Ngoại giao bẫy nợ, bộ mặt khác của Vành đai và Con đường

25/03/2018 09:44
Hồng Thủy
(GDVN) - Chiến lược ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc đã làm hại nhiều nước nghèo trong thập kỷ qua. Tài nguyên thiên nhiên, cảng khẩu chiến lược thành tài sản thế chấp.

Học giả JC Punongbayan, Philippines ngày 2/3 có bài phân tích đáng chú ý trên tờ Rappler: "Điều tôi sợ nhất về các khoản vay mới, thân thiện của Trung Quốc"

Tác giả JC Punongbayan cho hay:

"Trong cuộc họp gần đây với các doanh nhân, ông Ernesto Pernia, nhà kinh tế học đang giữ chức Giám đốc Viện Kinh tế và phát triển quốc gia Philippines thừa nhận rằng, các khoản cho vay để xây dựng cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc đắt hơn Nhật Bản.

Tuy nhiên khi được hỏi lý do tại sao chính phủ Tổng thống Rodrigo Duterte vẫn muốn vay các khoản tiền lớn từ Trung Quốc, ông Ernesto Pernia đưa ra những câu trả lời khác nhau, đại loại như:

Học giả JC Punongbayan, ảnh chụp màn hình.
Học giả JC Punongbayan, ảnh chụp màn hình.

Chúng ta không thể có được tất cả các khoản vay từ Nhật Bản; việc xử lý các dự án vay vốn của Nhật Bản có xu hướng chậm; lãi suất của Trung Quốc vẫn còn tốt hơn nhiều khoản vay thương mại; 

Đặc biệt là lý do "chúng ta cần thêm bạn bè" ông Ernesto Pernia đưa ra, Trung Quốc có thực sự thân thiện ở đây hay không?

Trong bài viết này, tác giả (JC Punongbayan) tập trung phân tích các khoản vay của Trung Quốc để thấy được sự trầm trọng, nặng nề của nó.

Trong những năm gần đây, một trong những chiến lược Trung Quốc theo đuổi là "ngoại giao bẫy nợ". Họ đổ hàng tỉ đô la Mỹ cho vay, hàng triệu đô la Mỹ viện trợ các  dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài.

Nhiều nước trong số những con nợ của Trung Quốc đã không thể trả nợ, buộc phải từ bỏ tài nguyên thiên nhiên và các lợi ích / tài sản chiến lược của mình cho Bắc Kinh như một hình thức thế chấp.

Điều này đã thúc đẩy lần lượt các lợi ích kinh tế, chính trị của Trung Quốc trên toàn thế giới. Philippines nên lưu ý đến những kinh nghiệm của các nước đi vay này.

Với những hành động cũng như vai trò của lãnh đạo hiện tại đất nước chúng ta, thì Philippines có thể là nạn nhân tiếp theo của kế hoạch ngớ ngẩn này.

Các khoản vay đắt đỏ

Trong chuyến thăm đầu tiên của ông Rodrigo Duterte tới Bắc Kinh vào năm 2016, các quan chức Trung Quốc đã cam kết viện trợ 6 tỉ USD và cho vay 3 tỉ USD nhằm mục đích tài trợ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mà ông Rodrigo Duterte đặt tên "Xây! Xây! Xây!".

Đằng sau các khoản vay, viện trợ của Trung Quốc là cả một ý đồ "thôn tính" chiến lược, ảnh minh họa: Rappler.
Đằng sau các khoản vay, viện trợ của Trung Quốc là cả một ý đồ "thôn tính" chiến lược, ảnh minh họa: Rappler.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc cấp viện trợ nước ngoài cho Philippines.

Nhưng cho đến nay, Trung Quốc vẫn không cho Philippines mượn tiền. Nhà kinh tế trưởng của ông Rodrigo Duterte khẳng định, các cuộc đàm phán đang được tiến hành;

Trung Quốc sẽ cho Philippines vay với lãi suất từ 2% đến 3%, trong khi Nhật Bản đang cho Philippines vay với lãi suất từ 0,25% đến 0,75%.

Làm một phép tính đơn giản cũng thấy, các khoản vay từ Trung Quốc lãi suất thấp nhất cũng đắt 3 lần, lãi suất cao nhất thì đắt gấp 12 lần Nhật Bản!

Một số người cho rằng, các khoản vay của Trung Quốc rất đắt vì họ cho các quốc gia có rủi ro vay, có nghĩa là cho các nước có khả năng vỡ nợ cao vay.

