR đã thay đổi mình”
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Vân cho biết ngành Quan hệ công chúng đến với mình như là duyên số và chính ngành học này đã giúp bản thân cô thay đổi rất nhiều.
Khi quyết định thi đại học, Vân có tham khảo ý kiến từ nhiều người trong đó có bố mẹ.
Với suy nghĩ là con gái nên chọn những công việc nhẹ nhàng, bố mẹ đã hướng Vân theo học ngành nghề về giáo viên hoặc bác sĩ.
Thế rồi khi cầm tờ phiếu đăng ký xét tuyển đại học trên tay, Vân quyết định chọn Quan hệ công chúng là ngành học để gửi gắm ước mơ của mình.
Vân tâm sự: “Lúc đó, bản thân em chưa thực sự biết rõ Quan hệ công chúng là gì. Quá trình theo học có nhiều lúc em đã tự nghĩ rằng ngành học này có lẽ không phù hợp với mình bởi bản thân em vốn là một người khá nhút nhát, sợ đám đông và thậm chí có nhiều trường hợp không dám nói lên suy nghĩ của mình.
Nhưng bốn năm qua, em đã phấn đấu thay đổi bản thân để phù hợp với ngành học mình lựa chọn”.
Vân nhớ mãi kỷ niệm khi vào trường khiến bản thân phải quyết tâm thay đổi để phù hợp với ngành học. Đó là lần đầu tiên Vân cầm mic đứng thuyết trình về bài học trước cả lớp.
Bộ dạng rụt rè, miệng nói ấp úng và đôi bàn tay run lên của Vân khiến nhiều bạn trong lớp cười phá lên còn bản thân Vân lúc đó chắc mẩm rằng “đây sẽ là lần cuối cùng mình đứng thuyết trình trước đám đông”.
Đinh Thị Vân hiện đang làm nhân viên truyền thông cho một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tại Hà Nội. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Sau khi hoàn thành các môn đại cương và tiến sâu hơn vào học các môn chuyên ngành, Vân ngỡ ngàng khi buổi học nào cũng phải thuyết trình trước lớp.
Biết chẳng thế trốn tránh, chẳng thế cứ mãi an toàn như trước, Vân đã quyết tâm thay đổi bản thân mình để phù hợp với ngành học.
“Em luôn tâm niệm cách duy nhất để vượt qua khó khăn không phải là trốn tránh mà phải đi xuyên qua nó.
Thay vì tâm lý hoang mang, sợ sệt mỗi khi đến giờ thuyết trình như trước, em chọn cách đối mặt với nó bằng cách chuẩn bị thật kỹ lưỡng trước mỗi buổi thuyết trình”, Vân nói.
Phương pháp được Vân áp dụng là chủ động bấm thời gian để tập nói. Cô nói nhiều hơn, thậm chí khi không có ai Vân cũng đứng trước gương tập nói, tập làm chủ cơ thể của mình.
Tập nhiều thành quen, những buổi thuyết trình sau đó, Vân đối diện với những lo sợ của bản thân mình bằng phong thái tự tin, ngôn ngữ linh hoạt, thoải mái.
Để trải qua bốn năm học với kết quả cao, Vân cho biết bản thân phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều để cân đối giữa thời gian học và thời gian đi làm. Ngoài thời gian đi làm, Vân luôn tận dụng mọi lúc để học và trau dồi kiến thức bản thân.
Nắm bắt được yêu cầu của ngành học, ngoài thời gian ôn tập những kiến thức trên lớp, Vân cũng dành nhiều thời gian để theo dõi những thông tin trên mạng để kịp nắm bắt xu hướng phát triển của thế giới và tìm cách vận dụng những kiến thức thu nhặt được vào công việc.
“Khi cầm trên tay tấm bằng cử nhân Quan hệ công chúng, nhiều lúc em đã ngẫm lại quãng thời gian mình đã trải qua. Mình đã làm những gì? Cố gắng như nào? Thành quả đạt được sau những cố gắng đó ra sao?
Em cảm thấy bản thân chưa từng hối hận khi chọn trường cũng như theo đuổi ngành học này. Kết quả hiện tại cũng là một động lực rất lớn để em có thể tự tin bước vào đời”, Vân tâm sự.
Với thành tích học tập ấn tượng cùng những kinh nghiệm làm việc tích lũy được trong thời gian vừa học, vừa làm, sau khi ra trường, Đinh Thị Vân được nhận vào làm nhân viên truyền thông cho một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tại Hà Nội.
Thành tích nổi bật của Đinh Thị Vân:
+ Học bổng dành cho sinh viên có kết quả học tập tốt năm học 2016-2017, 2017-2018, 2019-2020.
+ Học bổng BIDV năm học 2018-2019.
+ Giấy khen dành cho sinh viên có kết quả học tập xuất sắc năm học 2017-2018, 2018-2019.
+ Tốt nghiệp loại thủ khoa loại Giỏi ngành Quan hệ công chúng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với số điểm 3,52/4.