Cùng thành phố nơi cao, nơi thấp
Dịp cuối năm là lúc các doanh nghiệp, các cơ quan đoàn thể gấp rút tổng kết kế hoạch hoạt động của năm, từ đó đưa ra các hình thức khen thưởng, kỉ luật, trong đó có thưởng Tết. Thưởng Tết ở các doanh nghiệp, các công ty sẽ có những chế độ cụ thể phù hợp với công sức đóng góp của cá nhân đối với doanh nghiệp trong một năm làm việc.
Nhưng với nghề giáo, đây là một nghề đặc biệt, một nghề cao quý trong các nghề cao quý. Ngoài chế độ lên lớp hàng năm, những tháng cận kề tết Nguyên đán các thầy, các cô lại chạnh lòng khi nghĩ tới chuyện mình nhận quà tết.
Thưởng Tết ở thành phố sẽ khác so với vùng sâu, vùng xa. Ngay tại Hà Nội, mức thưởng cao nhất tính tới giờ này là tại một trường cấp 2 ở Q. Thanh Xuân, mức thưởng được công bố sẽ không cao hơn 2,4 triệu đồng. Cũng ngay tại Hà Nội, chỉ cách đó vài chục km mức thưởng Tết tụt xuống chỉ còn khoảng 300.000 đồng.
Giáo viên vùng cao hầu như không có thưởng Tết. Ảnh minh họa. |
Thầy Văn Như Cương, hiệu trưởng Trường THPT DL Lương Thế Vinh thông tin, mức thưởng năm nay sẽ khá hơn năm trước là 300.000 đồng, tức khoảng 1 triệu đồng mỗi giáo viên. Lý do đưa ra khoảng thưởng tết năm nay, PGS. Văn Như Cương cho biết do tổng khoản thu chỉ có một gói, nếu biết chi tiêu hợp lý thì giáo viên sẽ có thu nhập tốt hơn, nếu chi trả cho giáo viên trước theo công đóng góp thì khoản thưởng tết chỉ có hạn.
Tại TP. Hồ Chí Minh, ngay từ tháng 11/2013 Công đoàn ngành giáo dục đã lên một kế hoạch chăm lo tết Giáp Ngọ 2014 cho cán bộ, giáo viên, nhân viên lao động ngành giáo dục toàn thành phố. Thể hiện rất quy mô và thông suốt chỉ đạo chăm lo Tết Nguyên đán năm 2014 thực sự thiết thực, trách hình thức lãng phí, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên lao động khó khăn chỉ một cấp chăm lo (không trùng lắp), đồng thời sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính và tổ chức công khai kết quả chăm lo tết cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và Người lao động.
Chủ tịch Công đoàn giáo dục Nguyễn Hữu Hùng cho biết, mức “chăm lo” này ở dịp Tết Nguyên đán kinh phí và nguồn vận động tiền mặt mức thấp nhất là 200.000 đồng/trường hợp. Với những giáo viên công tác trong ngành mà có 3 năm chưa về que thì sẽ được hỗ trợ tiền vé xe để về quê trong dịp tết.
Tờ báo Gia Đình & Xã hội dẫn lời ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, giáo viên thì làm gì có chuyện thưởng Tết. Ông Sơn dẫn chứng, trong khi phần lớn các công ty, xí nghiệp đều có lương tháng 13 cho công nhân viên chức thì ngành giáo dục lại không có. Nhiều giáo viên không khỏi chạnh lòng, nhất là ở những trường khó khăn.
Một vài năm trước ở một số trường phổ thông tại Hà Nội có chủ trương thưởng tết thông qua hình thức bốc thăm trúng thưởng. Ai may mắn thì được phần quà nhiều nhiều chút, cộng thêm số tiền vài trăm nghìn. Theo ghi nhận của chúng tôi tới thời điểm này ở một số trường cấp 2 tại Hà Nội, mức thưởng năm nay sẽ không cao hơn năm trước là mấy.
Nghèo nàn thưởng tết
“Chưa biết mùi thưởng Tết” là nhiều lời than từ giáo viên cùng cao, có chăng đó cũng chỉ là gói chè hay lọ dầu gội đầu. Giáo viên vùng cao xét về điều kiện kinh tế thì khó khăn gấp bội so với miền xuôi. Tết đến nhiều giáo viên do nhà xa còn phải ở lại ăn Tết với học sinh, thế nhưng khi được hỏi về thưởng Tết thì đó chỉ là một “khái niệm” xa vời.
Trả lời trên báo điện tử VnMedia, ông Ngô Triều Mến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, cho biết năm trước giáo viên trong tỉnh được hỗ trợ tiền Tết 300.000 đồng nhưng đây là khoản hỗ trợ cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh. Năm nay, đến giờ này vẫn chưa có thông tin gì về khoản hỗ trợ Tết.
Hiệu trưởng Trường THCS Lý Chính Thắng 1 Lê Văn Quang, xã Tân Thới Nhì, H.Hóc Môn, TP.HCM) cho biết, thưởng Tết năm nay không có gì thay đổi và số tiền 100.000 đồng là phần quà tết cho giáo viên. Ngoài ra, Hội phụ huynh học sinh ở trường cũng trích quỹ tặng thêm cho mỗi giáo viên 200.000 đồng. Thêm khoản của UBND huyện, thành phố - cộng hết các khoản thì chắc mỗi thầy cô được gần 1 triệu đồng.
Các giáo viên nhiều năm qua cũng đã quen với món quà tết là tờ lịch hay hộp mứt, đây là món quà gọi là động viên.
Tại tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo của một Phòng giáo dục huyện cho hay, năm nào cũng vậy, giáo viên dạy học ở miền núi hầu như không có gì, người dân đến tết thường tặng thầy cô ít quà nhà làm được. Những huyện miền núi như thế này hầu như không có tiền thưởng tết cho giáo viên, thay vào đó là gói mứt, bánh kẹo để ăn tết.
Một nữ giáo viên tại Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái tên là Lê Thị Hồng, quê ở Phú Thọ đã lên đây công tác được 4 năm. Cuộc sống dạy học trong này vất vả đến mức nước sinh hoạt cũng phải đi mua, nếu không có tiền mua các giáo viên phải đi bộ 5km để lấy nước. Lương giáo viên hàng tháng của cô cộng tất cả các khoảng phụ cấp cũng chỉ được 6 triệu, nếu về quê thăm chồng tiền quà, tiền bánh nữa là không đủ tiền sinh hoạt.
Nhắc tới thưởng Tết, cô Hồng không khỏi buồn khi chế độ cho nhà giáo chưa được công bằng. Bản thân cô khi còn dạy hợp đồng 3 năm ở Phú Thọ còn có thưởng tết 300.000 đồng, lên tới trên này là vùng cao thì lại không có thưởng tết, năm duy nhất một năm cô được thưởng gần 100.000 đồng.
Những tâm sự của các thầy cô giáo miền núi về thưởng tết không khỏi ngậm ngùi, nghề giáo là nghề cao quý nhưng có cảm giác chúng ta chưa có một chính sách mang tính đặc thù thưởng tết cho giáo viên. Dù đó là ít hay là nhiều nhưng mọi giáo viên đều được đối xử như nhau sẽ trở nên hợp lí. Cuối năm khi cầm đồng tiền thưởng tết trong tay nhiều giáo viên buồn bã không biết mua gì và họ cảm thấy chạnh lòng về điều này.
Còn nữa…
Xuân Trung