Tuy nhiên, Philippines đã lấy lại được môi trường đầu tư hấp dẫn từ 2013, các tổ chức xếp hạng tín dụng đã cải thiện và khẳng định vị trí của Philippines kể từ đó.

Nếu Philippines đáng tin cậy như vậy, tại sao Trung Quốc không thể cung cấp lãi suất ưu đãi hơn như Nhật Bản?

Ngoài lãi suất cao, các khoản cho vay của Trung Quốc còn đòi hỏi sự tham gia trực tiếp của nhà thầu Trung Quốc, khác hoàn toàn các dự án vay vốn Nhật Bản, ai cũng có thể tham gia đấu thầu.

Ngoại giao bẫy nợ, bộ mặt khác của Vành đai và Con đường ảnh 3

Nước Mỹ bừng tỉnh cơn mê vì những kỳ vọng vào Trung Quốc

Cho đến nay đã có 3 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Philippines ưu tiên sử dụng nhà thầu Trung Quốc, đó là: dự án đập thủy lợi sông Chico; dự án kênh Kaliwa; dự án đường sắt Nam - Nam.

Ernesto Pernia cho biết, chính phủ Philippines sẽ chọn 3 trong số các công ty Trung Quốc và đảm bảo rằng họ sẽ được kiểm tra kĩ lưỡng.

Nhưng đây là mảnh đất màu mỡ cho thông đồng và tham nhũng. Chúng tôi đã từng có một quá khứ tồi tệ trong giao dịch với các công ty Trung Quốc trong các dự án cơ sở hạ tầng.

Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Arroyo, thỏa thuận NBN - ZTE trị giá 329 triệu USD đã để lại dấu vết tham nhũng khổng lồ hướng tới vợ chồng Tổng thống và có những cáo buộc nhằm thẳng vào bà Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo.

Dự án Northrail cũng bị hỏng vì hối lộ và tính cước quá mức, nếu Philippines không giải quyết xong vào năm 2017 thì mỗi năm sẽ phải trả cho nhà thầu Trung Quốc trên 100 triệu đô la Mỹ.

Tóm lại, các khoản vay mới của Trung Quốc rất đắt đỏ, không cạnh tranh và dễ nuôi tham nhũng.

Ngoại giao bẫy nợ

Quan trọng hơn, các khoản vay mới của Trung Quốc phải đặt trong bối cảnh chiến lược phát triển lâu dài mà Trung Quốc gọi là Vành đai và Con đường.

Theo sáng kiến này, Trung Quốc muốn xây dựng cơ sở hạ tầng đường xá, cầu cống, sân bay, đường ống, đập, đường sắt và hạ tầng viễn thông trên 68 quốc gia từ châu Á - Thái Bình Dương, châu Phi, Trung Đông sang châu Âu.

Các dự án trong Vành đai và Con đường được Trung Quốc xem như cách "giúp các nước nghèo cần tiền xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển".

Từ năm 2000 đến 2015, các khoản vay của Trung Quốc cho các nước châu Phi vùng hạ Sahara đã tăng 98 lần, đạt đỉnh năm 2013 là 17 tỉ USD.

Các ngân hàng Trung Quốc cũng cho Pakistan vay 1,2 tỉ USD trên cơ sở cam kết 57 tỉ USD cho hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan.

Ngoại giao bẫy nợ, bộ mặt khác của Vành đai và Con đường ảnh 4

Sự ngu ngơ tinh quái

Một chuyên gia cho biết, những khoản vay này là quá lớn và hấp dẫn với nhiều quốc gia nhỏ gặp khó khăn.

Bộ Tài chính Philippines cũng xem Vành đai và Con đường là cơ hội "mở ra những thị trường mới cho hàng hóa Philippines và đưa các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vào thời đại hoàng kim".

Nhưng trong những năm gần đây, những nước nghèo đã tự thấy mình không thể trả được các khoản vay này, và dính vào bẫy nợ của Trung Quốc.

Họ thường không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cung cấp cho Trung Quốc quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên hoặc sử dụng / sở hữu tài sản chiến lược liên quan đến an ninh chủ quyền quốc gia của chính mình như một hình thức gán nợ.

Chiến lược ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc đã làm hại nhiều nước nghèo trong thập kỷ qua. Trung Quốc tăng cường đòn bẩy chính trị và kinh tế trên toàn thế giới do có các quốc gia nghèo khó.

Ví dụ cho điều này thì có nhiều.

