Nghiệm thu, bàn giao kết quả GD nghiêm túc sẽ không có chuyện ngồi nhầm lớp

25/05/2024 06:40
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nghiệm thu, bàn giao kết quả giáo dục nghiêm túc sẽ hạn chế được tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp ở tiểu học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Chuyện học sinh lên trung học cơ sở mới được phát hiện chưa đọc thông, viết thạo, không phải là hiếm.

Có thể kể đến một số “vụ” phát hiện học sinh học xong tiểu học chưa đọc thông, viết thạo, cá biệt có những học sinh chưa biết chữ, mới đây được báo chí thông tin: “Quảng Ngãi: Học sinh THCS không biết đọc, biết viết!”[1]; “Học sinh lớp 6 không đọc được chữ: 'Con không biết vì sao con được lên lớp'”[2];

Theo nhiều giáo viên dạy lớp 1, việc đọc thông, viết thạo là không khó với học sinh và đây là yêu cầu cần đạt để học sinh lớp 1 được lên lớp 2.

Vậy tại sao vẫn có những học sinh lên trung học cơ sở mới được phát hiện chưa đọc thông, viết thạo?

Thực tế, người viết đã chứng kiến có học sinh dù học lớp 1 năm thứ 4, nhưng vẫn không thể đọc thông, viết thạo, khi “bị’ đẩy lên lớp, gia đình đã dọa sẽ kiện nhà trường, nên giáo viên chủ nhiệm, nhà trường, phải cho học sinh này ở lại lớp 1.

Nhà trường đã đề nghị gia đình em đi giám định khuyết tật. Về thể chất, học sinh này bình thường, khỏe mạnh, nhưng khi giám định tâm thần, em thuộc loại khuyết tật trí tuệ kém phát triển. Sau đó, gia đình đã cho em này nghỉ học.

Việc có một vài học sinh trong khối 1 không hoàn thành chương trình, chưa đọc thông viết thạo có thể do học sinh khuyết tật, là điều bình thường xảy ra ở các cơ sở giáo dục.

Việc đẩy các em chưa đọc thông, viết thạo lên lớp, để đến trung học cơ sở mới phát hiện, chắc chắn lỗi là do giáo viên tiểu học, cơ quan quản lý giáo dục.

Cho học sinh chưa đọc thông, viết thạo lên lớp là giáo viên, nhà trường chưa thực hiện đúng việc đánh giá, tổng kết học sinh.

Học sinh tiểu học học chương trình 2006 được đánh giá, tổng kết bởi đánh giá học sinh Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT, Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT; học sinh tiểu học học chương trình 2018 Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT.

Điểm chung của các thông tư đánh giá học sinh tiểu học người viết đã liệt kê ở trên đều có nội dung: Nghiệm thu, bàn giao kết quả giáo dục học sinh.

Điều 12 Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐTghi rõ: Nghiệm thu, bàn giao kết quả giáo dục học sinh

1. Nghiệm thu, bàn giao kết quả giáo dục học sinh nhằm đảm bảo tính khách quan và trách nhiệm của giáo viên về kết quả đánh giá học sinh; giúp giáo viên nhận học sinh vào năm học tiếp theo có đủ thông tin cần thiết để có kế hoạch, biện pháp giáo dục hiệu quả.

2. Hiệu trưởng chỉ đạo nghiệm thu, bàn giao kết quả giáo dục học sinh:

a) Đối với học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4: giáo viên chủ nhiệm trao đổi với giáo viên sẽ nhận học sinh vào năm học tiếp theo về những nét nổi bật hoặc hạn chế của học sinh, bàn giao hồ sơ đánh giá học sinh theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Quy định này.

b) Đối với học sinh lớp 5: tổ chức coi, chấm bài kiểm tra có sự tham gia của giáo viên trường trung học cơ sở trên cùng địa bàn; giáo viên chủ nhiệm hoàn thiện hồ sơ đánh giá học sinh, bàn giao cho nhà trường.

c) Các tổ chuyên môn ra đề kiểm tra định kỳ cho các khối lớp.

3. Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường trên cùng địa bàn tổ chức nghiệm thu, bàn giao kết quả giáo dục học sinh hoàn thành chương trình tiểu học lên lớp 6 phù hợp với điều kiện của các nhà trường và địa phương. [3]

Người viết chỉ bàn đến nội dung: Đối với học sinh lớp 5: tổ chức coi, chấm bài kiểm tra có sự tham gia của giáo viên trường trung học cơ sở trên cùng địa bàn; giáo viên chủ nhiệm hoàn thiện hồ sơ đánh giá học sinh, bàn giao cho nhà trường.

Thực tế, mỗi trường trung học cơ sở chỉ điều động 01 người tham gia tổ chức coi, chấm bài kiểm tra lớp 5 với trường tiểu học trên địa bàn, bản thân người viết cũng đã được điều động để làm nhiệm vụ này.

Qua tìm hiểu những giáo viên ở đơn vị khác, người viết thấy khi làm nhiệm vụ này, nhiều giáo viên trung học cơ sở không được phân công coi, chấm bài kiểm tra, mà chỉ … ký cho đủ hồ sơ rồi về.

Từ thực tế, người viết cho rằng, chỉ có 1 giáo viên trung học cơ sở tham gia tổ chức coi, chấm bài kiểm tra ở lớp 5 thì nó sẽ là hình thức. Vì vậy, việc nghiệm thu, bàn giao kết quả giáo dục học sinh khó có kết quả thực sự thực chất.

Ngoài ra, khi tuyển sinh lớp 6, học sinh tiểu học không phải chỉ học trường trung học cơ sở trên địa bàn và ngược lại. Vì vậy, làm sao để tránh tình trạng học sinh lên trung học cơ sở mới phát hiện chưa đọc thông, viết thạo?

Với các trường trung học cơ sở có thi tuyển, chắc chắn không có tình trạng học sinh trung học cơ sở mà chưa đọc thông, viết thạo. Tình trạng học sinh trung học cơ sở mà chưa đọc thông, viết thạo chỉ có ở trường tuyển sinh bằng học bạ.

Từ thực tế dạy học gần 40 năm, người viết có đôi điều kiến nghị:

Với tiểu học, giáo viên lớp 2 phải kiểm tra khả năng đọc, viết của từng học sinh ngay từ đầu năm khi nhận lớp, nếu học sinh chưa đạt yêu cầu, kiên quyết đề nghị hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 cho học sinh ở lại lớp.

Nếu hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm không đồng ý cho học sinh ở lại lớp 1, giáo viên lớp 2 tuyệt đối không nhận học sinh chưa đạt kĩ năng đọc viết, đồng thời báo cáo lên cấp trên.

Giáo viên chủ nhiệm lớp 1, hiệu trưởng, muốn đạt thành tích, phải thực hiện bổ trợ kiến thức cho học sinh chưa đạt yêu cầu trong hè.

Với trung học cơ sở, hiệu trưởng trường trung học cơ sở nên yêu cầu giáo viên chủ nhiệm ngay từ đầu năm lớp 6, phải chủ động kiểm tra khả năng đọc, viết của học sinh, báo cáo cho nhà trường để có kế hoạch hỗ trợ nếu cần.

Trường trung học cơ sở kiểm tra kĩ càng, bắt buộc trường tiểu học phải dạy tốt hơn, đánh giá trung thực hơn, người hưởng lợi đầu tiên chính là học trò.

Hai cánh cửa, lớp 2 và lớp 6, thực hiện đúng đề xuất trên của người viết, chắc chắn không còn tình trạng lên trung học cơ sở mới phát hiện học sinh chưa đọc thông viết thạo.

Nghiệm thu, bàn giao kết quả giáo dục nghiêm túc ở các lớp tiểu học, sẽ hạn chế được tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp, không chỉ ở tiểu học mà cả trung học cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://tuoitre.vn/quang-ngai-hoc-sinh-thcs-khong-biet-doc-biet-viet-67424.htm

[2]https://tuoitre.vn/hoc-sinh-lop-6-khong-doc-duoc-chu-con-khong-biet-vi-sao-con-duoc-len-lop-20210408170555195.htm

[3]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-27-2020-TT-BGDDT-quy-dinh-danh-gia-hoc-sinh-tieu-hoc-320659.aspx

Nguyễn Nhật Minh