Nghiện hút, cướp giật lộng hành, cử tri TP. HCM ‘cầu cứu’ Quốc hội

27/10/2014 06:08
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Đại biểu quốc hội cho hay, hầu hết cử tri ở TP. HCM đều lo sợ trước sự lộng hành của nạn cướp giật, nghiện ngập và họ đang “cầu cứu” Quốc hội.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Du Lịch - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trước thềm kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13 (khai mạc vào sáng 20/10), đoàn đã lấy ý kiến cử tri ở nhiều nội dung thuộc các vấn đề kinh tế, xã hội, anh ninh, quốc phòng…

Đáng chú ý, về phía doanh nghiệp, họ quan tâm tới các giải pháp nhằm tăng sức mua, giảm hàng tồn kho. Với người dân, họ vẫn bức xúc nhất về vấn đề an ninh trật tự, đặc biệt là nạn cướp giật và chuyện cai nghiện.

“Hiện nay ở TP. HCM, việc cai nghiện có diễn biến quá phức tạp nên dân rất lo lắng. Tình trạng cướp giật lộng hành cũng khiến họ lo sợ. Hầu hết cử tri đều đề cập tới vấn đề trên và đề nghị Quốc hội thảo luận, sớm đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng trên”, đại biểu Trần Du Lịch nói.

Về việc xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, ông Trần Du Lịch cho biết, khi tiếp xúc cử tri ông thấy người ta không nói là không làm, nhưng họ đề nghị Chính phủ phải cân nhắc kỹ trước khi làm. Hiện nay nợ công rất lớn, nên cử tri đề nghị quốc hội phân tích, thảo luận kỹ nhất là về thời điểm xây dựng trước khi quyết định làm.

“Bộ Y tế đang nhầm lẫn”

Nhắc lại chuyện lùm xùm: Bộ Y tế có công văn gửi UBND TP HCM yêu cầu chỉ đạo Sở Y tế báo cáo và giải trình về các nội dung phát biểu của bà Phạm Khánh Phong Lan - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - về những bất cập trong đấu thầu thuốc, ông Trần Du Lịch bình luận: Đại biểu quốc hội có quyền nêu ý kiến của mình và chịu trách nhiệm về nội dung phát biểu.

“Tôi cho rằng phát biểu của bà Phong Lan là phát biểu đúng thẩm quyền. Bộ Y tế không thể bắt đại biểu quốc hội hay cấp trên của họ giải trình về nội dung đó. Bộ Y tế nên xem lại quy định của đại biểu quốc hội. Bộ đang nhầm lẫn giữa vai trò của đại biểu quốc hội và vai trò của người về hành chính thuộc sự quản lý của họ”, ông Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, ở nước ta có khoảng hơn 160 đại biểu chuyên trách, còn lại là đại biểu kiêm nhiệm. Khi đại biểu quốc hội – người được cử tri bầu ra - phát biểu với tư cách là người đại diện cho cử tri thì tiếng nói của họ cũng chính là tiếng nói của các cử tri.

Vì vậy, trong nhiều trường hợp khi phát biểu họ cũng phải vượt lên giới hạn về trách nhiệm chuyên môn cụ thể của mình. Tất nhiên, khi đó họ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và trước các cử tri về nội dung phát biểu.

Việc Bộ Y tế đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Y tế giải trình liên quan đến phát biểu của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan tại một cuộc họp của cơ quan thuộc Quốc hội là không thích hợp.

Lẽ ra trong cuộc họp đó, nếu thấy có nội dung chưa phù hợp, chưa chính xác, đại diện của Bộ Y tế có thể thẳng thắn trao đổi, cùng đại biểu làm rõ vấn đề mà đại biểu nêu. Trong trường hợp chưa có điều kiện về thời gian để trao đổi ngay tại cuộc họp, lãnh đạo ngành đó có thể trao đổi trực tiếp với đaị biểu sau đó để làm rõ vấn đề.  

Tất nhiên, đại biểu quốc hội kiêm nhiệm luôn gắn liền với chức vụ chuyên môn, nghề nghiệp. Khi phát biểu thuộc chuyên môn của ngành, vị đại biểu đó có thể làm rõ quan điểm, nội dung mình đã phát biểu bằng nhiều cách. Chẳng hạn, họ có thể thông qua báo chí, các phương tiện truyền thông hoặc trao đổi trực tiếp với lãnh đạo ngành.

Cũng theo ông Hùng, tại kỳ họp này, Ủy ban các vấn đề xã hội của quốc hội với tư cách là cơ quan chuyên môn của quốc hội có tham gia thẩm tra báo cáo kinh tế, xã hội. Những vấn đề chính ủy ban quan tâm là vấn đề về lao động, việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động.

Về khía cạnh pháp luật, ủy ban cũng là cơ quan thẩm tra một số luật như luật bảo hiểm xã hội, luật an toàn vệ sinh lao động…

Nói về tình hình biển Đông, ông Hùng khẳng định: “Việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo, sân bay ở quần đảo Trường Sa là hành động vi phạm chủ quyền. Chúng ta phải đấu tranh với phương châm đã đề ra đó là bằng giải pháp hòa bình để đảm bảo chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của ta”.

PHONG NGUYÊN