Tháng 2 năm ngoái, Trung Quốc đã điều 11 tàu chiến đến Ấn Độ Dương khi nổ ra khủng hoảng hiến pháp ở Maldives. Nước này nợ  Trung Quốc ít nhất 2 tỉ USD. Trung Quốc và Ấn Độ đang tranh giành ảnh hưởng trên quốc đảo này.

Tháng 12 năm ngoái, Sri Lanka buộc phải cho Trung Quốc thuê cảng chiến lược Hambantota trong 99 năm sau khi không trả được nợ.

Thành phố cảng Mombasa ở Kenya có thể phải chịu chung số phận sau khi Trung Quốc cho vay 3,8 tỉ USD xây dựng một tuyến đường sắt.

Năm 2017 Djibouti cho phép Trung Quốc xây căn cứ quân sự đầu tiên của họ ở nước ngoài. Djibouti phải trả Trung Quốc 20 triệu USD mỗi năm cho các khoản nợ.

Venezuela hiện đang nằm trong tâm cuộc khủng hoảng kinh tế, cũng vay mượn 63 tỉ USD từ Trung Quốc trong giai đoạn 2007-2014, Bắc Kinh nhấn mạnh rằng Venezuela trả nợ họ bằng dầu mỏ.

Turkmenistan cũng đã phải cho Trung Quốc tiếp cận nguồn khí đốt tự nhiên sau khi gặp phải những rắc rối tương tự.

(Vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Philippines trên) Biển Đông sẽ thành tài sản thế chấp?

Với bất kỳ ai thấy được Vành đai và Con đường là 1 cái bẫy nợ, thì chiến lược của Tổng thống Rodrigo Duterte đang gây lo lắng, nhất là việc làm mềm lập trường của ông trong việc bảo vệ chủ quyền và quyền tài phán của Philippines trong các tranh chấp ở Biển Đông để đổi lấy các hợp đồng kinh tế trị giá vài tỉ USD với Trung Quốc.

Ông Rodrigo Duterte đã tỏ ra thờ ơ trước sự xâm nhập của Trung Quốc trên Biển Đông. Gần đây, ông còn nói đùa về khả năng Philippines trở thành 1 tỉnh của Trung Quốc.

Người phát ngôn Phủ Tổng thống Harry Roque thì nói, Philippines phải cảm ơn Trung Quốc vì những hòn đảo nhân tạo họ đã bồi đắp.

Sự chấp thuận như vậy có những hậu quả thực sự. Hiện nay Trung Quốc đang tìm kiếm một số tài nguyên quan trọng nhất của vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Philippines yêu sách, bao gồm bãi Cỏ Rong (Reed Bank).

Nếu Philippines không thể khai thác bãi Cỏ Rong trong vòng 8-10 năm tới, nguồn cung năng lượng trên bán đảo Luzon sẽ bị cắt đứt, khu vực này sẽ quay lại những đợt mất điện triền miên như thập niên 1990.

Rõ ràng giao dịch của ông Rodrigo Duterte với Trung Quốc còn lâu mới đạt tới công bằng. Theo Giáo sư Jay Batongbacal: "Chúng ta luôn bán quá nhiều, quá sớm trong việc đối phó với Trung Quốc."

Thậm chí giả sử rằng việc hợp tác là cần thiết, Trung Quốc đang chiếm đoạt lãnh thổ (thực tế là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa) của Philippines ngay cả khi không có dự án cơ sở hạ tầng nào bị phá vỡ.

Việc này giống như ngân hàng tịch thu ngôi nhà của bạn ngay cả khi nó chưa cho bạn vay tiền. Đây phải chăng là một hình thức thực dân mới?

Trong kinh tế học, chi phí của một cái gì đó là những gì bạn phải bỏ ra để có được nó.

Nhưng khi nói đến các khoản vay mới của Trung Quốc, chi phí của nó không chỉ bao gồm lãi suất cao, mà còn những thứ khác mà Philippines phải bỏ lại cho họ, bao gồm lãnh thổ, tài nguyên thiên nhiên và chủ quyền.

Các quan chức chính phủ Philippines nói rằng, chúng ta cần những khoản vay này để có thêm nhiều bè bạn. Nhưng một tình bạn tốn kém như vậy có ý nghĩa gì?

Một số quan điểm xem ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc là một hình thức của chủ nghĩa thực dân kiểu mới, hoặc chủ nghĩa đế quốc chủ nợ." [1]

Nguồn:

[1]https://www.rappler.com/thought-leaders/197207-china-loans-philippines-fears

Hồng Thủy